Theo GS.TS Lê Ngọc Trọng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện các trường trung cấp y dược đang muốn được chuyển lên thành cao đẳng. Vì hiện nay, các trường đang có một số khó khăn.
Muốn lên cao đẳng: Lực bất tòng tâm
Thứ nhất, Thông tư liên tịch số 26 của liên Bộ Y tế và Nội vụ cho biết sẽ không tuyển dụng trung cấp điều dưỡng, hộ sinh, dược sĩ, kỹ thuật viên.
Thứ hai là hội nhập quốc tế, trong cơ cấu nghề của ASEAN không công nhận trình độ nghề đào tạo 2 năm.
Trong khi đó, GS. Lê Ngọc Trọng cho biết việc Bộ Y tế và Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch 26, 27, 28 trong đó quy định từ năm 2021 không tuyển dụng người có trình độ trung cấp với 4 ngành: dược sĩ, điều dưỡng, hộ sinh và kỹ thuật viên đã gây ra hiểu lầm trong xã hội, khiến các trường trung cấp y dược gặp khó khăn trong tuyển sinh.
Đứng từ phía các trường, ông Nguyễn Đức Phúc - hiệu trưởng Trung cấp Y dược Phạm Ngọc Thạch - cũng cho biết trường ông có nguy cơ tan vì không có học sinh.
Theo ông Phúc, Thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ Nội vụ đã không lường hết được thực tế. Trong khi lực lượng tuyển vào viên chức các cơ sở y tế công lập chỉ khoảng 5%, 95% còn lại là y tế cơ sở và y tế nhân dân thì lại không được tính đến.
Bà Đào Thị Ngọc - phó hiệu trưởng Trung cấp Phương Nam - cũng nêu ra khó khăn trong tuyển sinh.
Trong khi những năm trước, thời điểm này trường tuyển được 300-400 học sinh thì năm nay mới được 50 học sinh. Bên cạnh đó, tiền lãi hàng tháng trường vẫn phải trả lên đến 1 tỷ đồng.
Bà Đào Thị Ngọc chia sẻ bức xúc của trường.
|
Trước những khó khăn trong công tác tuyển sinh do tác động trực tiếp từ các thông tư trên cùng với việc để hội nhập, các trường trung cấp y dược mong muốn được lên cao đẳng.
GS.TS Trần Quỵ - nguyên giám đốc bệnh viện Bạch Mai - cũng cho rằng trung cấp y dược phải đào tạo 3 năm chứ không có nước nào đào tạo 2 năm cả. Nên đề nghị học với thời gian 3 năm là phù hợp vì vậy đưa các trường trung cấp lên CĐ là chính đáng.
Tuy nhiên, PGS.TS Lê Lương Đống cho rằng với quy định cứng như hiện nay (phải có 5 ha đất và 100 tỷ vốn mới đủ điều kiện thành cao đẳng) thì các trường trung cấp rất khó đáp ứng.
Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Văn Minh (Trung cấp y dược Tuệ Tĩnh) cho rằng quy định này là điều thách đố đối với những trường trung cấp y tế.
“Thông tư 26 đã khiến chúng tôi không tuyển sinh được 2 năm qua. Do đó, nên mềm hóa về các tiêu chuẩn định hướng. Vì thực tế, nếu các trường có lập thành cụm thì cũng rất khó để lên cao đẳng vì vẫn không đủ đất và tài chính”, ông Minh cho hay.
Lúng túng xây dựng chương trình mới
Bắt đầu từ 2017, các trường cao đẳng, trung cấp thuộc Bộ GD&ĐT chuyển sang Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội.
Việc chuyển cơ quan quản lý kéo theo rất nhiều khó khăn cho các trường. Đó là xây dựng chương trình lại theo quy định của Bộ chủ quản mới, vấn đề liên thông, vấn đề con dấu.
Trong đó, một vấn đề mà các trường quan tâm là quy định chuyển từ học trình sang tín chỉ theo quy định có khó khăn nên các trường đề xuất cần phải có thời gian.
GS.TS Vũ Đức Mối - hiệu trưởng Trung cấp y dược Hà Nội - cho rằng nghề y là một nghề đặc thù. Đó là nghề mà đối tượng phục vụ chính là con người.
Do đó, để được học lâm sàng, phải qua giai đoạn giải phẫu. Vậy nếu cho người học đăng ký theo tín chỉ thì sẽ rất khó vì ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Một vấn đề khác mà các trường quan tâm đó là cấp bằng và liên thông. Nhiều trường đề xuất nên cho phép có hai con dấu trong giai đoạn quá độ chuyển từ Bộ GD&ĐT quản lý sang Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quản lý.
Trả lời về vấn đề này, ông Phạm Như Nghệ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT - cho rằng phôi bằng của Bộ GD&ĐT không ảnh hưởng đến con dấu. Vấn đề là thay đổi cơ quan quản lý nên phải thay đổi con dấu.
“Không có chuyện một cơ quan chủ quản mà có hai con dấu. Hơn nữa, từ trước đến nay, các trường ĐH không thuộc Bộ GD&ĐT vẫn lấy phôi bằng của Bộ, có vấn đề gì đâu”, ông Nghệ nói.
Cũng theo ông Nghệ, việc các trường trung cấp, cao đẳng về Bộ Lao động không ảnh hưởng đến liên thông. Từ trước đến giờ thực hiện như thế nào thì giờ vẫn thế.
Đối với chương trình đào tạo, Thủ tướng đã ban hành khung trình độ quốc gia, các hệ đào tạo được quy về tín chỉ.
Nhưng chuyển đổi sang tín chỉ không dễ, nhiều trường ĐH cũng gặp khó khăn trong chuyển đổi nên các trường trung cấp chắc chắn sẽ gặp khó khăn hơn. Tuy nhiên, sẽ vẫn phải làm vì để đảm bảo tính liên thông trong toàn hệ thống.
Đại diện Bộ Y tế, ông Nguyễn Minh Lợi cho rằng đào tạo y tế ở một số lĩnh vực chúng ta thua Lào và Campuchia. Vì sao các trường không ngồi với nhau để thiết kế một chương trình dùng chung. Như thế sẽ tốt và tiết kiệm hơn.
"Có vẻ như các trường vẫn còn đang 'giữ miếng', khi gặp khó khăn mới ngồi với nhau, còn khi triển khai, trường nào lại về làm riêng của trường đó", ông Lợi nhận xét.