Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trứng là thực phẩm hoàn hảo về mặt dinh dưỡng khi lòng đỏ và lòng trắng đều chứa những chất khác nhau, qua đó tạo nên một tổng thể hoàn hảo.
Cụ thể, lòng đỏ trứng là nguồn chất béo rất tốt với thành phần lecithin. Chất này có tác dụng giảm cholesterol xấu (LDL) và tăng cholesterol tốt (HDL) trong cơ thể. Trong khi đó, lòng trắng trứng chứa rất nhiều chất dinh dưỡng khác như protein, lipid, canxi, sắt, kẽm, folat, các loại vitamin và khoáng chất.
"Do đó, khi ăn trứng, chúng ta nên ăn cả lòng đỏ và lòng trắng. Nhiều người có thói quen bỏ lòng trắng và chỉ ăn lòng đỏ trứng. Việc này vô tình làm lãng phí nguồn đạm dễ hấp thu (lên tới 96-97%) với cơ thể", PGS Lâm cho hay.
Chế biến chín lòng trắng và giữ tái lòng đỏ là gợi ý của các chuyên gia dinh dưỡng. Ảnh minh họa: Simple Recipe. |
Bên cạnh tranh cãi về việc ăn phần nào của trứng, thực phẩm này còn rất đa dạng cách chế biến như ăn sống, tái, lòng đào, chín... Đáng chú ý, các chuyên gia dinh dưỡng khẳng định cách ăn sẽ quyết định dưỡng chất của trứng khi hấp thu vào cơ thể.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Y Dược TP.HCM cho biết việc ăn trứng sống có thể làm giảm sự hấp thu của protein từ thực phẩm này trong cơ thể.
"Trứng sống chứa một chất gây ức chế các loại men tiêu hóa. Chất đạm trong trứng sống kích thích dịch tụy, mật tiết ra và ảnh hưởng khả năng tiêu hóa thức ăn. Bên cạnh đó, việc ăn trứng sống cũng làm tăng nguy cơ nhiễm salmonella - một loại vi khuẩn gây bệnh liên quan đường ruột ở người và động vật. Triệu chứng của căn bệnh này thường là đau bụng, tiêu chảy, sốt kéo dài 4-7 ngày", bác sĩ Nhàn giải thích.
Do đó, bác sĩ này khuyến cáo nhóm người có hệ miễn dịch kém gồm: người già, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người có hệ miễn dịch suy yếu hoặc bị bệnh đường ruột..., không nên ăn trứng sống.
Với người khỏe mạnh và thích ăn trứng sống, chúng ta cần lựa chọn trứng đã qua xử lý tiệt trùng, được bảo quản đúng cách, vỏ sạch, không có lỗ hay bị dập.
Tuy nhiên, người dân cũng cần lưu ý không nên nấu trứng quá lâu. Nguyên nhân là việc chế biến trứng trong thời gian quá dài có thể làm giảm các vi chất dinh dưỡng trong thực phẩm này như vitamin A, axit béo có lợi, một số chất chống oxy hóa...
Theo bác sĩ Nhàn, cách chế biến trứng tốt nhất là làm chín lòng trắng và giữ tái lòng đỏ. Lúc này, chúng ta có thể giảm các chất ức chế quá trình tiêu hóa, đồng thời giữ trọn vẹn chất dinh dưỡng của trứng.
Về số lượng, PGS Lâm khuyên người dân nên dựa trên nhu cầu ăn trứng của mỗi nhóm tuổi. Cụ thể, người trưởng thành có thể ăn 3-4 quả/tuần, trẻ em 6-7 tháng tuổi nên ăn nửa lòng đỏ/bữa, trẻ 8-12 tháng tuổi là một lòng đỏ/bữa, trẻ 1-2 tuổi có thể ăn cả lòng đỏ và lòng trắng nhưng tối đa 4 quả/tuần, trẻ trên 2 tuổi được ăn tối đa 6 quả/tuần.
Đặc biệt, PGS Lâm khẳng định người bị tăng huyết áp hoặc nồng độ cholesterol trong máu cao hoàn toàn có thể ăn trứng. Tuy nhiên, nhóm người này chỉ nên ăn 1-2 quả/tuần.