“Nhìn bắp tay, bắp chân thế kia ai tin là nữ”, “Cứ tưởng là chạy tiếp sức hỗn hợp nam nữ”, “Các chị chứng minh mình là nữ đi”.
Đó chỉ là một số trong hàng nghìn bình luận chế giễu dưới bức ảnh chụp hai nữ VĐV điền kinh của Trung Quốc Liao Mengxue và Tong Zenghuan. Trong khi Olympic Tokyo 2020 đang diễn ra, hình ảnh được chia sẻ với thông tin sai lệch rằng hai VĐV này đã tham gia và giành HCV Thế vận hội năm nay.
Tuy nhiên, thực tế bức ảnh đã được chụp từ năm 2019 khi Liao và Tong tham dự giải vô địch điền kinh Trung Quốc. Ở thời điểm đó, Hiệp hội điền kinh Trung Quốc đã phải lên tiếng xác nhận hai VĐV là phụ nữ để dẹp bỏ những lời đồn vô căn cứ trên mạng xã hội.
Dù vậy, khi những tiêu chuẩn truyền thống về giới, về sự nữ tính đã ăn sâu trong một bộ phận công chúng, việc xác nhận hay chứng minh cũng trở nên vô ích. Hình ảnh các nữ VĐV có mái tóc ngắn, thân hình cơ bắp, tốc độ, sức mạnh thể chất vượt trội vẫn thường xuyên bị đem ra bàn tán, miệt thị.
Liao Mengxue (thứ 2 từ trái sang) và Tong Zenghuan (ngoài cùng bên phải) bị chế giễu ngoại hình. Ảnh: news.cn. |
Mái tóc tém và đôi vai to ở Olympic 2020
Trước nay, xã hội vẫn quen thuộc hay thậm chí là kỳ vọng sự mạnh mẽ, cứng cáp ở cánh mày râu và ngược lại, sự nhỏ nhắn, mềm yếu của người phụ nữ. Những cô gái phô bày cơ thể to lớn, cơ bắp có thể gây sốc và phải nhận nhiều ý kiến chỉ trích.
Ngay trong lĩnh vực thể thao, nơi sức mạnh hình thể được đề cao, câu chuyện cũng không khác biệt là bao. Ngoài việc phấn đấu để nhận được sự quan tâm ngang bằng với nam giới, các nữ VĐV còn có thách thức riêng: phá vỡ các khuôn mẫu nữ tính truyền thống.
Thế nhưng, nhiệm vụ này không hề đơn giản. Ngay tại một sự kiện thể thao lớn như Olympic Tokyo 2020, phụ nữ cũng đang phải đối mặt với những đòi hỏi ngoại hình vô lý.
Dù giành HCV ở cả ba nội dung tham dự ở Olympic Tokyo 2020, cung thủ An San vẫn chưa thể làm hài lòng tất cả khán giả ở quê nhà Hàn Quốc. Kiểu tóc tém khiến nữ VĐV bị chế giễu ngoại hình, nghi ngờ là nhà hoạt động nữ quyền.
Dưới bài đăng trên Instagram của An, không ít người đặt câu hỏi tại sao cô lại cắt tóc. “Bởi vì nó thoải mái”, cung thủ trả lời với một biểu tượng cảm xúc mặt cười nhếch mép.
Cung thủ Hàn Quốc An San giành 3 HCV tại Olympic Tokyo 2020. Ảnh: AFP. |
Kate Shortman (19 tuổi) và Izzy Thorpe (20 tuổi) - thành viên đội bơi nghệ thuật của Anh đang tranh tài ở Thế vận hội năm nay - nói rằng trong phần lớn sự nghiệp thể thao của mình, họ thường xuyên đối mặt với lời chỉ trích vì “quá đàn ông”, “quá cơ bắp”.
Bơi lội là một môn thể thao tập trung rất nhiều vào sức mạnh của cánh tay và ngực. Vì vậy, trong suốt một thập kỷ qua, Kate và Izzy đã nỗ lực tập đẩy tạ, thể dục dụng cụ, bơi tốc độ, khiêu vũ… với mong muốn phát triển cơ bắp ở hai bộ phận này.
Tuy nhiên, khi đạt được vóc dáng hoàn hảo cho thể thao, hai VĐV đồng thời nhận ra bản thân đã không còn phù hợp với định nghĩa “nữ tính mong manh”. “Chúng tôi bị nghi ngờ giới tính chỉ vì đôi vai to, ngực lép, mông nhỏ”, Kate nói.
Những lời công kích dai dẳng khiến Kate và Izzy đánh mất sự tự tin ngoại hình, đôi lúc hoài nghi về nỗ lực luyện tập của bản thân từ trước đến nay.
“Tôi thường mặc những bộ quần áo rộng thùng thình để che đi đôi vai thô kệch. Khi đăng hình lên mạng xã hội, tôi sẽ cố gắng xóa bỏ phần cơ thể này hoặc làm cho chúng bớt nổi bật để tránh những bình luận tiêu cực”, Izzy nói.
Sức mạnh không phân biệt giới tính
Theo nhà báo Emilia Bona, cây bút thể thao của The Liverpool Echo, sức mạnh thường bị đánh đồng với sự thiếu nữ tính. Mọi người dễ dàng chấp nhận một nữ VĐV xuất sắc trong những môn thể thao như thể dục dụng cụ hoặc trượt băng nghệ thuật.
Trái lại, những cô gái vàng của tennis, bơi lội, điền kinh thường bị bỏ qua khi đi ngược lại với hình ảnh cơ thể lý tưởng theo giới.
Dù là nữ tay vợt từng xếp hạng số 1 thế giới với 23 danh hiệu Grand Slam đơn, Serena Williams thường bị chế giễu bằng những từ ngữ cay độc trên các phương tiện truyền thông.
Mỗi khi đạt được cột mốc mới trong sự nghiệp thể thao, Serena Williams lại phải đối mặt với bình luận tiêu cực về ngoại hình. Ảnh: Self. |
Trở thành VĐV Olympic thành công cũng không ngăn được việc kình ngư Rebecca Adlington và VĐV điền kinh Jessica Ennis-Hill liên tục bị công kích ngoại hình.
“Nó không liên quan gì đến sự nghiệp của tôi, nhưng mọi người nghĩ rằng họ có quyền đánh giá tôi về điều đó”, Adlington nói.
Với những VĐV chân chính, cơ thể không chỉ là thẩm mỹ, họ coi nó như một phương tiện để đạt được mục tiêu lớn hơn. Thế nên, mỗi vết chai, từng múi cơ hay đôi vai thô kệch đều là minh chứng của sự chăm chỉ, cố gắng.
“Khi trở nên mạnh mẽ và cơ bắp nhờ thể thao, phụ nữ đã chứng minh một cách rõ ràng rằng sức mạnh không phân biệt giới tính. Các cô gái bắt đầu sử dụng cơ thể theo ý muốn của họ, thay vì chỉ tồn tại để phục vụ ánh nhìn của nam giới. Thông qua câu chuyện của mình, họ giúp xã hội định nghĩa lại khái niệm nữ tính”, nhà báo Emilia Bona nói.
Frances Bozsik, giáo sư khoa Tâm lý tại Đại học Missouri Kansas City (Mỹ), cũng đồng ý với quan điểm trên. “Chẳng có gì là bất thường ở một phụ nữ mạnh mẽ và cơ bắp. Những quan điểm lỗi thời đã ngăn cản mọi người khuyến khích phụ nữ phát huy hết tiềm năng thể chất của họ. Cơ bắp, nam tính, nữ tính không còn liên quan đến nhau”.
Chính vì vậy, thay vì phải phân vân lựa chọn giữa sức mạnh và sự nữ tính, các VĐV nữ cần được tôn trọng cả với tư cách phụ nữ, lẫn những người đang nỗ lực cống hiến trong lĩnh vực thể thao.