Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cách cha mẹ đối phó với cơn đau bụng của con

Đau bụng là hiện tượng phổ biến ở trẻ em và có thể là triệu chứng của nhiều bệnh. Việc xác định nguyên nhân, tìm ra cách giảm đau cho con không hề dễ đối với phụ huynh.

Khảo sát cho thấy đau bụng là tình trạng phổ biến ở trẻ và không ít phụ huynh tự tin họ có thể tự xử lý. Ảnh: Healthline.

Bệnh viện Nhi C.S. Mott (Michigan, Mỹ) đã thực hiện cuộc thăm dò quốc gia với các bậc cha mẹ có con từ 3 đến 10 tuổi về cách họ xử lý khi con đau bụng.

Hơn 1/3 cha mẹ tự tin biết lý do con đau bụng

Cứ 6 phụ huynh thì có một người (17%) cho biết con họ kêu đau bụng ít nhất mỗi tháng một lần. Trong số các bậc cha mẹ này, 58% đã thảo luận về cơn đau bụng thường xuyên với bác sĩ của con họ trong khi 42% thì không.

Các bậc cha mẹ khác cho biết con của họ bị đau bụng vài lần trong năm (31%), hay con của họ hiếm khi hoặc không bao giờ kêu đau bụng (52%).

Cha mẹ thường liên hệ bác sĩ hoặc tìm kiếm sự chăm sóc khẩn cấp nếu cơn đau bụng của con họ đi kèm hiện tuọng máu lẫn trong phân (84%), nếu đứa trẻ cảm thấy đau như dao cắt (65%), nếu cơn đau vẫn tiếp tục trong hơn 6 giờ (64%), hoặc nếu bụng sưng lên (63%) hay cứng (49%).

Một số sẽ tìm kiếm lời khuyên hoặc sự chăm sóc nếu con của họ cũng bị sốt (22%) hoặc tiêu chảy (8%). Nhìn chung, 37% phụ huynh đánh giá họ rất tự tin về việc mình có thể biết khi nào cơn đau bụng có thể là dấu hiệu của vấn đề nghiêm trọng.

Cha mẹ cố gắng tìm ra nguyên nhân đau bụng bằng cách để trẻ mô tả cơn đau (69%), xem trẻ có thể tiếp tục các hoạt động bình thường không (47%), đo nhiệt độ cho trẻ (43%), cho trẻ nằm xuống xem có đỡ đau hơn không (41%) hoặc sờ bụng trẻ xem đau ở đâu (34%).

Hầu hết cha mẹ nghĩ rằng cơn đau bụng của con họ thường là do các triệu chứng tiêu hóa như đầy hơi, khó tiêu và táo bón (73%); ít cha mẹ chỉ ra virus hoặc nhiễm trùng là nguyên nhân trước đó (35%).

Nhìn chung, 30% cha mẹ nói rằng họ rất có thể cho con dùng sản phẩm không kê đơn khi bị đau bụng, bao gồm men vi sinh (13%), thuốc trị đau bụng (13%), thuốc giảm đau (12%), hoặc thuốc làm mềm phân (8%).

Khoảng 1/4 cha mẹ (27%) cho rằng cơn đau bụng của con họ là do lo lắng và bồn chồn, cố gắng trốn học, hoặc cố gắng thu hút sự chú ý. Niềm tin này phổ biến hơn ở các bậc cha mẹ có con 6-10 tuổi so với 3-5 tuổi (34% so với 20%).

Khi cha mẹ nghi ngờ lo lắng hoặc bồn chồn là nguyên nhân gây đau bụng, họ nói chuyện với con về nguyên nhân khiến con lo lắng (71%), để trẻ tập thở hoặc thư giãn (53%), hoặc cố gắng đánh lạc hướng trẻ ( 53%); một số ít phụ huynh (16%) cho phép con mình nghỉ học hoặc các hoạt động khác có thể liên quan đến lo lắng.

dau bung o tre anh 1

Đau bụng cũng có thể là triệu chứng của bệnh nghiêm trọng và trẻ cần được bác sĩ thăm khám, điều trị. Ảnh: Scholastic.

Cách xử trí

Đau bụng là hiện tượng tương đối phổ biến ở trẻ nhỏ và có thể do nhiều nguyên nhân. Đau bụng thường bắt nguồn từ các vấn đề ngắn hạn như táo bón, ngộ độc thực phẩm hoặc viêm dạ dày ruột. Những bệnh này có thể gây ra cơn đau co thắt ở vùng bụng dưới cùng với các triệu chứng khác như tiêu chảy.

Gần 1/3 phụ huynh trong cuộc thăm dò sẽ sử dụng các sản phẩm không kê đơn nếu con họ bị đau bụng. Một số sản phẩm có thể làm dịu sự khó chịu của trẻ như thuốc đạn (thuốc đặt hậu môn) có thể giúp trị táo bón hoặc thuốc trị đầy hơi.

Tuy nhiên, các sản phẩm khác có thể phản tác dụng. Ví dụ, hoạt chất trong một số thuốc điều trị đau dạ dày là bismuth làm chậm nhu động ruột. Mặc dù giúp hạn chế quá trình tiêu chảy, nó có thể làm chậm quá trình phục hồi sau khi bị nhiễm virus và có thể dẫn đến táo bón ở trẻ em.

Vì thế, cha mẹ nên kiểm tra nhãn để đảm bảo rằng họ chọn sản phẩm không chứa bismuth hoặc salicylat - hai chất không nên sử dụng cho trẻ em.

Ngoài ra, phụ huynh có thể thay đổi chế độ ăn uống để giảm tần suất đau bụng, chẳng hạn tăng lượng nước và chất xơ trong chế độ ăn tổng thể của trẻ đồng thời giảm thực phẩm chế biến sẵn. Một số nghiên cứu cho thấy chế phẩm sinh học có thể giúp cải thiện sự cân bằng của vi khuẩn trong ruột của trẻ.

Khi đau bụng là dấu hiệu của vấn đề nghiêm trọng

Trong một số trường hợp, đau bụng là dấu hiệu quan trọng của vấn đề nghiêm trọng hơn như viêm ruột thừa, tắc ruột hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu và đối với bé trai, các vấn đề về tinh hoàn như thoát vị.

Kết quả từ cuộc thăm dò của Bệnh viện Nhi C.S. Mott còn chỉ ra rằng nhiều bậc cha mẹ không tự tin rằng họ có thể nhận ra những tình huống này. Các dấu hiệu đáng lo ngại nhất bao gồm đau nhói dữ dội, có máu trong phân và bụng cứng/sưng. Cha mẹ nên nhanh chóng tìm kiếm sự chăm sóc nếu họ nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào trong số này.

Các dấu hiệu khác của một vấn đề nghiêm trọng có thể xảy ra bao gồm cơn đau khiến trẻ không thể hoạt động bình thường, trầm trọng hơn theo thời gian, gây thức giấc vào ban đêm, cơn đau lan từ rốn xuống phía dưới bên phải của bụng (có thể là dấu hiệu viêm ruột thừa), cơn đau kéo dài hơn 24 giờ, hoặc đau kèm theo nôn mửa hoặc khó nuốt.

Mặc dù các tình huống có thể không khẩn cấp, cha mẹ vẫn nên tham khảo lời khuyên từ nhân viên y tế.

Cha mẹ cũng nên chú ý đến tần suất cơn đau bụng của con, ngay cả khi không có dấu hiệu nghiêm trọng. Đáng chú ý là trong số các bậc cha mẹ cho biết con mình bị đau bụng ít nhất hàng tháng, 4/10 người không thảo luận vấn đề này với bác sĩ. Điều này có thể là do các triệu chứng không được coi là nghiêm trọng hoặc cha mẹ cảm thấy thoải mái khi kiểm soát cơn đau ở nhà.

Nếu trẻ kêu đau bụng ít nhất mỗi tháng một lần, cha mẹ nên ghi lại tần suất và đặc điểm của cơn đau để thảo luận trong lần khám sức khỏe tiếp theo của trẻ.

Hơn 1/4 phụ huynh trong cuộc thăm dò đã phản ánh các trường hợp họ nghi ngờ cơn đau bụng của con mình là do lo lắng, bồn chồn, trốn học hoặc các tình huống khác hay cố gắng thu hút sự chú ý. Trong những tình huống như vậy, cha mẹ nên nhận ra tầm quan trọng của việc hiểu và giải quyết nguyên nhân cơ bản gây ra các triệu chứng của con mình.

Nhiệm vụ thiết yếu của cha mẹ là khuyến khích trẻ mô tả mối quan tâm của mình, cho phép trẻ có thời gian, không gian để chia sẻ cảm xúc mà không coi nhẹ nỗi sợ hãi của trẻ.

Khi cha mẹ hiểu rõ hơn gốc rễ vấn đề, họ có thể giúp con giảm bớt lo lắng, can thiệp khi thích hợp (ví dụ, nếu con lo lắng vì bị bạo lực) và hỗ trợ con đưa ra giải pháp khả thi.

Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.

Em bé chào đời với dây rốn quấn cổ 4 vòng

Khi vào viện, thai phụ xin phẫu thuật vì trước đó, qua khám thai phát hiện em bé bị dây rốn quấn cổ nhiều vòng. Tuy nhiên, các bác sĩ đã tư vấn cho sản phụ sinh thường.

Nguyên Lê

Bạn có thể quan tâm