Hiện người tiêu dùng, đặc biệt thế hệ Millennials (sinh từ đầu những năm 1980 đến 1995), ngày càng quan tâm đến sức khỏe và hạn chế những đồ uống có chứa quá nhiều đường. Tuy nhiên, vào các dịp lễ Tết hay ăn uống cùng bạn bè, mọi người có xu hướng lựa chọn những thức uống ngọt, tạo cảm giác sảng khoái, và thường không để ý đến lượng đường có trong đồ uống này.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến nước uống có ga (đặc biệt là nước ngọt) luôn nằm trong top 2-3 đồ uống được ưa chuộng nhất trong mùa Tết. Tuy nhiên, nếu biết cách đọc nhãn sản phẩm, người tiêu dùng có thể lựa chọn được thức uống có lượng đường và calo thấp để thưởng thức mà vẫn đảm bảo trong “vùng an toàn” cho sức khỏe.
Hiện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị lượng đường tiêu thụ của mỗi người không được vượt quá 5% nhu cầu năng lượng cả ngày, tức tương đương 25 gr. Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) cũng khuyến cáo mức đường an toàn cho nữ giới là 25 gr, đối với nam giới là 36 gr, vì nam giới có nhu cầu năng lượng hàng ngày cao hơn.
Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) cũng khuyến cáo mức đường an toàn cho nữ giới là 25 gr, đối với nam giới là 36 gr. |
Theo một số nghiên cứu được trích dẫn trong báo cáo của WHO về lượng đường khuyến nghị, việc tiêu thụ quá nhiều đường được xem là nguyên nhân trực tiếp gây sâu răng, thừa cân, béo phì, và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm, như tiểu đường tuýp 2 và bệnh tim mạch.
Trong khi đó, hiện Việt Nam là nước có số người béo phì tăng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Theo báo cáo Fitch Solutions Macro Research của tập đoàn Fitch Solutions (Anh quốc), từ năm 2010 đến 2014, số người béo phì (có chỉ số khối cơ thể - BMI trên 25) tại Việt Nam tăng 38%; dù nếu tính trên tổng dân số, tỷ lệ béo phì ở Việt Nam vẫn thấp (3,6%) so với nhiều nước trong khu vực.
Nếu bạn muốn tìm kiếm thức uống ít đường và có lượng calo thấp, phù hợp nhu cầu năng lượng của bản thân, thì bảng giá trị dinh dưỡng sẽ cung cấp đầy đủ thông tin cần biết.
Biết cách đọc nhãn sản phẩm giúp bạn xác định chính xác lượng đường và calo nhận được khi sử dụng thức uống ngọt. |
Quan trọng hơn, bạn cần phải xem các thành phần dinh dưỡng này được liệt kê cho toàn bộ, hay chỉ một phần nhỏ thể tích của sản phẩm. Thông thường, nhiều nhà sản xuất nước ngọt liệt kê thành phần dinh dưỡng trong 100 ml thay vì thể tích thực.
Vì thế, nếu không để ý, không ít người sẽ nhầm lẫn lượng đường có trong 100 ml với trong toàn bộ sản phẩm. Với mỗi sản phẩm nước ngọt có thể tích từ 330 ml đến 390 ml, lượng đường thực tế dung nạp vào cơ thể người uống sẽ gấp hơn 3-4 lần.
Biết cách đọc nhãn sản phẩm giúp người dùng xác định chính xác lượng đường và calo nhận được khi sử dụng thức uống ngọt, giúp kiểm soát hiệu quả mức đường tiêu thụ mỗi ngày để duy trì cơ thể khỏe mạnh.