Khi có F0 trong cơ sở, nhà trường tạm ngưng ngay tiết học để vệ sinh khử khuẩn lớp và xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ học sinh, giáo viên có mặt trong lớp (F1) bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19 (mẫu gộp không quá 3 người).
Kể cả trường hợp học sinh, giáo viên được phát hiện mắc Covid-19 ở nhà, những người khác ở trường được xác định có tiếp xúc, liên quan cũng phải được xét nghiệm kiểm tra.
Quản lý các cơ sở giáo dục cho rằng khi tổ chức dạy học trực tiếp, các trường đối mặt nguy cơ có F0, F1 trong trường thường xuyên. Do đó, việc xét nghiệm nhanh cho học sinh, giáo viên là phổ biến, liên tục.
Một lớp có học sinh là F0, những thành viên khác sẽ được xét nghiệm tầm soát. Ảnh: Chí Hùng. |
Chi phí mua bộ kit xét nghiệm không nhỏ
Với hơn 90% học sinh lớp 12 đồng ý đi học trở lại, trường THPT Thanh Đa (quận Bình Thạnh) đã chuẩn bị các công tác về phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho học sinh. Tuy nhiên, thầy Lê Hữu Hân, Hiệu trưởng THPT Thanh Đa, vẫn lo lắng về kinh phí thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên khi trường học phát hiện F0.
“Nếu phải xét nghiệm nhanh trong thời gian dài, kinh phí thực hiện sẽ tương đối lớn. Hiện tại, nhà trường vẫn có thể tự mua một số bộ để sử dụng, nhưng về lâu dài thì cần có nguồn kinh phí cấp bù, vì đây sẽ là kinh phí phát sinh thêm thường xuyên khi trường phát hiện F0”, thầy Hân nói.
Theo hiệu trưởng này, để có nguồn kinh phí thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19, cơ quan chức năng của thành phố cần bổ sung thêm kinh phí cho các cơ sở giáo dục, tránh phải kêu gọi phụ huynh ở thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và gây khó khăn cho nhiều gia đình.
Hiện tại, với số ít học sinh không đồng ý đi học trở lại, trường THPT Thanh Đa đã đề ra 3 phương án giải quyết.
Phương án 1 là một số học sinh trong lớp sẽ ghi hình buổi học để các bạn không tham gia có thể theo dõi. Phương án 2, nhà trường sẽ đưa bài giảng lên học liệu chung của lớp để học sinh có thể tự học tại nhà. Phương án 3 là một số giáo viên của trường tham gia dạy học trực tuyến để những học sinh không đi học vẫn có thể tiếp thu kiến thức.
Cô Hứa Thị Diễm Trâm, Hiệu trưởng THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh), thông tin để chuẩn bị cho tình huống có F0, F1 trong trường học, trường đã mua 125 kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19 với chi phí hơn 10 triệu đồng.
Về lâu dài, kinh phí để mua que test nhanh là vấn đề thật sự với nhà trường. Bởi việc đi học được xác định là lâu dài. Trong bối cảnh hiện nay, cả giáo viên, nhân viên, học sinh đều có nguy cơ trở thành F0, F1. Với những trường quy mô học sinh lớn, nguy cơ sẽ càng cao, kéo theo chi phí phát sinh cho việc xét nghiệm tầm soát càng nhiều.
"Thành phố có hỗ trợ một số lượng que test nhất định hàng tuần, hàng tháng cho các trường hoặc cấp bù kinh phí cho các trường hay không? Nếu không, các trường có được thu tiền của phụ huynh, giáo viên trong trường?", cô Trâm đặt câu hỏi.
Nữ giáo viên cho rằng dịch bệnh kéo dài, đời sống người dân khó khăn, huy động kinh phí từ phụ huynh để mua kit xét nghiệm là không nên. Do đó, cô mong muốn thành phố hỗ trợ các cơ sở giáo dục que test nhanh hoặc kinh phí để tự mua.
Đây cũng là băn khoăn của ban giám hiệu trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận). Thầy Trần Công Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường, cho rằng sang năm 2022, học sinh tất cả khối lớp đều trở lại trường. Tần suất và quy mô xét nghiệm tầm soát Covid-19 sẽ tăng lên. Trong khi, chi phí cho mỗi que test nhanh là không nhỏ.
Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) diễn tập tình huống có F0, F1 trong trường. Ảnh: THCS Nguyễn Du. |
Nhờ sự hỗ trợ của y tế địa phương
Tại trường THPT Nguyễn Văn Linh (quận 8, TP.HCM), công tác tập huấn cho giáo viên, cán bộ khi phát hiện F0 đang được chuẩn bị. Với 7 lớp thuộc khối 12, mỗi lớp dao động khoảng 40 em, trường có thể tách phòng để đảm bảo giãn cách an toàn để học sinh đi học trực tiếp trở lại.
Nhà trường đã trang bị phòng cách ly và các bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên để kiểm tra nếu học sinh có dấu hiệu nghi ngờ. Đối với việc xét nghiệm diện rộng các học sinh cùng tầng, cùng lớp với học sinh hoặc cán bộ là F0, nhà trường sẽ phối hợp y tế quận thực hiện.
“Tôi nghĩ không nên thu thêm tiền của phụ huynh để thực hiện công tác xét nghiệm khi trường có F0. Việc chỉ xét nghiệm một vài trường hợp để kiểm tra không phải chi phí quá lớn và nhà trường vẫn có thể lo được. Nếu số lượng cần xét nghiệm lớn, trường sẽ nhờ trung tâm y tế địa phương để giảm thiểu chi phí”, cô Kim Nguyễn Quỳnh Giao, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Văn Linh, nói.
Nhờ sự hỗ trợ của trung tâm y tế địa phương khi cần xét nghiệm tầm soát là phương án trước mắt của trường THPT Phú Nhuận. Thầy Trần Công Tuấn cho hay trong thời gian thí điểm, trường tự trang bị một số que test nhanh để xét nghiệm khi phát hiện có trường hợp nghi nhiễm hoặc F0.
Trong 1-2 tháng đầu, nhà trường có thể kết hợp trung tâm y tế địa phương để thực hiện xét nghiệm tầm soát nếu số lượng F1 từ 15 người trở lên. Nhưng về lâu dài, liệu trung tâm y tế có thể hỗ trợ thường xuyên, trong khi họ cũng còn những công việc chuyên môn khác? Đây là điều thầy Tuấn lo lắng. Do đó, thầy cho rằng thành phố cần có tính toán cho các trường về chi phí xét nghiệm F1.