Dù sốt là căn bệnh phổ biến ở trẻ, nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa nắm rõ cách điều trị sốt tại nhà. Ảnh: Adobe Stock. |
Trang All Nurses thông tin có nhiều nguyên nhân gây ra sốt như nhiễm virus, vi khuẩn đến dị ứng và các tình trạng bệnh lý khác. Việc hiểu được nguyên nhân gây sốt ở trẻ em sẽ giúp cha mẹ xác định đúng cách điều trị và khi nào cần đưa trẻ đi khám.
Theo đó, nhiễm trùng là nguyên nhân gây sốt phổ biến nhất ở trẻ em, với các loại virus như cúm, RSV, Covid-19 và phát ban. Nhiễm trùng do vi khuẩn, bao gồm viêm họng liên cầu khuẩn, nhiễm trùng tai và nhiễm trùng đường tiết niệu, cũng gây sốt ở trẻ.
Ngoài ra, dị ứng có thể là nguyên nhân gây sốt khi đi kèm với các triệu chứng chẳng hạn như hắt hơi hoặc sổ mũi. Một số loại thuốc (bao gồm thuốc kháng sinh) hoặc vaccine cũng có khả năng làm tăng nhiệt độ cơ thể trẻ vì chúng ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch. Nếu trẻ bị sốt do tiêm vaccine, cơn sốt thường sẽ xuất hiện trong vòng 12 giờ và hết sau 1-2 ngày.
Dưới đây là những cách đơn giản mà trang All Nurses liệt kê để điều trị sốt tại nhà cho trẻ.
Đo nhiệt độ
Đo nhiệt độ chính xác là bước đầu tiên để đánh giá đầy đủ và điều trị sốt cho trẻ. Điều cần lưu ý là phụ huynh phải sử dụng đúng kỹ thuật khi thực hiện thao tác này. Hầu hết chuyên gia y tế cho rằng nhiệt độ trực tràng là chính xác nhất, tiếp theo là nhiệt độ trên trán, nhiệt độ miệng và tai. Trong khi đó, nhiệt độ lấy ở nách được cho là kém chính xác nhất.
Xác định nguyên nhân gây sốt
Sau khi đã đo nhiệt độ, phụ huynh cần xác định nguyên nhân gây sốt. Nếu cha mẹ nghi ngờ việc sốt của trẻ có liên quan đến nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus và các biện pháp điều trị tại nhà không hiệu quả, hãy cân nhắc đưa trẻ đến bác sĩ nhi khoa để kiểm tra. Tại đây, phương pháp điều trị sẽ tùy thuộc vào độ tuổi và tiền sử sức khỏe của trẻ.
Nếu tình trạng không diễn biến nặng, phụ huynh cần cung cấp nhiều nước để giúp trẻ giảm sốt trong một thời gian dài. Đảm bảo tăng lượng nước bất cứ khi nào trẻ bị sốt.
Tắm bằng nước ấm
Trang All Nurses khuyên rằng nên cho trẻ tắm nước ấm, tắm bồn hoặc tắm bọt biển để giúp hạ sốt nhanh chóng. Bố mẹ tuyệt đối không sử dụng nước lạnh hoặc nước đá để tắm cho trẻ.
Theo All Nurses, phụ huynh hãy tắm cho trẻ trong ít nhất 20-30 phút, tuy nhiên, nên dừng lại nếu trẻ bắt đầu run. Tắm trong nước ấm sẽ làm nước bốc hơi khỏi cơ thể của trẻ và nhiệt độ cũng sẽ giảm đi.
Không mặc quần áo dày
Khi trẻ bị sốt, phụ huynh chỉ cho trẻ mặc một lớp quần áo nhẹ và đắp một chiếc chăn mỏng khi ngủ. Bố mẹ không nên quấn chúng lại khi trẻ bị sốt vì điều này có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể và khiến trẻ sốt nặng hơn.
Sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ là cách an toàn để điều trị cho trẻ. Ảnh: OSF Healthcare. |
Sử dụng thuốc hạ sốt đúng cách
Trang All Nurses thông tin phụ huynh chỉ sử dụng thuốc hạ sốt nếu trẻ sốt từ 38 độ C trở lên hoặc trẻ tỏ ra khó chịu. Trẻ em trên 3 tháng tuổi có thể dùng Tylenol, còn trẻ em trên 6 tháng tuổi có thể dùng Ibuprofen hoặc Tylenol.
Tuy nhiên, phụ huynh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chăm sóc sức khỏe để biết thông tin về liều lượng. Bố mẹ không nên cho trẻ uống cả 2 loại thuốc hoặc thay thế chúng với nhau, trừ khi được bác sĩ hướng dẫn làm như vậy. Ngược lại, nếu bác sĩ đã khuyên tránh cho trẻ dùng những loại thuốc này, bố mẹ nên tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Trang All Nurses nhận định sốt thực sự có lợi trong việc chống lại bệnh tật hoặc nhiễm trùng. Nguyên nhân là nhiều virus và vi khuẩn có thể phát triển mạnh ở nhiệt độ cơ thể bình thường, nhưng sẽ bị tiêu diệt khi nhiệt độ cơ thể tăng lên.
Khi trẻ bị sốt, điều đó thường có nghĩa là cơ thể của chúng đang hoạt động để chống lại bệnh tật hoặc nhiễm trùng. Cơ thể sẽ tăng nhiệt độ để giúp thực hiện cơ chế này, làm tăng hiệu suất của các tế bào miễn dịch. Do đó, bí quyết điều trị sốt vẫn là uống nhiều nước và nghỉ ngơi để nhiệt độ không tăng cao đến mức nguy hiểm.
Ngoài ra, việc duy trì thường xuyên những bài tập về sức khỏe, dinh dưỡng và an toàn cũng giúp bảo vệ trẻ và các thành viên trong gia đình khỏi bệnh tật.
Ăn chay không còn là đề tài xa lạ với mọi người, ẩm thực về món chay cũng theo đó phát triển lớn mạnh qua thời gian. Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu đến độc giả cuốn sách Thanh tịnh mâm cỗ Việt do hai tác giả Hồ Đắc Thiếu Anh và Nguyễn Hồ Tiếu Anh chấp bút.
Thanh tịnh mâm cỗ Việt không chỉ giới thiệu đến độc giả công thức làm 30 món chay của người Việt từ cổ chí kim, mà còn lồng ghép những câu chuyện văn hóa thú vị, cung cấp cho người đọc góc nhìn đa chiều về nền ẩm thực Việt.
Bên cạnh đó, mục đích của hai tác giả cũng muốn đem đến cho thực khách gần xa di sản văn hóa vật chất của một dân tộc, một địa phương mà ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo đã thấm sâu trong đời sống của người cố đô; đồng thời, đây cũng là một cách báo ân với tiền nhân dòng tộc vì đã để lại cho hậu sinh một di sản văn hóa ẩm thực chay rất giá trị.