Mặt trời tạo ra các tia sáng được lớp ngoài của da hấp thụ, nhưng tiếp xúc quá nhiều với các tia này có thể gây hại. Rám nắng, bỏng rát và bong tróc là cách cơ thể hoạt động để bảo vệ da và sửa chữa những tổn thương do ánh nắng mặt trời gây ra.
Cháy nắng có thể gây đau đớn và khó chịu, nhưng nó không kéo dài mãi mãi. Thời gian cháy nắng kéo dài bao lâu sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nó và các yếu tố nguy cơ nhất định.
Nguyên nhân gây cháy nắng
Theo tạp chí Health, tiến sĩ Debra Jaliman, bác sĩ da liễu tại thành phố New York (Mỹ), cho biết cháy nắng, giống rám nắng, là cơ chế bảo vệ của cơ thể chống lại tia cực tím (UV) có hại. Khi da tiếp xúc với tia UV, cơ thể sản sinh ra melanin, loại hắc sắc tố được tạo ra bởi các tế bào da được gọi là tế bào biểu bì tạo hắc tố.
Theo Tổ chức Ung thư Da, melanin được thiết kế để bảo vệ da và lượng sản sinh ra của một người phụ thuộc vào di truyền. Khi những người sản xuất ít melanin tiếp xúc quá mức với tia UV, nó sẽ gây tổn thương DNA ở các lớp trên của tế bào da, dẫn đến bỏng bức xạ, được gọi là cháy nắng.
Tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời có thể gây ra cháy nắng. Ảnh: Dermcollective. |
Hiệp hội Ung thư Mỹ cho biết không phải ai cũng phản ứng giống nhau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Những người có làn da trắng hoặc sáng, có tàn nhang, tóc đỏ hoặc trắng dễ bị cháy nắng nghiêm trọng hơn. Nhưng tất cả loại da, từ sáng đến tối, đều dễ bị tổn thương bởi tia UV. Thiệt hại có thể xảy ra vào những ngày nắng gắt cũng như những ngày u ám, vì tia UV xuyên qua lớp mây bao phủ.
Các triệu chứng cháy nắng
Theo Business Insider, triệu chứng cháy nắng khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương. Nếu bạn bị cháy nắng nhẹ, da sẽ đỏ và đau. Cháy nắng vừa phải cũng có thể gây sưng tấy và da có thể nóng khi chạm vào. Cháy nắng nghiêm trọng thường có mẩn đỏ và phồng rộp đau đớn, thậm chí có thể tồi tệ đến mức cần được chăm sóc y tế.
Tiến sĩ Jaliman khuyên hãy gọi ngay cho bác sĩ nếu bạn bị sốt kèm theo cháy nắng. Trong những trường hợp nghiêm trọng, tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím có thể dẫn đến sốc, mất nước hoặc kiệt sức vì nóng. Các dấu hiệu bao gồm khát nước, đau đớn tột độ, lú lẫn, ớn lạnh và mạch nhanh.
Các vết phồng rộp bao phủ một diện tích bề mặt lớn cũng có thể cần đến sự chăm sóc của bác sĩ, đặc biệt cần cảnh giác với các dấu hiệu nhiễm trùng ở mụn nước, mủ, sưng, đau.
Bao lâu các vết cháy nắng có thể khỏi?
Thời gian cháy nắng kéo dài tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vết bỏng. "Hầu hết vết cháy nắng sẽ mất đi cảm giác đau và đỏ da liên quan sau 3-5 ngày. Nhưng nếu bạn bị bỏng nặng hơn, phồng rộp, tình trạng này có thể kéo dài đến 10 ngày", tiến sĩ Rhonda Q. Klein, bác sĩ da liễu tại Connecticut, nói.
Đau do cháy nắng thường bắt đầu trong vòng 2-6 giờ sau khi tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời và đạt đỉnh điểm vào khoảng 24 giờ. Nếu bạn bị cháy nắng nghiêm trọng hơn, da có thể phồng rộp và bong tróc. Các mụn nước thường xuất hiện trong khoảng 6-24 giờ sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nhưng đôi khi phải mất nhiều thời gian hơn để chúng xuất hiện.
Tiến sĩ Steven Wang, Trưởng khoa Phẫu thuật da liễu tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan-Kettering (New Jersey), giải thích da tróc vảy do cháy nắng có vẻ không phải là điều tốt vào thời điểm đó, nhưng đó thực sự là cách cơ thể loại bỏ các tế bào bị tổn thương bởi tia UV.
"Như phản ứng trước sự tấn công lớn của tia cực tím, các tế bào tự sát để ngăn những tế bào có quá nhiều đột biến DNA lây lan", ông Wang nhận định. Tuy nhiên, thật không may, quá trình này không hoàn hảo, một số tế bào có thể sống sót, bám xung quanh và gây ra các đột biến khác dễ trở thành ung thư.
Những vùng da bị cháy nắng có thể bong tróc vào khoảng 3 ngày sau khi tiếp xúc ánh nắng mặt trời. Ảnh: Health. |
Bong tróc da là một phần của quá trình chữa lành sau khi bị cháy nắng và nó có xu hướng bắt đầu sau khoảng 3 ngày. Nó sẽ dừng lại khi da lành hẳn, có thể mất vài tuần trong trường hợp bị cháy nắng nghiêm trọng.
Tổ chức Ung thư Da khuyên nếu bạn bị bỏng do bong tróc da, hãy nhanh chóng ngăn chặn bằng cách làm mát da với gạc lạnh hoặc tắm nước mát, sau đó dưỡng ẩm cho da khi da vẫn còn ẩm. Tránh dùng dầu hỏa thuốc mỡ có nguồn gốc từ dầu vì chúng giữ nhiệt và làm vết bỏng nặng hơn.
Đặc biệt, để ngăn ngừa cháy nắng, tốt nhất là bạn cần thoa kem chống nắng phổ rộng có chỉ số SPF từ 30 trở lên trên tất cả vùng da tiếp xúc; tìm kiếm bóng râm bất cứ khi nào có thể; và che chắn bằng mũ, kính râm và quần áo chống tia cực tím.
Khi bạn nhận ra mình bị cháy nắng, hãy thoa lô hội làm dịu da và mỡ bơ hạt dưỡng ẩm. Nếu bị ngứa và viêm, bạn nên sử dụng kem hydrocortisone không kê đơn, loại kem này cũng có thể giúp giảm sưng tấy.
Để đẩy nhanh quá trình chữa lành da bong tróc, tiến sĩ Jaliman khuyên bạn nên chườm lạnh lên da để làm mát da và thường xuyên thoa kem dưỡng ẩm. Điều này sẽ giúp ích cho làn da đang bong tróc và cố gắng tự phục hồi.
"Bạn không được sử dụng sản phẩm tẩy tế bào chết cho đến khi da của bạn hoàn toàn lành lặn. Lớp da bị tổn thương sẽ tự bong ra, lớp da mới mỏng manh và dễ bị kích ứng", chuyên gia này khuyến cáo.
Theo tiến sĩ Klein, cháy nắng làm bạn mất nước, vì vậy, điều quan trọng là phải uống nhiều nước. Luôn tránh ra ngoài nắng cho đến khi các vết cháy nắng được chữa lành hoàn toàn.