Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cách giải quyết thói lề mề ở trẻ

Các nhà nghiên cứu chỉ ra một số nguyên nhân khiến trẻ lề mề. Cha mẹ cần chú ý những đặc điểm sau để tìm cách khắc phục.

Nhiều cha mẹ có con học mẫu giáo, tiểu học, phàn nàn con trẻ lề mề trong ăn uống, sinh hoạt, thậm chí chuyện học tập. Điều này khiến cha mẹ trở nên nóng nảy, dễ nổi nóng và khiến mọi chuyện trở nên căng thẳng hơn.

Cha mẹ luôn muốn con bắt kịp nhịp sống của người lớn. Trên thực tế, tâm lý, nhịp sống của người lớn và trẻ nhỏ hoàn toàn khác nhau. Cha mẹ cần tìm hiểu kỹ các nguyên nhân để giải quyết thói lề mề của con theo cách tích cực, tránh nổi nóng, gây tổn thương trẻ.

cai thien tinh le me cua tre anh 1

Thói lề mề có thể hình thành từ khi trẻ lên mẫu giáo. Ảnh: Sohu.

Nguyên nhân khiến trẻ lề mề

Thói lề mề của trẻ không được hình thành trong một hai ngày. Điều này có thể bắt đầu từ khi trẻ lên mẫu giáo. Thậm chí, nhiều đứa trẻ 1 tuổi bắt đầu có dấu hiệu thích trì hoãn, chậm chạp.

Các nhà nghiên cứu đánh giá trẻ 2-3 tuổi không có nhiều khái niệm về thời gian. Khi lên 4, các em có thể hiểu rõ về thời gian, nhưng chưa thể biết chính xác lúc điều gì cần phải hoàn thành đúng giờ. Khi đó, trẻ thường theo đuổi những thứ mình thích và nguyên tắc của bản thân, thay vì làm theo tốc độ của người lớn đặt ra.

Ví dụ, khi ăn cơm trẻ thường nhìn ngắm, sờ vào những đồ vật xung quanh, khiến thời gian ăn cơm bị kéo dài. Đây là cách trẻ phối hợp não, tay và miệng để thưởng thức bữa ăn. Đôi khi trẻ mải mê vào những món đồ chơi và quên nhiệm vụ cần làm, đó là do trẻ đang dành toàn bộ tập trung lên đồ vật đó.

Mẹ của Lạc Lạc (6 tuổi) phàn nàn con gái làm bài tập về nhà quá chậm. Cô bé học giỏi, nhưng khi làm bài tập lại tốn quá nhiều thời gian. Công việc những đứa trẻ khác có thể hoàn thành trong 2 giờ, Lạc Lạc lại mất nhiều thời gian hơn.

Mỗi khi làm bài tập, nếu chữ không đều, cô bé sẽ xóa đi viết lại. Quá trình lặp đi lặp lại nhiều lần khiến thời gian bị kéo dài lâu hơn bình thường. Mẹ Lạc Lạc thấy con học bài đến hơn 22h vẫn chưa xong nên thúc giục, khiến con khóc.

Chuyên gia tâm lý phân tích Lạc Lạc là một đứa trẻ theo đuổi sự hoàn hảo, không phải lề mề như cha mẹ nghĩ. Em sợ mình không đạt thứ hạng cao nên luôn tự ti và nghi ngờ về hành động của mình.

Ngoài ra, tính lề mề của trẻ có thể bắt nguồn từ thói quen sinh hoạt của người lớn. Cha mẹ là tấm gương, người thầy đầu tiên của con. Trẻ có xu hướng bắt chước những hành động thường ngày của người lớn.

Nếu cha mẹ thường trì hoãn công việc như vừa ăn vừa dùng điện thoại. Trẻ sẽ bắt chước và cho rằng các em có thể làm việc riêng mà không cần để ý đến thời gian và hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn.

Thúc giục quá mức ảnh hưởng đến tính cách trẻ

Nếu trẻ có dấu hiệu thích trì hoãn, lề mề, cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân và xử lý đúng cách, tránh thúc giục, quát mắng con. Các nhà tâm lý trẻ em ở Trung Quốc nhận định thúc giục quá mức ảnh hưởng đến tính cách và thói quen sinh hoạt của trẻ.

Thứ nhất, bị hối thúc khiến trẻ trở nên nóng nảy. Nếu cha mẹ thường xuyên cáu gắt, hối thúc con, trẻ sẽ có những hành động tương tự, thậm chí ở mức độ cao hơn.

Một người chia sẻ, do lúc nhỏ luôn bị bố mẹ thúc giục, anh trở nên nóng nảy và dễ cáu gắt. Khi đi làm, nếu bị thúc giục, anh sẽ cảm thấy khó chịu, tâm trạng suy sụp.

Thứ hai, quá trình tư duy của trẻ sẽ bị gián đoạn nếu bị giục quá nhiều. Khi trẻ mất nhiều thời gian để làm việc, học tập, rất có thể các em đang dành thời gian để tìm tòi, tư duy.

Nếu cha mẹ đẩy nhanh quá trình và liên tục thúc giục, việc suy nghĩ của trẻ sẽ bị ảnh hưởng. Dần dần, trẻ sẽ mất dần khả năng tư duy và có xu hướng ỷ lại, làm theo sự sắp đặt của người khác.

cai thien tinh le me cua tre anh 2

Cha mẹ cần trau dồi khái niệm thời gian cho trẻ. Ảnh: SmartParents.

Cách giải quyết

Để cải thiện tính lề mề của trẻ, cha mẹ có thể trau dồi khái niệm về thời gian cho con thông qua nghe, nhìn và cảm nhận. Ví dụ, cha mẹ có thể cho con xé lịch, để các em cảm nhận thời gian trôi qua.

Trẻ nhỏ chưa hoàn toàn nắm được 5 phút, 30 phút kéo dài trong bao lâu. Thay vì thúc giục bằng lời, cha mẹ có thể sử dụng đồng hồ hẹn giờ để hỗ trợ trẻ quản lý thời gian. Khi thói quen dần hình thành, trẻ sẽ tự căn giờ hoàn thành công việc, không cần cha mẹ nhắc nhở, thúc giục.

Cha mẹ cũng nên rèn tính độc lập cho trẻ từ sớm. Khi trẻ lên 3-4 tuổi, cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ làm những việc nhỏ như đánh răng, mặc quần áo để trẻ hình thành ý thức tự làm việc.

Qua quá trình này, bé sẽ dần biết được độ khó của từng công việc và phải mất bao nhiêu nhiêu lâu để hoàn thành. Theo thời gian, trẻ sẽ có thêm khái niệm về thời gian.

Đối với những việc cần làm, cha mẹ có thể thỏa thuận với trẻ để đặt giới hạn thời gian. Nếu hoàn thành trong thời hạn, trẻ sẽ được trao thưởng. Phương pháp này giúp trẻ nhận thấy làm việc đúng hạn là điều cần thiết.

Nhà văn Long Yingtai, tác giả cuốn sách Children, Take Your Time đã viết: "Tôi ngồi trên bậc đá ngắm mặt trời lặn, nhìn đứa trẻ có đôi mắt trong veo chăm chú làm việc. Đúng vậy, tôi sẵn sàng chờ đợi cả đời, để chờ con dùng bàn tay bé nhỏ bình tĩnh thắt nơ. Con gái à, cứ từ từ thôi".

Người lớn không nên dùng những từ mang hàm ý tiêu cực để giục trẻ như "nhanh lên". Thay vào đó, cha mẹ có thể nói "hy vọng con hoàn thành công việc đúng giờ". Như thế trẻ sẽ không cảm thấy áp lực và dễ dàng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Nếu trẻ tỏ ra ngại ngần khi làm việc, cha mẹ nên suy xét nguyên nhân và giải thích cho trẻ hiểu lợi ích của sự nhanh nhẹn. Nếu trẻ trì hoãn công việc vì khó chịu hoặc không có khả năng thực hiện, người lớn có thể giúp đỡ và thảo luận cùng con.

Dấu hiệu của đứa trẻ thông minh

Giáo sư Ellen Winner cho biết đứa trẻ thông minh có một số dấu hiệu để nhận biết. Cha mẹ nên giúp con nâng cao khả năng tư duy bằng một số phương pháp đơn giản.

Minh Thúy

Theo Sohu

Bạn có thể quan tâm