Cô Phan Thị Thu khuyên học sinh nên làm đề theo thứ tự từ dễ đến khó, tránh để mất nhiều thời gian cho câu khó. Ảnh: Phương Lâm. |
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 sẽ diễn ra vào ngày 28-29/6. Trước thềm kỳ thi, cô Phan Thị Thu, giáo viên môn Lịch sử tại trường THPT Einstein (Hà Nội), đưa ra một số lưu ý để học sinh làm bài thi đạt hiệu quả tốt nhất.
Cụ thể, trong giai đoạn nước rút, khi chỉ còn chưa đầy một tuần, học sinh cần ôn lại những kiến thức quan trọng, tập trung vào phần kiến thức liên quan cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Cô Thu lưu ý học sinh cần ôn đúng, ôn đủ bằng cách học theo sơ đồ tư duy để nhớ nhanh, nhớ lâu hơn.
Khi ôn tập môn học nhiều thông tin, dữ kiện như Lịch sử, học sinh cần hệ thống các kiến thức lịch sử từ cơ bản đến nâng cao và hệ thống toàn bộ lý thuyết cần và đủ theo từng chuyên đề cụ thể.
Để tránh nhớ sai, nhớ nhầm thông tin, học sinh có thể liệt kê các thuật ngữ lịch sử kèm theo các ví dụ cụ thể. Đây cũng là cách để các em vừa ôn tập vừa thực hành.
Lịch sử là môn học chứa nhiều dữ kiện lịch sử, liên quan các con số, sự kiện, địa danh. Để nhớ được các thông tin này và tránh nhầm lẫn, khi ôn tập, học sinh có thể sử dụng các từ khóa và câu hỏi. Cụ thể, cô Thu khuyên học sinh đặt câu hỏi với các từ khóa quan trọng, sau đó tự trả lời các thông tin đã học theo cách hiểu của bản thân.
Ngoài các lưu ý liên quan ôn tập, cô Thu nêu thêm một vấn đề học sinh dễ mắc phải khi làm bài thi là nhầm lẫn ở những câu hỏi dạng phủ định. Cô Thu lấy ví dụ câu số 24 trong đề tham khảo của Bộ GD&ĐT công bố vào tháng 3 như sau:
"Nội dung nào sau đây phản ánh không đúng về phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á sau Chiến tranh thế giới thứ hai?
A. Đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân
B. Đều nhận viện trợ quân sự và kinh tế của Mỹ
C. Dẫn đến sự ra đời của nhiều quốc gia độc lập
D. Thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia".
Với dạng câu hỏi này, học sinh cần lưu ý khi đề hỏi "không", các em cần chọn ra 3 nội dung "có" để loại ra, nội dung còn lại sẽ là đáp án chính xác.
"Đề thi môn Lịch sử thường phân hóa theo thứ tự từ dễ đến khó. Căn cứ đề tham khảo của Bộ GD&ĐT hồi tháng 3, 20 câu hỏi đầu thường rất dễ nên học sinh có thể làm nhanh. Vì thế, khi làm đề, học sinh nên ưu tiên làm câu dễ trước, những câu khó sẽ dành thời gian để làm sau", cô Thu đưa ra lời khuyên.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.