Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Các thuốc có tác dụng sát khuẩn

Thuốc sát khuẩn có tác dụng diệt hoặc ức chế sự phát triển của vi sinh vật trên bề mặt mô sống mà không gây tổn hại cho mô này, được dùng cho các vết thương trên da, vết bỏng...

Thuốc sát khuẩn có tác dụng diệt hoặc ức chế sự phát triển của vi sinh vật trên bề mặt của mô sống mà không gây tổn hại cho mô này. Chúng được dùng cho các vết thương trên da, niêm mạc, vết bỏng…

Clorhexidin

Đây là thuốc có tác dụng sát khuẩn và khử khuẩn có các dạng: chế phẩm rà miệng (thường phối hợp với thuốc tê như tetracain, lidocain dưới các dạng viên ngậm, dung dịch súc miệng hoặc khí dung vào miệng), dung dịch rửa, kem dùng ngoài hoặc gel.

Clorhexidin được dùng để khử khuẩn ở da, vết thương, vết bỏng, đường âm đạo, làm sạch dụng cụ và các mặt cứng (mặt bàn bằng gạch men hoặc thép không gỉ). Ngoài ra, clorhexidin có thể phòng ngừa việc tạo thành cao răng và bảo vệ chống lại viêm lợi, thậm chí ở nồng độ rất thấp. Thuốc có tác dụng phòng ngừa sâu răng. Cũng đã xác định được là sau một lần súc miệng, hoạt tính kháng khuẩn còn duy trì được đến 8 giờ.

Các phản ứng mẫn cảm (kích ứng da) có thể xảy ra trong điều trị viêm da tiếp xúc. Dung dịch nồng độ cao có thể gây kích ứng kết mạc và các mô nhạy cảm khác. Phản ứng dị ứng nặng có thể dẫn đến hạ huyết áp rất nhiều hoặc đỏ bừng toàn thân.  Thuốc có thể gây ra màu nâu ở lưỡi và răng, nhưng hồi phục sau khi ngừng điều trị…

Cần sát khuẩn trước khi băng bó vết thương.

Cồn 70 độ

Được dùng để sát khuẩn da trước khi tiêm, trước khi chọc, chích tĩnh mạch hay phẫu thuật. Các dùng: bôi trực tiếp lên da, không pha loãng. Cần thận trọng khi dùng với các vết thương hở, vết bỏng nặng…. Khi dùng da có thể bị khô và dễ bị kích ứng khi dùng nhiều lần.

Nước ôxy già (Hydrogen peroxyd)

Dung dịch có các nồng độ 1,5%, 3%, 6% được dùng để súc miệng và rửa vết thương. Để súc miệng, rửa miệng pha loãng dung dịch 1,5%, 3% với nước theo tỷ lệ 1:1. Bôi miệng, lợi dùng dung dịch 1,5%. Rửa vết thương, vết loét dùng dung dịch 1,5%, 3%.

Không dùng nước ôxy già để súc miệng, rửa miệng, rửa vết thương trong thời gian dài. Không dùng cho những vết thương đang lành và không nên giữ thuốc trong thời gian dài. Khi dùng thuốc có thể xảy ra kích ứng, bỏng da và niêm mạc.

Cồn iod (dung dịch iod 5%)

Được dùng để sát khuẩn các vết thương và da, niêm mạc trước khi phẫu thuật, chống một số nấm da. Cách dùng: bôi thuốc  lên vùng da để khử khuẩn hoặc vào vùng da tổn thương để tránh nhiễm khuẩn. Ngày bôi 2 lần. Thuốc có thể gây kích ứng tại chỗ, gây bỏng rát, đau. Dùng diện quá rộng và vết thương tổn sâu có thể gây nhiễm độc iod.

Không dùng thuốc cho người mẫn cảm với iod, không bôi trực tiếp trên niêm mạc, không dùng cho trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Tránh dùng cho các thương tổn sâu.

Povidon iod

Dùng để sát khuẩn vết thương, da, niêm mạc; lau rửa các dụng cụ y tế trước khi tiệt khuẩn. Có nhiều dạng thuốc như:

Dung dịch 10%: người lớn và trẻ em, ngày bôi 2 lần (dung dịch không pha loãng), nếu cần phủ gạc lên vết thương.

Bột khô để phun 2,5%: người lớn và trẻ em trên 2 tuổi, lắc kỹ lọ, phun thuốc vào vùng tổn thương, không phun vào các khoang niêm mạc.

Dung dịch súc miệng 1%: người lớn và trẻ em trên 6 tuổi dùng dung dịch không pha loãng hoặc pha loãng 1/2 với nước ấm. Mỗi lần súc miệng khoảng 10 ml trong 30 giây (không được nuốt).

Viên đặt âm đạo 200 mg: Đặt vào buổi sáng và tối, mỗi lần 1 viên, dùng liên tục 14 ngày. Trước khi đặt phải làm ẩm viên thuốc bằng nước  để thuốc khuếch tán tốt và không gây kích ứng tại chỗ...

Không dùng cho người mẫn cảm với thuốc, tránh dùng thường xuyên hoặc kéo dài ở bệnh nhân bướu giáp nhân coloid; không dùng cho các trường hợp phụ nữ có thai, cho con bú, thủng màng nhĩ, khoang bị tổn thương nặng; trẻ nhỏ dưới 2 tuổi (đặc biệt là trẻ sơ sinh).

Thuốc có thể gây kích ứng da và niêm mạc. Nếu dùng trên diện rộng có thể gây giảm năng tuyến giáp (gây cơn nhiễm độc giáp), nhiễm acid chuyển hóa, tăng natri huyết, suy giảm chức năng thận (ở người bị bỏng nặng) hoặc co giật (ở người điều trị kéo dài).

http://suckhoedoisong.vn/cac-thuoc-co-tac-dung-sat-khuan-n64535.html

Theo DS. Hoàng Thu Thủy/Báo Sức Khỏe Đời Sống

Bạn có thể quan tâm