Việc chăm sóc con cái bắt đầu từ thời điểm phụ nữ quyết định muốn có con. Đảm bảo sức khỏe ở trạng thái tốt nhất có thể giúp bạn mang thai dễ dàng hơn, sinh con đúng hướng tốt cho cả mẹ và bé. Dưới đây là một số kiểm tra bạn cần làm trước khi cố gắng thụ thai.
Kiểm tra tổng thể
Theo tạp chí Parents, mặc dù bạn sẽ phải đến gặp bác sĩ rất nhiều lần, tốt nhất bạn nên đặt lịch khám ngay bây giờ. Tiến sĩ Kenneth James, chuyên gia chăm sóc sức khỏe tại Trung tâm Y tế Saddleback Memorial, California (Mỹ), cho biết: "Bước vào thai kỳ trong tình trạng sức khỏe tối ưu sẽ giúp bạn có thai kỳ khỏe mạnh hơn. Tại buổi kiểm tra, bác sĩ sẽ nói chuyện với bạn về cân nặng, dinh dưỡng, tập thể dục, loại thuốc bạn đang dùng, tiền sử bệnh, kinh nguyệt, biện pháp tránh thai bạn đang sử dụng, những lần mang thai trước và thói quen sống".
Phụ nữ cũng được kiểm tra huyết áp, xét nghiệm máu, khám vùng chậu, xét nghiệm Pap. Bác sĩ cũng sẽ giải quyết bất kỳ vấn đề sức khỏe mạn tính nào như tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn tuyến giáp, hen suyễn và rối loạn tự miễn dịch để đảm bảo chúng được kiểm soát trước khi bạn mang thai.
Việc kiểm tra sức khỏe tổng thể có thể giúp bảo đảm thai kỳ tương lai khỏe mạnh hơn phụ nữ. Ảnh: Getty. |
Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs)
Ngay cả khi bạn chắc chắn 100% rằng bạn đang ở trong một mối quan hệ một vợ một chồng và chồng bạn sẽ không bao giờ lừa dối, tốt hơn bạn vẫn nên đi kiểm tra bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục. Sức khỏe của thai nhi có thể phụ thuộc vào điều này.
STIs không được điều trị có thể gây ra các vấn đề rất nghiêm trọng cho thai kỳ và em bé. Ví dụ, chlamydia có thể gây sinh non và sinh con nhẹ cân; bệnh lậu dẫn đến sẩy thai, sinh non và sinh con nhẹ cân; bệnh giang mai cũng liên quan đến sinh non, thai chết lưu và các vấn đề với nhiều cơ quan, bao gồm não, tim, da, mắt, tai, răng và xương của em bé.
Kiểm tra răng miệng
Nhiều người rất coi thường sức khỏe răng miệng trong khi có đến 80% phụ nữ lây bệnh cho con khi mắc bệnh răng miệng trong thai kỳ. Bất kỳ vấn đề nha khoa trong thời gian mang thai đều có thể gây hại cho bạn và thai nhi. Ngoài ra, bạn không thể dùng kháng sinh hay thuốc giảm đau thời gian này.
Các bệnh về răng miệng còn dẫn đến nguy cơ sinh non trong nhiều trường hợp. Vì thế trước khi có kế hoạch mang thai, mẹ nên được kiểm tra răng miệng và điều trị sâu răng, viêm nha chu để tránh ảnh hưởng không tốt đến thai nhi.
Xét nghiệm máu
Qua xét nghiệm máu, bác sĩ sẽ biết được bạn cần bổ sung sắt hay không và bổ sung bao nhiêu trước khi mang thai để tránh thiếu máu do thiếu sắt. Nếu bạn không chắc chắn đã miễn dịch với rubella, hoặc thủy đậu hay chưa, việc xét nghiệm máu sẽ cho bạn kết quả chính xác.
Ngoài ra, nếu bạn có nhóm máu Rh âm tính trong khi chồng bạn là Rh dương tính, bạn cần phải nói chuyện với bác sĩ. Đây là tình trạng Erythroblastosis fetalis, khi bạn mang thai, các tế bào bạch cầu của mẹ sẽ tấn công tế bào hồng cầu của bé do không tương thích. Xét nghiệm máu sẽ giúp kiểm tra chứng bệnh này và bạn sẽ được điều trị kịp thời.
Kiểm tra cân nặng
Thừa cân hay thiếu cân đều sẽ gây ra những ảnh hưởng không tốt đến thai kỳ. Thừa cân có thể gây ra nhiều vấn đề trong khi thụ thai và nhiều biến chứng trong khi mang thai như cholesterol cao hay huyết áp cao. Trong khi đó, thiếu cân làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh con nhẹ cân.
Các bác sĩ có thể thông qua chỉ số khối cơ thể (BMI) và cân nặng của phụ nữ để đưa ra giải pháp kịp thời. Bạn cần ăn uống và có chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh đồ ăn không lành mạnh.
Người quá gầy hoặc quá béo đều có nguy cơ gặp rủi ro về sức khỏe khi mang thai. Ảnh: Wsj. |
Kiểm tra bất thường nhiễm sắc thể
Các ca sẩy thai có nguyên nhân từ sự bất thường nhiễm sắc thể. Để tầm soát điều này, bạn có thể kiểm tra máu tĩnh mạch. Đồng thời, xét nghiệm này có thể cho biết các bệnh di truyền khi người mẹ còn trong độ tuổi sinh đẻ để biết được khả năng trẻ có thể mắc bệnh gì từ mẹ. Xét nghiệm này nên được thực hiện trước 3 tháng mang thai.
Nếu người phụ nữ và nam giới dương tính với một gene bất thường hoặc một trong hai người mang gene chỉ cần một bản sao (từ cha hoặc mẹ thay vì cả hai) để tạo ra bệnh, xét nghiệm sớm này cho phép bạn quyết định xem mình có muốn mang thai hay không.
Kiểm tra sức khỏe tâm thần
Sức khỏe tinh thần cũng quan trọng như sức khỏe thể chất khi bạn dự định mang thai. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), cứ 9 phụ nữ thì có 1 người bị trầm cảm trước, trong hoặc sau khi mang thai. Vì vậy, điều quan trọng là phải đảm bảo sức khỏe tâm thần của bạn, thậm chí cả người chồng, được kiểm tra trước khi mang thai.
Nếu một trong hai người đã từng hoặc đã từng có vấn đề về sức khỏe tâm thần, bạn nên đến gặp nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc vì bản thân việc mang thai có thể mang lại các triệu chứng hoặc làm trầm trọng thêm những vấn đề hiện có.