Những cuộc hội ngộ, gặp gỡ đầu năm thường tạo ra nhiều tình huống trớ trêu. Ảnh minh họa: Cottonbro Studio/Pexels. |
Kỳ nghỉ lễ dài ngày là dịp hiếm hoi chúng ta có thể dành thời gian cho gia đình, họ hàng, bạn bè. Những cuộc gặp gỡ, hội ngộ đem đến cảm giác ấm áp, đoàn viên, sum vầy.
Tuy nhiên, trong những cuộc gặp đầu xuân năm mới, nhiều tình huống khó xử có khả năng xảy ra. Nếu không chuẩn bị phương pháp đối phó, bạn dễ dàng trở nên bối rối, ngượng ngùng.
Dưới đây, The Every Girl đã liệt kê một số tình huống trớ trêu và gợi ý cách xử lý khéo léo.
Gặp lại người cũ
Đối với những người có mối tình trung học, đại học, bạn sẽ dễ dàng gặp lại người yêu cũ trong buổi họp lớp đầu xuân. Nếu bạn quen bạn trai/bạn gái cũ qua mai mối, khả năng gặp lại thông qua buổi tụ tập bạn bè, họp mặt gia đình cũng tương đối cao.
Khi tình huống ngang trái này xảy ra, bạn cần giữ bình tĩnh. Thay vì tìm cách trốn tránh hay rút lui khỏi buổi gặp gỡ, bạn nên tỏ thái độ lịch sự.
Bạn không cần phải chủ động bắt chuyện hay trao đổi nhiều. Tuy nhiên, khi đối phương tiếp cận và hỏi thăm, bạn có thể trả lời một cách thân thiện, lịch sự.
Tranh luận với gia đình
Các chủ đề chung thường được trao đổi bên bàn tiệc dịp lễ Tết là chính trị, thời sự, thể thao. Tuy vậy, đây cũng là những chủ đề dễ gây tranh luận, cãi vã nhất.
“Chín người mười ý", mỗi cá nhân đều có quan điểm, ý kiến riêng về một vấn đề, sự kiện đang diễn ra. Những quan điểm trái chiều có thể tạo thành cuộc tranh luận không mong muốn.
Để giữ hòa khí ngày đầu năm, bạn cần sớm nhận ra tín hiệu của một cuộc cãi vã. Từ đó, bạn có thể điều chỉnh cách nói chuyện, thái độ, phản ứng của bản thân.
Việc đánh trống lảng, chuyển chủ đề khác cũng có thể được cân nhắc. Khi một cá nhân chọn cách trò chuyện hòa hoãn, những người khác không thể khiến cuộc hội thoại trở nên căng thẳng.
Những cuộc tranh luận thường xuyên xảy ra xung quanh mâm cỗ Tết. Ảnh minh họa: Angela Roma/Pexels. |
Chia tay trước và trong kỳ nghỉ lễ
Trong trường hợp bạn vừa chia tay trước Tết, người yêu cũ có thể tiếp tục nhắn tin, gọi điện để chúc mừng năm mới, chia sẻ về kỳ nghỉ của họ. Dù chọn trả lời hay phớt lờ, bạn cần tránh để câu chuyện của đối phương tác động tiêu cực đến cảm xúc và quá trình chữa lành.
Nếu bạn trai/bạn gái đưa ra quyết định chia tay ngay trong thời gian nghỉ lễ, thay vì lập tức tìm gặp họ để chất vấn, trút giận, kỳ nghỉ tạo cơ hội cho bạn suy xét và đánh giá lại mối quan hệ.
Đứng giữa người yêu và gia đình
Dịp lễ Tết, nhiều người trẻ thường dẫn theo bạn trai/bạn gái về gặp gỡ, ra mắt gia đình. Vô số tình huống oái oăm thường xảy ra trong những cuộc gặp này.
Trước mặt phụ huynh, bạn nên tiết chế những hành động thân mật với nửa kia. Bạn cũng cần trở thành cầu nối giữa gia đình và người yêu.
Ví dụ, khi bố mẹ, họ hàng đưa ra những câu hỏi khó khiến đối phương bất ngờ, bạn có thể nhanh chóng tiếp lời hoặc chuyển chủ đề.
Khi đưa bạn trai/bạn gái về thăm nhà, bạn cần trở thành cầu nối giữa nửa kia và gia đình. Ảnh minh họa: Kevin Malik/Pexels. |
Những câu hỏi khó từ gia đình
Tết đến là lúc người trẻ nhận được vô số câu hỏi khó trả lời từ bố mẹ, ông bà, họ hàng khi về thăm gia đình. Các chủ đề thường được quan tâm là công việc, lương thưởng, trạng thái mối quan hệ.
Đối mặt với tình huống này, bạn có thể từ chối trả lời một cách khéo léo hoặc đưa ra đáp án chung chung. Lần sau, bạn nên chủ động trao đổi trước với người thân để tránh bị hỏi một cách bất ngờ.