Việc di chuyển ở Bangkok khá thuận tiện nhờ hệ thống phương tiện giao thông công cộng, gồm ARL (tuyến tàu chạy từ sân bay về thành phố), BTS (tàu điện trên cao) và MRT (tàu điện ngầm). Mức giá chỉ dao động khoảng 16-17 baht/trạm/người (khoảng 12.000 đồng).
Tuy nhiên, còn một phương tiện khác khá thú vị nhưng được ít du khách Việt lựa chọn. Đó là di chuyển bằng những con thuyền (hay còn gọi là water bus - xe buýt trên sông) đậm chất "local" (địa phương). Trong chuyến đi Bangkok hồi đầu năm, tôi có dịp trải nghiệm loại hình này và nhận thấy nó có những ưu điểm sau: thuận tiện, nhanh, rẻ.
Con thuyền đậm tính chất địa phương với hàng ghế cũ kỹ và tấm chắn nylon dọc hai bên mạn thuyền. Phương tiện này khá thuận tiện và tiết kiệm chi phí nhưng ít được khách Việt lựa chọn. Theo ghi nhận của phóng viên, đa số người đi thuyền là dân địa phương và chỉ có số ít khách châu Âu. Ảnh: Anh Tú. |
Mức giá vẫn khoảng 14-16 baht/người. Khác biệt ở chỗ dù đi một hay nhiều trạm, mức giá vẫn không thay đổi. Do đó, nếu khoảng cách xa, bạn có thể chọn phương tiện này để tối ưu chi phí.
Nhiều du khách đi Bangkok vẫn di chuyển bằng thuyền từ Icon Siam qua chùa Wat Arun và ngược lại. Một số khác lựa chọn kiểu thuyền "Hop on Hop off" để tham quan một số điểm dọc sông Chao Phraya. Dù vậy, cả hai loại này đều không có tính "local" như thuyền trên kênh Saen Saep - loại được rất nhiều người địa phương lựa chọn để di chuyển.
Bạn có thể tham khảo lộ trình của tuyến water bus này dưới đây:
Bản đồ tuyến water bus trên kênh Saen Saep. Có thể thấy, tuyến này kết nối nhiều điểm du lịch nổi tiếng như nhà của Jim Thompson, Siam, Nana, khu Pratunam... Ảnh: Bangkok Guide. |
Cách đi cũng tương tự như tàu điện. Việc cần làm của du khách là tìm bản đồ và xác định bến thuyền gần nhất, bến thuyền cần đến để lên cho đúng.
Việc xác định bến thuyền là rất quan trọng bởi ở bến không có những bảng chỉ dẫn cụ thể như trạm tàu điện. Đa số nhân viên bán vé trên thuyền cũng không biết tiếng Anh nên bạn cần chắc chắn mình đã chọn đúng chiều.
Cách tốt nhất là hỏi những người địa phương đang ở bến thuyền về hướng điểm đến bạn cần tìm. Khi đã lên thuyền, bạn cần để ý các biển tên ở từng bến để xác định điểm đến. So với tàu điện, loại phương tiện này bất tiện hơn ở điểm đó. Bởi ở trên tàu điện, luôn có bảng điện tử hoặc loa thông báo trạm tiếp theo.
Đổi lại, trải nghiệm đi thuyền kiểu này thực sự đặc biệt. Con thuyền không sang, xịn, có ghế bọc da như loại trung chuyển đi Icon Siam hay thuyền "Hop on Hop off". Nó cũ kỹ, được chắn bằng tấm nylon dọc thân thuyền để tránh nước từ kênh bắn vào bên trong.
Khung cảnh bình yên dọc bến thuyền trên kênh. Ảnh: Anh Tú. |
Ngoài ra, khi đi thuyền này, bạn cũng có thể ngắm những khung cảnh đời thường, yên bình của các khu dân cư ven kênh. Đó là điểm khác biệt lớn nhất giữa loại phương tiện này và những phương tiện công cộng khác ở Bangkok.
Thuyền chạy từ 5h30 tới 20h30 hàng ngày. Du khách cần cân đối lịch để tránh lỡ chuyến cuối cùng.
63 tỉnh thành trong nước chứa đựng vô số điểm đến đa dạng về văn hóa, độc đáo về lịch sử. Zing giới thiệu tới bạn đọc những trang sách về hành trình khám phá Việt Nam.