Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cách chăm sóc người say rượu

Nếu trong một buổi tiệc vui, người ngồi cạnh bạn bị say và không thể tự chăm sóc bản thân thì nguy cơ gặp tai nạn. Biết cách chăm sóc người say rượu là một kỹ năng cần thiết.

Dưới đây là các bước cơ bản trong vấn đề chăm sóc người say rượu do các chuyên gia y tế khuyến cáo.

Bước 1: Nhận biết dấu hiệu của người say rượu

Một người khi đã uống quá nhiều rượu bia thường có những biểu hiện như sau: nói líu lưỡi, giọng điệu kéo dài, nói to tiếng, không có khả năng ngồi và đứng vững, hay lăn lộn trên sàn, đi bộ nghiêng ngả, phản ứng cáu gắt dữ dội, mắt đỏ ngầu, người nóng ran…Trong trường hợp này, chúng ta nên làm các việc sau:

• Khuyến khích người say rượu ngừng uống tiếp

• Nhanh chóng đưa người bị say ra khỏi nơi có rượu rồi nhẹ nhàng nói chuyện với họ.

• Nếu người say rượu muốn uống nữa thì hãy cho họ uống nước ngọt hoặc nước lọc. Họ sẽ không chú ý, đặc biệt là khi bạn nói chuyện hoặc xem TV cùng với họ.

• Nếu một người có dấu hiệu say nhưng chưa uống nhiều, hãy cho họ uống thức uống có nồng độ cồn nhẹ hơn như bia. Điều này sẽ giúp cho mức độ nhiễm độc giảm đi, nhưng không phải là giải pháp tốt để chống say.

• Bạn cũng cần phải tránh nói những câu khiến người say nổi giận. Thay vào đó, hãy nhẹ nhàng với họ.

• Không nên để cho người say rượu tự lái xe về nhà sẽ rất nguy hiểm. Đã có nhiều trường hợp gây tai nạn giao thông hay rớt xuống sông, kênh rạch gây tử vong cho người say và cả người đi đường.

• Nên dìu người say đi, không để họ tự đi nhằm tránh để họ bị té có thể gây tổn thương cho cơ thể.

• Nếu người say rượu cần vào nhà tắm, hãy cùng vào với họ nhằm phòng ngừa trường hợp người say rượu bị mất kiểm soát, có thể bị té ngã.

Bước 2: Tránh để người say bị tổn thương cơ thể

Bằng cách:

• Giúp người say rượu ngồi lên ghế hoặc sàn nhà, có thể tìm một nơi nào đó để người say nôn khi cần.

• Nếu người say đang nằm, hãy cho nằm nghiêng khi nôn, không được để cho họ nằm ngửa để tránh sặc. Nếu họ đang nằm trên ghế sofa, không được để họ hướng mặt vào lưng ghế.

• Nếu người say vừa bị ngã hoặc có dấu hiệu vừa bị ngã, bạn cần chăm sóc họ kỹ hoặc gọi cấp cứu ngay, bởi chấn thương đầu kết hợp với ngộ độc rượu có thể đe dọa đến tính mạng của họ.

Bước 3: Không để cho người say ngủ một mình

Các rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra với người say rượu khi ngủ nên bạn cần phải túc trực bên họ để xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra bất ngờ.

• Hãy ở trong phòng cùng với người say rượu. Bạn có thể xem TV, đọc sách hoặc dọn phòng sau bữa tiệc nhưng nhớ là phải trông coi người say rượu thật cẩn thận.

Bước 4: Kiểm tra sự tỉnh táo ở người say

Hãy gọi tên người say rượu thật to, bảo họ mở mắt, cấu họ để chờ phản ứng… Theo dõi ngực để kiểm tra hơi thở, nếu bạn thấy họ hít thở đều khoảng 12-20 lần/phút là bình thường.

Bước 5: Kiểm tra dấu hiệu ngộ độc rượu

Nếu hơi thở chậm (thở 8 lần/phút hoặc 10 giây thở một lần) và người say không có phản ứng gì, có thể họ đã bị ngộ độc. Một số dấu hiệu khác là:

• Ngất, bất tỉnh, hôn mê.

• Mất nước.

• Mạch đập nhanh.

• Nôn trong khi ngủ và không thức dậy ngay cả khi nôn.

• Lạnh tay/chân.

Bước 6: Gọi xe cấp cứu (số 115) nếu người say có dấu hiệu bị ngộ độc rượu

Bước 7: Ở lại với người say cho đến khi có trợ giúp y tế

• Hãy giữ ấm, liên tục theo dõi hơi thở và thực hành sơ cứu cho người say rượu nếu cần.

• Nếu người say rượu tỉnh táo hoặc có ý thức trở lại, bạn không nên chạm vào họ mà không giải thích những gì bạn đang làm; họ có thể phản ứng dữ dội.

• Bạn cũng không nên cho say rượu uống nước trà hay cà phê vì chúng có thể gây mất nước hơn nữa.

Lưu ý

• Đừng để người say rượu vào tắm nước lạnh để tỉnh táo vì có thể gây ra sốc nhiệt độ, gây tử vong.

• Nếu người say rượu nằm ngủ, hãy để họ nằm đúng tư thế, không được để họ nằm sấp

http://phunuonline.com.vn/suc-khoe/bac-si-gia-dinh/cach-cham-soc-nguoi-say-ruou/a130601.html

Theo Đình Huệ/ Phụ nữ TP.HCM

Bạn có thể quan tâm