Đồ họa: Anny Nhi |
Trong bối cảnh giá xăng tăng và nhiều khoản chi khác đội giá, nhiều người rơi vào trạng thái mệt mỏi, cảm thấy sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần đều bị tác động.
Theo Nikki Ramskill, bác sĩ đa khoa của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), lo lắng quá mức về tài chính có thể dẫn đến chứng lo âu, trầm cảm, cũng như một số vấn đề sức khỏe thể chất như hội chứng ruột kích thích hoặc đau nửa đầu.
Bệnh càng trở nặng sẽ khiến bạn càng khó nghĩ về tiền bạc, cũng như cách giải quyết những vần đề xung quanh. Do đó, để có thể vững vàng vượt qua thời kỳ khó khăn này, việc chăm sóc và kiểm soát sức khỏe tâm thần là rất quan trọng.
Đánh giá tình hình tài chính cá nhân
Kiến thức là “sức mạnh” để giúp mọi người vững vàng hơn về tình hình tài chính giữa cuộc khủng hoảng này.
Đầu tiên, bạn cần có cái nhìn tổng quan về các khoản thu chi mỗi tháng của mình để xác định khoản nào có thể tiết kiệm, cắt giảm được.
Hãy tận dụng các công cụ sẵn có, như tài khoản ngân hàng online hoặc ứng dụng quản lý chi tiêu, để theo dõi mọi giao dịch và cung cấp thông tin dựa trên điểm tín dụng.
Cắt giảm những khoản không cần thiết để dành tiền mua sắm nhu yếu phẩm là phương án đối phó với bão giá. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết
Hãy trò chuyện với bạn bè và người thân để tìm hiểu xem họ đối phó với lạm phát như thế nào.
Nếu thực sự gặp khó khăn, đừng ngại tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia. Đa số mọi người thường chỉ nhờ hỗ trợ khi đã quá muộn. Bởi vậy, tốt hơn hết, bạn nên chủ động đưa ra kế hoạch ứng phó sớm thay vì chờ đợi mọi chuyện đã trở nên quá tồi tệ.
Mặt khác, trong những lúc khủng hoảng, đôi khi chúng ta chọn sống khép mình. Tuy nhiên, điều đó sẽ không giúp cải thiện tình hình, đặc biệt là sức khỏe tinh thần của bạn.
Thay vào đó, hãy mở lòng chia sẻ với những người xung quanh, đặc biệt là bạn bè và người thân yêu. Họ có thể sẽ giúp bạn hiểu rằng tiền bạc có thể quan trọng, nhưng không phải là tất cả.
Đừng làm việc quá sức
Cho dù lo lắng về tài chính, bạn không nên làm việc quá sức, dẫn đến tình trạng kiệt quệ cả thể chất lẫn tinh thần. Lúc này, bạn cần chăm sóc sức khỏe của mình hơn bao giờ hết.
Thiếu ngủ, không tập thể dục và không có thời gian nghỉ ngơi đều ảnh hưởng đến khả năng đối phó vấn đề của bạn, đồng thời làm suy yếu khả năng phục hồi trong thời kỳ khủng hoảng.
Thay đổi từng bước nhỏ
Đối mặt với vấn đề tài chính có thể gây căng thẳng, nhưng lại là cách tốt nhất. Tuy nhiên, thay vì ôm đồm cùng lúc, bạn nên giải quyết từng vấn đề nhỏ và thiết thực.
Bạn có thể chủ động ngừng nhận thông tin về tình hình lạm phát qua truyền hình hay Internet. Hãy lập danh sách các khoản thu chi mỗi tháng và cắt giảm những khoản không cần thiết, đồng thời ưu tiên các hoạt động giải trí miễn phí hoặc ít tốn kém.
Bạn cần dành thời gian để vận động, ăn đúng bữa, ngủ đủ giấc và quan tâm đến việc chăm sóc bản thân. Hãy làm những điều nhỏ bé mang lại niềm vui cho bạn mà không cần tốn thêm chi phí.