Thạc sĩ Nguyễn Quang Thi, giáo viên môn Toán, công tác tại trường THPT Bảo Lộc (Lâm Đồng), gợi ý lựa chọn môn học lớp 10 của để phụ huynh cùng các học sinh tham khảo.
Ngày 3/8, Bộ GD&ĐT công bố chi tiết về môn học bắt buộc và môn học tự chọn cho bậc trung học phổ thông, bắt đầu áp dụng ở lớp 10 năm học này.
Theo đó, học sinh được lựa chọn 4 môn học trong 9 môn học (Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lý; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mỹ thuật), không còn phụ thuộc vào nhóm môn như trước.
Đây là lợi thế của học sinh khi chọn môn để học và các trường THPT cũng dễ phân chia tổ hợp môn. Nếu trường nào có đủ 9 môn tự chọn, về lý thuyết, ta có 126 tổ hợp, còn trường nào không có môn Âm nhạc và Mỹ thuật, ta có 35 tổ hợp.
Các trường thường căn cứ vào đội ngũ giáo viên hiện có để hướng học sinh đăng ký gói gọn từ 4 đến 6 tổ hợp là vừa.
Đến năm 2025, nếu các trường đại học vẫn duy trì tuyển sinh theo nhóm môn truyền thống như hiện nay, học sinh thoải mái chọn nhóm môn để học vì tổ hợp môn đã rõ ràng. Đây cũng là chìa khóa để thẳng tiến xét tuyển đại học mà không có rào cản và lo lắng. Nhưng chọn môn như thế nào là phù hợp, theo tôi phụ huynh và học sinh cần đến trường nơi con mình nhập học để nghe tư vấn của nhà trường.
Từ việc tìm hiểu, nghiên cứu và dựa trên một số tổ hợp nhà trường đưa ra, học sinh cần chọn môn dựa trên sở thích, năng lực và nghề nghiệp sau này.
Tôi dự đoán, mỗi trường sẽ phân các lớp thuộc ban tự nhiên và các lớp thuộc ban xã hội. Các môn Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật sẽ được ghép vào hai ban nói trên sao cho phù hợp.
Khả năng học sinh chọn môn Công nghệ rất nhiều vì dễ học và không phải tư duy nhiều, môn Tin học, chỉ những em có nguyện vọng thi vào ngành Công nghệ thông tin mới chọn. Còn môn Nghệ thuật, dù học sinh có chọn, một số trường không thể đáp ứng vì thiếu giáo viên.
Gợi ý của thầy Thi về một số nhóm môn để phụ huynh và học sinh tham khảo. |
Hiện tại, các trường đại học ngoài tuyển sinh theo học bạ, kỳ thi năng lực, chứng chỉ tiếng Anh vẫn tuyển sinh theo các khối quen thuộc. Khối A gồm có A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh), A02 (Toán, Vật lý, Sinh học), A03 (Toán, Vật lý, Lịch sử), A04 (Toán, Vật lý, Địa lý), A05 (Toán, Hóa học, Lịch sử), A06 (Toán, Hóa học, Địa lý), A07 (Toán, Lịch sử, Địa lý).
Khối B gồm có B00 (Toán, Hóa, Sinh), B01 (Toán, Sinh học, Lịch sử), B02 (Toán, Sinh học, Địa lý), B03 (Toán, Sinh học, Ngữ văn), B04 (Toán, Sinh học, Tiếng Anh).
Khối C gồm có C00 (Văn, Sử, Địa), C01 (Ngữ văn, Toán, Vật lý), C02 (Ngữ văn, Toán, Hóa học), C03 (Ngữ văn, Toán, Lịch sử), C04 (Ngữ văn, Toán, Địa lý), C05 (Ngữ văn, Vật lý, Hóa học), C06 (Ngữ văn, Vật lý, Sinh học), C07 (Ngữ văn, Vật lý, Lịch sử), C08 (Ngữ văn, Hóa học, Sinh), C09 (Ngữ văn, Vật lý, Địa lý), C10 (Ngữ văn, Hóa học, Lịch sử).
Khối D gồm có D01 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh), D02 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Nga), D03 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Pháp), D04 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Trung), D05 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Đức), D06 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Nhật). Khối M gồm có: M00 ( Ngữ văn, Toán, Đọc diễn cảm, Hát), M01 (Ngữ văn, Lịch sử, Năng khiếu).
Khối N gồm có N00 (Ngữ văn, Năng khiếu Âm nhạc 1, Năng khiếu Âm nhạc 2), N01 (Ngữ văn, xướng âm, biểu diễn nghệ thuật), N02 (Ngữ văn, Ký xướng âm, Hát hoặc biểu diễn nhạc cụ).
Khối H gồm có H00 (Ngữ văn, Năng khiếu vẽ Nghệ thuật 1, Năng khiếu vẽ Nghệ thuật 2), H01 (Toán, Ngữ văn, Vẽ), H02 (Toán, Vẽ Hình họa mỹ thuật, Vẽ trang trí màu).
Khối V gồm có V00 (Toán, Vật lý, Vẽ Hình họa mỹ thuật), V01 (Toán, Ngữ văn, Vẽ Hình họa mỹ thuật), V02 (Vẽ mỹ thuật, Toán, Tiếng Anh), V03(Vẽ mỹ thuật, Toán, Hóa).
Phân chia tổ hợp như vậy sẽ dẫn đến việc giáo viên dạy 9 môn tự chọn nói trên sẽ thiếu tiết, giáo viên thiếu tiết có thể dạy thêm môn trải nghiệm sáng tạo và hướng nghiệp, lịch sử địa phương. Nếu còn thiếu tiết, các trường trên cùng địa bàn (quận, huyện) ngồi lại với nhau nhằm thương thảo để giáo viên dạy thêm một số tiết ở trường khác.