Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Các tỷ phú đều đang thua lỗ trong lĩnh vực này

Tạp chí Time, The Washington Post và The Los Angeles Times - thuộc sở hữu của tỷ phú Marc Benioff, Jeff Bezos và Patrick Soon-Shiong - đều đang thua lỗ.

Trong thập kỷ qua, các tỷ phú lao vào ngành truyền thông, tin tức, theo The New York Times.

Jeff Bezos, người sáng lập Amazon, đã mua The Washington Post vào năm 2013 với giá khoảng 250 triệu USD. Patrick Soon-Shiong, tỷ phú công nghệ sinh học, mua The Los Angeles Times vào năm 2018 với giá 500 triệu USD. Marc Benioff, người sáng lập gã khổng lồ phần mềm Salesforce, mua tạp chí Time cùng với vợ mình, Lynne, với giá 190 triệu USD vào năm 2018.

ty phu anh 1

3 tỷ phú sở hữu những tờ báo lớn: Time, The Washington Post và The Los Angeles Times. Ảnh: The New York Times.

Cả ba tờ báo đều chào đón chủ sở hữu mới với hy vọng sự nhạy bén trong kinh doanh và bí quyết công nghệ của các tỷ phú sẽ giúp giải quyết bài toán kiếm tiền từ những sản phẩm kỹ thuật số.

Thế nhưng, các tỷ phú cũng đang gặp khó khăn giống như đa phần những người nhảy vào lĩnh vực này. Time, The Washington Post và The Los Angeles Times đều lỗ hàng triệu USD vào năm ngoái, bất chấp việc các chủ sở hữu đầu tư đáng kể và nỗ lực hết mình để tạo ra các nguồn thu mới.

Đầu tư lớn nhưng vẫn lỗ

Ann Marie Lipinski, người phụ trách Quỹ Báo chí Nieman tại Harvard, cho biết sự giàu có không giúp các tỷ phú thoát khỏi những thách thức nghiêm trọng đang gây khó khăn cho nhiều công ty truyền thông.

"Hóa ra việc trở thành tỷ phú không phải là chìa khóa để giải quyết những vấn đề đó. Chúng ta đã thấy rất nhiều hy vọng ngây thơ gắn liền với những người chủ này".

Tại The Los Angeles Times, các nhà báo đang chuẩn bị đón nhận những tin xấu. Kevin Merida, biên tập viên được nhiều người kính trọng của tờ báo, tuyên bố từ chức. Quyết định được đưa ra sau căng thẳng của ông với Soon-Shiong về những ưu tiên của tờ báo trong biên tập và kinh doanh.

ty phu anh 2

Nhà báo Kevin Merida rời The Los Angeles Times. Ảnh: LA Times.

The Times có nguy cơ lỗ 30-40 triệu USD vào năm 2023. Năm ngoái, công ty đã cắt giảm khoảng 74 vị trí việc làm. Các giám đốc điều hành cũng đã gặp nhau trong những ngày gần đây để thảo luận về khả năng tiếp tục cắt giảm nhân sự.

Các thành viên của Hiệp hội Thời báo Los Angeles họp khẩn vào ngày 18/1 để thảo luận về khả năng cắt giảm việc làm. Đến cuối ngày, các nhân viên lên kế hoạch đình công nhằm phản đối kế hoạch này.

Người phát ngôn của tỷ phú Soon-Shiong từ chối bình luận về số liệu tài chính cụ thể của The Los Angeles Times, nhưng cho biết trong một email rằng công ty có "khoảng cách đáng kể giữa doanh thu và chi phí", ngay cả khi sa thải nhân viên và áp dụng các biện pháp tiết kiệm chi phí khác từ năm ngoái.

Người này cho biết gia đình tỷ phú đã đầu tư "hàng chục triệu USD" mỗi năm kể từ khi mua lại The Times. Người phát ngôn Jen Hodson cho biết trong tuyên bố: "Họ cam kết tiếp tục đầu tư. Nhưng việc chỉ dựa vào tiền của chủ sở hữu để trang trải chi phí năm này qua năm khác không phải là một kế hoạch dài hạn khả thi".

Jeff Bezos cũng không khá hơn

Giống như nhiều tổ chức tin tức, The Washington Post đã phải vật lộn để giữ vững quy mô từ năm 2020. Việc giảm số lượng đăng ký và doanh thu quảng cáo đã dẫn đến khoản lỗ khoảng 100 triệu USD vào năm ngoái.

Đến cuối năm 2023, công ty buộc phải cắt giảm 240 trong số 2.500 vị trí, bao gồm cả một số nhà báo được đánh giá cao.

Patty Stonesifer, người đảm nhận vị trí giám đốc điều hành vào năm ngoái, nói đây là quyết định khó khăn, nhưng cần thiết để "đầu tư vào các ưu tiên tăng trưởng hàng đầu của chúng tôi".

Người phát ngôn của ông Bezos đã không trả lời về vấn đề này. Trước đây, vị tỷ phú này cho biết ông mua The Washington Post vì đây là một tổ chức quan trọng nhưng muốn công ty có lãi.

"Nếu đây đơn giản là một công ty bán đồ ăn nhẹ đang gặp khó khăn về mặt tài chính thì câu trả lời của tôi sẽ là không", ông Bezos nói về quyết định mua tờ báo trong một cuộc phỏng vấn năm 2018.

ty phu anh 3

Jeff Bezos cũng không thể giúp The Washington Post có lãi trong năm qua. Ảnh: Getty.

Người phát ngôn của Time không đưa ra bình luận nào về tình hình tài chính năm 2023 của công ty. Một thông báo gửi tới nhân viên của Jessica Sibley, Giám đốc điều hành công ty, tuyên bố lượng khán giả và doanh thu quảng cáo ngày càng tăng.

Tỷ phú Benioff cho biết bà Sibley đang thực hiện "rất nhiều thay đổi thú vị dựa trên một tầm nhìn tuyệt vời".

"Chúng tôi may mắn có được một Giám đốc điều hành mới tuyệt vời, Jessica Sibley, và cô ấy đã làm một việc đáng kinh ngạc là tái cơ cấu công ty trong năm qua", ông nói.

Theo một người am hiểu vấn đề, Time đang tìm kiếm các thỏa thuận cấp phép thương hiệu ở nước ngoài, những nỗ lực này phản ánh cách tiếp cận tương tự những tạp chí như Forbes và Condé Nast, những nơi vẫn đang kiếm được tiền.

Tuy nhiên, vẫn có một số tín hiệu tích cực dành cho các tổ chức tin tức thuộc sở hữu của những tỷ phú. Tờ Boston Globe, được mua bởi tỷ phú John W. Henry vào năm 2013 với giá 70 triệu USD, đã có lãi trong nhiều năm. Lợi nhuận này đã được tái đầu tư vào The Globe.

The Atlantic, được tỷ phú Laurene Powell Jobs mua vào năm 2017, đã đặt mục tiêu có một triệu người đăng ký cả bản in và bản kỹ thuật số, đồng thời đạt được lợi nhuận.

Những khó khăn mà các công ty phải đối mặt ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Lưu lượng truy cập web đã giảm đối với nhiều nhà xuất bản do lượt giới thiệu từ các công cụ tìm kiếm như Google suy giảm. Các ứng dụng mới được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo gia tăng có khả năng làm hao hụt lượng độc giả ở những kênh truyền thống.

Ken Doctor, nhà phân tích và doanh nhân truyền thông, cho biết: "Những ấn phẩm tin tức cực kỳ quan trọng này vẫn đang 'chuyển đổi' từ báo in sang kỹ thuật số. Họ xây dựng từng viên gạch cho một tương lai chủ yếu là kỹ thuật số".

Ông Doctor cho biết các tỷ phú trong ngành tin tức đang có "dấu hiệu mệt mỏi", xuất phát từ những thách thức bao gồm "sự lo lắng và né tránh tin tức cũng như cạnh tranh quảng cáo khốc liệt".

"Những người rất giàu cũng không thích mất tiền năm này qua năm khác, ngay cả khi họ có đủ khả năng chi trả", ông Doctor nói thêm.

‘Cha đẻ’ ChatGPT kết hôn với bạn trai

Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman đã kết hôn với kỹ sư phần mềm Oliver Mulherin trong một buổi lễ nhỏ bên bờ biển. 

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.

Lê Vy

Bạn có thể quan tâm