Chính vì vậy, anh luôn trăn trở với việc làm sao để các con có sự phát triển tốt nhất. Điều đặc biệt là việc sống ở nước ngoài đã giúp vị giáo sư trẻ tuổi kết hợp được phương pháp giáo dục giữa Á và Âu một cách hiệu quả. Anh tôn trọng cá tính, sự phá cách của trẻ nhưng trước đó đã đưa ra những khuôn phép nhất định.
Gia đình GS Ngô Bảo Châu. |
Cái tốt cho mình chưa chắc đã hợp với con
GS Ngô Bảo Châu lập gia đình ở tuổi 22 với người bạn gái học cùng chuyên toán thời phổ thông. Anh cho rằng, gia đình đã giúp anh cân bằng cuộc sống tinh thần với việc nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên, vì kết hôn sớm nên ban đầu cuộc sống của vợ chồng anh cũng gặp nhiều khó khăn. Tại đại học Paris XI, anh nhận mức lương 3.000 EUR mỗi tháng nhưng đã phải chi mất một nửa để trả tiền thuê nhà. Vì vậy, khi các con còn nhỏ, vợ chồng anh phải đưa về Hà Nội nhờ ông bà nội chăm sóc vì ở nước ngoài không có tiền thuê người giúp việc, bản thân lại phải làm việc nhiều không đủ thời gian chăm con. Khi các con được khoảng 4-5 tuổi, anh mới đưa sang Pháp.
Có lẽ vì khoảng thời gian đầu vất vả như vậy và niềm đam mê Toán học đang vào giai đoạn “cao trào” nên đối với cô con gái cả, GS Châu luôn cảm thấy mình có khuyết điểm vì đã không gần gũi con nhiều hơn. “Có lần, cô bé nói với bố như thế này: “Bố không quan tâm đến bọn con, bố chỉ quan tâm đến môn toán của bố”. Trẻ con có ưu điểm luôn nói thật. Câu nói ngây thơ đó đã cảnh tỉnh tôi rất nhiều”, GS Châu cho biết.
Cũng chính từ câu nói của con mà GS Châu nhận ra rằng, về chuyện dạy con, điều quan trọng nhất vẫn là dành thời gian cho trẻ. Điều này anh đã không làm được với con gái lớn vì khi cháu còn nhỏ thì anh cũng còn trẻ quá, đầu óc bị cuốn hút vào đề án Bổ Đề. Tuy nhiên anh đã “nghiêm khắc rút kinh nghiệm” từ lời phê bình của con gái đầu để cố gắng làm tốt hơn với hai con gái sau.
GS Châu cho biết, lúc đầu anh khá tin vào các phương pháp giáo dục từ sách vở. Nhưng càng ngày, anh càng thấy chúng chỉ áp dụng được cho số lớn, không áp dụng được cho số nhỏ là mình và con cái của mình. Cái chính vẫn là phải có thời gian cho con, biết lắng nghe và động viên con.
Anh chia sẻ: “Sai lầm lớn nhất mà bản thân tôi cũng đã mắc phải là nghĩ cái gì tốt cho mình thì ắt là tốt cho con. Nhưng để biết chính xác cái gì tốt cho con là rất khó. Tiềm năng của mỗi đứa trẻ rất khác nhau. Để hiểu được, phải cần nhiều thời gian lắng nghe và chia sẻ với con”.
Từ khi nhận ra điều quan trọng trên, GS Ngô Bảo Châu luôn dành nhiều nhất thời gian có thể để ở bên các con. Tuy nhiên là một người bận rộn nên anh phải tranh thủ mọi lúc, mọi nơi. “Học sinh bên Mỹ tan học vào khoảng 15 giờ chiều, lúc đó đang giờ làm việc nên tôi không thể thường xuyên đi đón con. Tuy nhiên, hôm nào vợ cần tôi đón bọn trẻ tôi vẫn thu xếp được. Nếu có điều kiện, tôi cũng thích được đi đón con.
Tôi thường cùng các con đi bộ ra bến xe buýt, rồi đi xe buýt về nhà, vì tôi không thích lái xe. Trước cổng trường học của các con có một sân trượt băng. Vào mùa đông, hôm nào rỗi rãi mấy bố con trượt băng với nhau rồi đi bộ về. Từ trường Lab School, nơi các con học, đi bộ về đến nhà chỉ mất khoảng nửa tiếng. Buổi tối ở nhà, sau bữa ăn gia đình tôi hay ngồi tâm sự với cô gái bé nhất, sau khi bạn ấy đi ngủ thì tôi đọc sách”, anh chia sẻ về những khoảng thời gian ít ỏi để trò chuyện và vui chơi với các con.
GS Ngô Bảo Châu và cô con gái út. |
Bố với con không nên là bạn
Thừa hưởng gen di truyền và sự giáo dục khoa học của bố mẹ, những đứa con của GS Ngô Bảo Châu đều rất ngoan ngoãn, học giỏi. Cô chị cả Ngô Thanh Hiên hiện đang là sinh viên ĐH Chicago. Khi nói về người bố nổi tiếng, cô bé tiết lộ: “Với em, bố vẫn là một người bố chứ không phải người nổi tiếng. Ở nhà bố vẫn là một người bố bình thường, vẫn gần gũi, quan tâm các con. Bố Châu không nóng tính nhưng khi phòng của em bừa bộn, bố vẫn nhắc nhở dọn dẹp. Hồi nhỏ, em thực sự chưa biết bố làm gì, chỉ biết bố luôn miệt mài làm việc. Chỉ trước hôm bố đi nhận giải, em mới biết bố đạt giải thưởng danh giá về Toán học”.
Mặc dù ảnh hưởng nhiều bởi nền giáo dục cởi mở, tự do phương Tây nhưng GS Ngô Bảo Châu vẫn đưa các con vào khuôn khổ theo cách giáo dục của người Á Đông. Anh tôn trọng ý kiến của trẻ như ý kiến của người lớn nhưng vẫn phân định rạch ròi giữa hai vị trí làm bố và làm con.
“Nhiều người thích làm cách mạng giáo dục, cứ bắt thầy với trò là bạn, bố với con là bạn. Cái này cực kỳ sai lầm vì thực ra trò cần mình làm thầy, chứ không cần mình làm bạn. Con cần mình làm bố chứ không cần mình làm bạn. Làm bạn có thể vui hơn, nhưng trẻ con sẽ bị thiệt thòi. Làm thầy, làm bố không đồng nghĩa với độc tài, mà là có ý thức để một số ranh giới không cho trẻ vượt qua vì có thể nguy hiểm đến thể xác hoặc sự phát triển của tâm hồn. Trẻ sẽ không giận nếu trong một số việc mình quyết định thay cho nó, mà có khi không giải thích được cặn kẽ. Chỉ có điều quyết định của mình phải nhất quán, không tùy tiện, nay thế này mai thế khác”, GS Châu chia sẻ.
Từ sự phân định rạch ròi trên mà GS Châu đưa ra những yêu cầu nhất định đối với con. Anh cho rằng: “Học cái gì cũng phải có phương pháp, chứ không thể học kiểu lãng tử được. Với trẻ con, ban đầu cần phải gò vào khuôn, sau đó thì mới có thể nổi loạn, phá cách. Trước hết phải có cách thì mới có cái gì mà phá, chứ ngay từ đầu đã hỗn mang thì mức độ sáng tạo sẽ rất vừa phải. Các triết lý chung chỉ nên dừng ở mức là bảo mình không nên làm gì, chứ không nên bảo mình phải làm gì và phải làm như thế nào”.
Sự nghiêm khắc của vị giáo sư còn thể hiện ở việc dạy các con tiết kiệm. Anh cho biết: “Có những chuyện không nên nói với trẻ con, điển hình là tiền. Trẻ con nhà tôi chỉ hiểu sơ sơ là tiền dùng để mua các thứ đồ dùng và cần tiết kiệm tiền. Hoàn toàn không có khái niệm là phải đi làm để kiếm tiền. Có bé nhà tôi được bố đưa ra công viên chơi. Tôi hỏi bé thích chơi trò gì. Bé nói trò gì cũng được, miễn là không tốn tiền. Cô này “ki bo” giống hệt bố. Nhưng tôi nghĩ rằng, biết tiết kiệm chính là cách tốt nhất để không bị lệ thuộc vào đồng tiền. Có thì tốt, không có thì thôi”.
Chính mẹ GS Châu - PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền cũng phải công nhận về sự nghiêm khắc của anh đối với các con: “Tôi thường nói đùa rằng, ba cô con gái của Châu sống như binh sĩ trong trại lính. Mẹ các cháu cũng nói vậy. Các cháu được chiều khi sống cùng ông bà ở Hà Nội, song khi trở lại Pháp thì phải vào khuôn khổ vì hai đứa không có nhiều thời gian để chiều chuộng con. Châu bảo các kênh truyền hình ở bên đó không có lợi cho trẻ em vì toàn chiếu những chương trình quảng cáo. Vì thế những đứa trẻ không được bố khuyến khích xem tivi kể từ khi sang đó”.
Bên cạnh sự nghiêm khắc theo truyền thống Á Đông, GS cũng rất coi trọng sự phát triển nhân cách cho con qua các hoạt động xã hội – phương pháp giáo dục điển hình của người phương Tây. Ở trường con anh học có chương trình phục vụ cộng đồng. Mỗi tuần cô bé lớn phải đến một cơ sở để chuẩn bị đồ ăn và bưng bê phục vụ những người nghèo nhất trong xã hội. Tuy cũng lo khi con phải đến một khu vực hơi kém về an ninh, nhưng anh thấy đó là hoạt động mà con học được rất nhiều thứ.