Các trường này sẽ được nhiều quyền chủ động hơn trong tuyển sinh, đào tạo và quyết định về tài chính.
ĐH Tài chính - Marketing sẽ tăng học phí lên 16,5 triệu đồng
Là trường mới thành lập, cơ sở tại TP HCM và trực thuộc Bộ Tài chính, mức tăng học phí của ĐH Tài chính - Maketing khá thoáng.
Mức thu học phí bình quân tối đa đối với đại học chính quy (chương trình đại trà) năm 2015-2016 là 14,5 triệu đồng một sinh viên, năm 2016-2017 là 16,5 triệu đồng.
Học phí đang áp dụng trong năm 2014, 2015 được giữ nguyên để bảo đảm toàn bộ các nội dung chi thường xuyên và một phần nguồn kinh phí phục vụ đầu tư tăng cường cơ sở vật chất của trường.
Với đề án này, trường được chủ động mở ngành đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ phù hợp với điều kiện về đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất...
ĐH Hà Nội hướng tới mô hình đa ngành
Trong ngày 20/3, Thủ tướng cũng có văn bản phê duyệt cho phép trường ĐH Hà Nội hoạt động theo cơ chế mới.
Trước mắt, trường thu học phí ổn định theo kế hoạch với mức thu học phí bình quân (của chương trình đại trà, trình độ đại học) tối đa năm học 2014-2015 là 7,8 triệu đồng một sinh viên, năm 2015-2016 tăng lên 12 triệu đồng và 2016-2017 là 14 triệu đồng.
ĐH Hà Nội sẽ được chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động toàn diện.
ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ tăng học phí lên 13,5 triệu đồng
Giữa tháng 3, Thủ tướng cũng phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân giai đoạn 2015-2017.
Mục tiêu chung là trường chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, phấn đấu trở thành một trường đại học định hướng nghiên cứu theo chuẩn mực khu vực và quốc tế.
Trường sẽ thu học phí ổn định với mức bình quân (của chương trình đại trà, trình độ đại học) tối đa năm học 2014-2015 là 9,5 triệu đồng mỗi sinh viên. Năm học 2015-2016 tăng lên 11,5 triệu và đến năm 2016-2017 là 13,5 triệu.
Các quyết định thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của một số trường đại học nhằm khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học công lập chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo và giảm chi cho Ngân sách nhà nước.
Học phí thấp: Nhà nước đang trợ cấp ngược
Học phí là nguồn thu chủ yếu của các cơ sở đào tạo. Từ năm 1998 đến năm 2010 đã 3 lần có quyết định của Thủ tướng về tăng học phí. Mặc dù vậy, theo tính toán đến năm 2015, mức thu học phí cũng chỉ đáp ứng được tù 50%-60% chi phí đào tạo cần thiết. Thu từ khoa học và công nghệ, cung cấp dịch vụ chiếm tỷ trọng thấp.
Nếu so sánh thay đổi mức học phí trong mối tương quan với với thay đổi mức tiền lương cơ bản, có thể thấy học phí ở giai đoạn này tăng 133%, trong khi lương cơ bản tăng 507%.
Mặt tích cực của chính sách học phí thấp là tạo cơ hội học tập cho học sinh, sinh viên, tăng quy mô. Nhưng bên cạnh đó là hàng loạt hạn chế như mang tính bình quân, không khác biệt nhiều giữa các ngành đào tạo...
Học sinh thuộc gia đình có thu nhập cao và học sinh thuộc gia đình có thu nhập thấp cùng đóng một mức học phí thấp như nhau, trong khi đó học sinh thuộc các gia đình có thu nhập cao chiếm tỷ trọng cao trong các cơ sở đào tạo công lập, dẫn đến việc nhà nước đang trợ cấp ngược cho người có thu nhập cao.
Việc sửa đổi chính sách học phí theo hướng chuyển chính sách học phí sang cơ chế giá dịch vụ, học phí tính đủ chi phí đào tạo cần thiết theo chuẩn đầu ra. Học phí tương xứng với chất lượng đào tạo, thu học phí cao đối với đào tạo chất lượng cao.
Học phí được tính theo cơ chế thị trường đối với những ngành học xã hội có nhu cầu cao, có khả năng xã hội hóa cao.
Nhà nước tiếp tục hỗ trợ thông qua học phí đối với một số ngành học xã hội đang thiếu. Cần công khai, minh bạch hóa các nguồn thu tài chính ngoài học phí.
TS. Nguyễn Trường Giang (Bộ Tài chính) - Tham luận Đổi mới Chính sách huy động và phân bổ nguồn lực tài chính đối với giáo dục đại học ở Việt Nam, thực hiện mục tiêu chất lượng, công bằng và hiệu quả tại Đối thoại giáo dục diễn ra ở TP HCM ngày 31/7.