Mỡ nội tạng rất khó phát hiện và thường bị bỏ sót. Ảnh: Freepik. |
Theo Eat this, Not that, mỡ nội tạng là tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, gây ra các vấn đề lớn như bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường, ung thư và một số bệnh khác.
Tuy nhiên, nhiều người không biết mình mắc phải bởi loại mỡ này không thể nhìn thấy, sờ hay chạm vào, chúng tích trữ sâu trong bụng, xung quanh được bao bọc bởi các cơ.
Loại bỏ mỡ nội tạng là điều cần thiết cho sức khỏe tổng thể, nhưng làm cách nào để loại bỏ được nó? Dưới đây là một số cách giảm mỡ nội tạng bạn có thể tham khảo thực hiện.
Cách để giảm mỡ nội tạng
Từ chối rượu: TS.BS Brian Fisher, Giám đốc lâm sàng tại Evergreen Life, chỉ ra rượu không chỉ làm tăng lượng mỡ quanh bụng mà còn làm cho bạn béo hơn. Do đó, cắt giảm hoặc tốt nhất là bỏ hẳn rượu sẽ hạn chế tích tụ mỡ nội tạng.
“Rượu cũng gây căng thẳng cho gan - vốn hoạt động để phá vỡ các chất béo nội tạng độc hại. Hãy để gan nghỉ ngơi, giảm bớt rượu và thay bằng nước hoặc một chút bia”, bác sĩ Fisher nói.
Bỏ thuốc lá: Cùng với rượu, thuốc lá gây ảnh hưởng gần như toàn bộ cơ thể. Giống như chất béo nội tạng, hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Vì vậy, hãy bỏ thuốc lá bằng cách cắt giảm số lượng thuốc hút mỗi ngày.
Chế độ ăn uống lành mạnh: Bác sĩ Fisher khuyên mọi người đánh bại cơn đói và giảm lượng insulin bằng cách lựa chọn thực phẩm chứa protein lành mạnh. Ông cho rằng nên tránh đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ, thực phẩm đã qua chế biến như thịt xông khói, xúc xích thay vào đó là cá, thịt nạc, đậu, trứng.
Theo BS Fisher, mọi người nên ưu tiên các chất béo lành mạnh từ dầu ô liu, quả bơ, hạt óc chó hoặc các thực phẩm lên men như kim chi, sữa chua uống… để cân bằng insulin, vi khuẩn đường ruột, hormone, đồng thời quản lý cân nặng.
Chăm chỉ tập thể dục: Huấn luyện viên Kent Probst cho biết Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh khuyến nghị nên dành 150 phút mỗi tuần để tập thể dục với cường độ vừa phải hoặc 75 phút mỗi tuần với cường độ cao, giúp giảm đáng kể nguy cơ mỡ nội tạng.
“Hãy cố gắng tập thể dục ít nhất 20 phút mỗi ngày, sau đó tăng dần theo thời gian. Bạn có thể chạy bộ, bơi lội, đạp xe, thậm chí là leo cầu thang hàng ngày”, Kent Probst nói.
Giảm lượng đường tiêu thụ: Chuyên gia dinh dưỡng Lisa Richards nói rằng để thực hiện mục tiêu giảm mỡ, bạn cần đổi sang sữa lắc hoặc sinh tố, thay vì nước uống đóng chai.
Ngoài ra, nước uống thể thao thích hợp sau khi tập luyện. Tuy nhiên, bạn cần kiểm soát lượng đường và calo trong loại đồ uống này. Một số loại có chứa tới 8 muốn cà phê đường/chai, chúng có thể làm bạn tăng lượng mỡ nhanh chóng.
Chế độ ăn uống lành mạnh và luyện tập thường xuyên vẫn là cách tốt nhất để ngăn ngừa mỡ nội tạng. Ảnh: Medium. |
Khi nào mỡ nội tạng giảm?
Theo Eat this, Not that, mỡ nội tạng khó giảm hơn mỡ dưới da vì nó hoạt động trao đổi chất nhiều hơn. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu cho thấy cơ thể đang giảm mỡ nội tạng.
Ví dụ, bạn có thể nhận thấy quần áo vừa vặn hơn ở vùng eo, làn da săn chắc, ít bị đầy hơi sau khi ăn hoặc có nhiều năng lượng hơn. Bạn cũng có thể kiểm tra lượng mỡ nội tạng theo hướng dẫn từ Cleveland Clinic:
Đo vòng eo: Bạn hãy quấn thước dây quanh vòng eo, ngay bên trên xương hông. Đối với phụ nữ, kích thước vòng eo 35 inch trở lên nghĩa là bạn đang đối mặt với nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe bắt nguồn từ mỡ nội tạng. Đối với nam giới, con số này là 40 inch trở lên.
Đo tỷ lệ ngang hông: Cùng với đo vòng eo, hãy đo kích thước vòng hông của bạn bằng cách quấn thước dây quanh phần rộng nhất của hông. Tỷ lệ eo và hông cao hơn 0,85 ở nữ, 0,9 ở nam cho thấy tình trạng béo bụng.
Chỉ số khối cơ thể (BMI): Chỉ số BMI đo lượng mỡ trong cơ thể dựa trên chiều cao và cân nặng. Chỉ số này từ 30 trở lên (ở cả nam và nữ) cho thấy bạn có thể bị thừa cân và có mức mỡ nội tạng cao.
Tỷ lệ vòng eo và chiều cao (WHtR): WHtR được tính bằng công thức vòng eo chia cho chiều cao. Nếu kết quả này trên 0,5 (ở cả nam và nữ), bạn cần cẩn trọng với lượng mỡ nói chung và mỡ nội tạng trong cơ thể.