Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Các trường đại học tính cách tuyển sinh riêng

Nhiều trường đại học tính đến các phương án thi riêng, thi chung, tăng phương thức xét tuyển.

Lãnh đạo nhiều trường ĐH cho rằng kỳ thi tuyển sinh 2020, lý tưởng nhất vẫn là dựa vào kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển. Tuy nhiên trong trường hợp không thể tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, các trường vẫn chuẩn bị kỳ tuyển sinh riêng.

"Liên minh" tổ chức kỳ thi chung

Ban Chỉ đạo Tuyển sinh ĐH Quốc gia Hà Nội vừa công bố phương án tuyển sinh ĐH chính quy năm 2020. Theo đó, trong trường hợp do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến kỳ thi THPT quốc gia không thể tổ chức được theo kế hoạch, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ triển khai kỳ thi tuyển sinh riêng theo hình thức đánh giá năng lực rút gọn. Bài thi gồm hợp phần thi môn toán - hợp phần ngữ văn (hoặc bài luận), ngoại ngữ… để xét tuyển.

Thí sinh được sơ loại kết quả học tập bậc THPT trước khi dự thi kỳ thi riêng của ĐH Quốc gia Hà Nội. Thông tin chi tiết về việc đăng ký và điều kiện dự thi sẽ được thông báo trước ngày 30/5. Trường hợp dịch Covid-19 diễn biến theo chiều hướng phải tiếp tục cách ly xã hội đến tháng 8, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ xem xét việc xét tuyển thí sinh dựa trên kết quả học tập bậc THPT kết hợp với các hình thức kiểm tra đánh giá từ xa.

truong DH tinh cach tuyen sinh rieng anh 1

Thí sinh xem danh sách thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: Người Lao Động.

Trong khi đó, ĐH Ngoại thương đã thông qua 2 phương án tuyển sinh. Nếu kỳ thi THPT quốc gia 2020 được tổ chức, trường sẽ giữ nguyên 4 phương thức xét tuyển.

Trong trường hợp Chính phủ quyết định không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, ĐH Ngoại thương sẽ phối hợp với ĐH quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi riêng với cách thức và nội dung tương tự bài thi của THPT quốc gia.

Trong trường hợp này, nhà trường thực hiện tuyển sinh theo 4 phương thức. Phương thức xét tuyển dành cho học sinh hệ chuyên, trường chuyên và xét tuyển thẳng giữ nguyên. Hai phương thức xét tuyển có sử dụng kết quả thi THPT quốc gia sẽ được thay bằng xét tuyển dựa trên kết quả thi theo tổ hợp xét tuyển của nhà trường. Dự kiến, nhà trường sẽ tổ chức đăng ký trên hệ thống xét tuyển online từ ngày 1/6.

PGS.TS Bùi Quốc Triệu, trưởng Phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế Quốc dân, cho hay trường đã xây dựng phương án tuyển sinh riêng để chuẩn bị cho việc tự chủ tuyển sinh từ năm 2021.

"Tuy nhiên, trường không triển khai phương án này ngay trong mùa tuyển sinh 2020, vì chưa có sự chuẩn bị cần thiết. Nếu triển khai thì khác gì 'đánh úp' thí sinh" - PGS Triệu nói.

Theo ông Triệu, trường vẫn chờ đợi việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển dựa trên kết quả này. Trong trường hợp bất khả kháng kỳ thi không được tổ chức thì trường sẽ tổ chức tuyển sinh bằng kỳ thi riêng, nhiều khả năng sẽ "liên minh" với trường khác để thi chung theo kiểu của kỳ thi THPT quốc gia để tránh ảo.

Trường sẽ tổ chức thi tất cả các môn trong tổ hợp xét tuyển mà trường đã công bố. Thí sinh sẽ thi ít nhất 3 môn, có thể đăng ký thi nhiều hơn để có thêm cơ hội trúng tuyển với nhiều tổ hợp khác nhau.

Rầm rộ xét tuyển bằng học bạ

ĐH Ngân hàng TP.HCM vừa công bố thông tin chính thức về kỳ tuyển sinh ĐH năm 2020 với sự bổ sung phương thức xét tuyển học bạ so với dự thảo được công bố cuối tháng 12.

TS Phan Ngọc Minh, trưởng Phòng Đào tạo, ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết bản dự thảo thông tin tuyển sinh năm 2020 được công bố trước đây, trường chỉ đưa ra 2 phương thức xét tuyển. Thứ nhất phương thức xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia và tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT. Thứ hai nhà trường xét tuyển theo quy chế của trường.

Tuy nhiên, trong lần điều chỉnh này, trường bổ sung phương thức xét tuyển học bạ cho chương trình chất lượng cao và chương trình quốc tế song bằng.

ĐH Công nghiệp TP.HCM bổ sung phương thức xét tuyển từ học bạ. TS Nguyễn Trung Nhân, trưởng Phòng Đào tạo, cho biết phương án tuyển sinh năm 2020 trường có sử dụng kết quả năm học lớp 12 để xét tuyển.

Trường có kế hoạch thêm phương thức xét tuyển kết quả học tập năm lớp 10, lớp 11 và kết quả học tập của học kỳ I năm lớp 12. Theo TS Nguyễn Trung Nhân, việc bổ sung phương thức xét tuyển mới xuất phát từ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến kế hoạch học kỳ II của học sinh.

ĐH Mở TP.HCM cũng điều chỉnh phương thức xét tuyển học bạ từ 6 học kỳ xuống còn 5 học kỳ (trừ học kỳ II lớp 12). Một đại diện của trường cho rằng nếu giữ nguyên phương thức xét tuyển 6 học kỳ thì còn chờ khá lâu khi mà diễn biến dịch bệnh chưa thể chốt thời điểm kết thúc năm học.

Tại TP.HCM, nhiều trường đại học đã thông báo xét tuyển theo kết quả 5 học kỳ. Theo đại diện các trường, xét 5 học bạ cũng không ảnh hưởng gì so với xét 6 học bạ.

Với phương thức xét tuyển này, học sinh đã có thể tham gia xét tuyển và chỉ chờ kết quả tốt nghiệp là có thể nhập học sớm so với phương thức xét tuyển từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Các trường đại học khi xét tuyển 5 học kỳ cũng có thể tổ chức đào tạo sớm.

Nhiều trường lấy kết quả thi năng lực

Ngoài việc bổ sung phương thức xét tuyển 5 học kỳ, nhiều trường ĐH cũng đăng ký xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP HCM tổ chức. TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG TP HCM, cho biết trước khi dịch xảy ra, khoảng 40 trường ĐH tham gia xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, đến nay đã lên hơn 50 trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả để xét tuyển.

Tuyển sinh ảm đạm vì dịch Covid-19, đại học Mỹ thất thu 23 triệu USD

Số lượng thí sinh nhập học khóa mới sẽ giảm 15%, các trường thất thu khoảng 23 triệu USD. Trong khi đó, gói cứu trợ 14 triệu USD từ chính phủ không đủ để giải cứu trường.

https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-truong-dh-tinh-cach-tuyen-sinh-rieng-20200419205632954.htm

Theo Yến Anh - Duy Lân

Bạn có thể quan tâm