Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Các thuốc dễ gây tai biến ở người cao tuổi

Người cao tuổi, do sự thay đổi đáng kể một số chức năng ở các cơ quan trong cơ thể, ảnh hưởng tới sự hấp thu, thải trừ của thuốc.

Khi dùng thuốc, người cao tuổi phải rất thận trọng và theo dõi chặt chẽ để tránh quá liều gây độc. Dưới đây là một số thuốc hay dùng ở người cao tuổi cần lưu ý.
Các thuốc hạ đường huyết
Ở người cao tuổi, đường huyết thường không ổn định. Mức đường huyết có lúc sẽ tăng cao bất thường mà không phải do bệnh đái tháo đường. Do vậy, để đảm bảo việc có nên uống thuốc hạ đường huyết hay không, thì cần làm đầy đủ các xét nghiệm và được bác sĩ chuyên khoa nội tiết chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường.

Nếu chế độ ăn uống, luyện tập không điều chỉnh được đường huyết thì mới cần phải dùng đến thuốc. Khi dùng thuốc hạ đường huyết, người cao tuổi rất dễ gặp biến chứng hạ đường huyết, nhất là trong giai đoạn mới bắt đầu dùng thuốc (ngay trong tuần đầu).

Người bệnh cần đề phòng tình huống này và theo dõi các bất thường khác có thể xảy ra, thông báo cho bác sĩ điều trị biết để được xử lý kịp thời. Bác sĩ nên kê đơn với liều thấp, sau đó tăng dần một cách thận trọng cho tới khi đạt được hiệu quả điều trị.

nguyen nhan gay tai bien o nguoi gia anh 1

Người cao tuổi khi dùng thuốc cần sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. Ảnh: TM.

Các thuốc tâm thần

Ở người già, các rối loạn như: rối loạn tuần hoàn, nhiễm khuẩn đái tháo đường, bệnh phổi hoặc các trạng thái hoang tưởng mạn tính... đều có thể dẫn tới trạng thái rối loạn tâm thần. Nếu hoang tưởng xuất hiện, phải điều trị sớm và tích cực.

Khi điều trị rối loạn tâm thần ở người già thì phải điều trị nguyên nhân gây bệnh và kết hợp với thuốc an thần. Các thuốc thường được chỉ định là: levomepromazin, thioridazin, clopromazin, haloperidol nhằm điều trị cơn kích thích hưng cảm.

Tuy nhiên, việc chỉ định liều thuốc cũng phải thận trọng, phải thấp hơn nhiều so với người trung hoặc trẻ tuổi. Các thuốc chống trầm cảm như imipramin, desipramin, trimerprimin, clomipramin, amitryptilin... nên được dùng bắt đầu bằng liều thấp và tăng dần cho đến khi đạt được tác dụng điều trị. Không nên dùng loại ức chế monoamin oxydaza vì thuốc này gây hạ huyết áp tư thế đứng hoặc tăng huyết áp đột ngột.

Dù gặp phải bất kỳ triệu chứng bất thường nào sau khi uống thuốc, bệnh nhân hoặc người chăm sóc cũng cần thông báo cho bác sĩ điều trị biết về tình trạng đó để được điều chỉnh thuốc hoặc hướng dẫn cách xử trí, không nên tự ý bỏ thuốc.

Thuốc chữa Parkinson

Hiện nay thuốc levodopa và decacboxylaza được sử dụng khá rộng rãi để điều trị Parkinson ở người cao tuổi. Ngoài ra, có thể dùng levodopa phối hợp với nhiều loại thuốc khác như: thuốc chống Parkinson tổng hợp để chữa tăng tiết nước bọt hoặc run; thuốc chống trầm cảm ba vòng (vì trạng thái trầm cảm hay gặp ở bệnh nhân Parkinson); thuốc amantadin để tăng cường tác dụng của levodopa. Ban  đầu thuốc cũng được dùng liều thấp rồi tăng từ từ, đến khi liều đạt hiệu quả (nhưng không được quá liều khuyến cáo). Tác dụng phụ của thuốc này thường gặp là rối loạn tiêu hóa, hạ huyết áp ở tư thế đứng, động tác bất thường. Nặng hơn có thể gặp tình trạng mất trí làm cho phải ngừng điều trị.

Thuốc tim mạch - huyết áp

Thuốc chống tăng huyết áp: Dùng thuốc điều trị tăng huyết áp để kiểm soát huyết áp hằng ngày làm giảm tỷ lệ biến chứng và tử vong do tăng huyết áp gây ra. Trong chế độ ăn uống, người cao tuổi không nên ăn nhạt quá khắt khe và tập luyện phù hợp với sức khỏe.

Người bệnh cần lưu ý tới các biểu hiện của hạ huyết áp tư thế khi dùng thuốc như cảm thấy chóng mặt, hoa mắt, nhìn mờ, mệt xỉu... Lúc này cần nhanh chóng đưa bệnh nhân lên giường nằm nghỉ, uống một tách trà nóng và thông báo cho bác sĩ biết tình hình để được hướng dẫn cách xử trí.

Không được bỏ thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp, vì điều này là rất nguy hiểm, có thể gây cơn tăng huyết áp đột ngột, dẫn tới đột quỵ.

Thuốc lợi tiểu: Dùng thuốc lợi tiểu phải thận trọng ở người già vì có thể gây những rối loạn nước, điện giải, tụt huyết áp ở tư thế đứng.

Liều dùng cũng như thời gian điều trị phải được cân nhắc trên từng bệnh nhân. Ví dụ ở bệnh nhân suy tim, khi đã khống chế được đợt sung huyết ở tim tại bệnh viện rồi thì bác sĩ cần theo dõi nhịp tim, cân nặng, huyết áp của bệnh nhân để quyết định có nên dùng thuốc lợi tiểu nữa hay dừng lại hoặc cần phải điều chỉnh liều lượng cho thích hợp. Không nên cho bệnh nhân uống thuốc lợi tiểu từng thời kỳ đều đặn để đề phòng phù tái phát.

Thuốc trợ tim: Người già cùng với bệnh tăng huyết áp lâu năm thường dẫn tới suy tim. Việc dùng thuốc trợ tim ở những đối tượng này là rất cần thiết nhưng lại rất nguy hiểm, bởi khi uống thuốc nếu không có điều kiện theo dõi định kỳ thì dễ gây ngộ độc do chỉ số thanh thải thận ở người già giảm.

Kháng sinh

Khi kê đơn thuốc kháng sinh ở người cao tuổi phải chú ý đến hệ số thanh thải gan, thận (thường là bị suy giảm) và cũng cần phân biệt nhiễm khuẩn tự phát với bội nhiễm.

Với nhiễm khuẩn tự phát ở người già, diễn biến âm ỉ, triệu chứng không rầm rộ nên khi đi khám bệnh thì đã muộn, toàn trạng kém, tình trạng mất cân bằng đột ngột, chán ăn, ốm nặng... cần phải được dùng kháng sinh càng sớm càng tốt vì nếu để chậm thì có thể để lại hậu quả nặng nề.

Còn bội nhiễm thường do tổn thương sau giải phẫu, tai biến, trị ung thư gây suy giảm miễn dịch... Do đó, nhiễm khuẩn thường nặng và kháng sinh ít mang lại hiệu quả, thường phải được theo dõi chặt chẽ tại bệnh viện.

Ở người cao tuổi, do sự thay đổi đáng kể một số chức năng ở các cơ quan trong cơ thể, do đó có thể bị rối loạn sự hấp thu cũng như thanh thải thuốc. Do đó khi dùng bất kỳ một loại thuốc nào để điều trị bệnh, kể cả bệnh cấp tính hay mạn tính đều phải được thầy thuốc cân nhắc về liều sử dụng, thời gian uống thuốc cũng như việc phối hợp thuốc... sao cho an toàn.

Người bệnh không được tự ý dùng thuốc, thậm chí ngay cả các thuốc không kê đơn... vì những thuốc này có thể nguy hại cho người bệnh như làm nặng thêm bệnh sẵn có hoặc gây tương tác bất lợi với các thuốc đang dùng.


http://suckhoedoisong.vn/cac-thuoc-de-gay-tai-bien-o-nguoi-cao-tuoi-n120964.html

Theo TS Nguyễn Đức Hải/ Báo Sức Khỏe và Đời Sống

Bạn có thể quan tâm