Béo phì khiến trẻ đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2, bệnh tim mạch, trầm cảm. Ảnh: iStock. |
Theo Jamaica - Gleaner, tại Mỹ, khoảng 20% trẻ em từ 2 đến 19 tuổi đang chung sống với bệnh béo phì. Trong đó, gần 13% trẻ chưa đến 6 tuổi. Béo phì phổ biến hơn ở một số nhóm dân cư nhất định, bao gồm trẻ em từ các gia đình có thu nhập trung bình và những trẻ lớn lên trong nhà do người lớn có trình độ học vấn thấp hơn đứng đầu.
Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe đang chứng kiến sự khởi phát sớm hơn của bệnh tiểu đường type 2, bệnh tim, bệnh về mạch máu, trầm cảm liên quan đến béo phì và sự cô lập xã hội ở trẻ em, thanh thiếu niên. Một người bị béo phì càng lâu càng chịu nhiều nhiều yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh này.
Nguyên tắc giảm béo phì cho trẻ
Tiến sĩ Rivane Chybar Virgo, bác sĩ y khoa, đồng thời là huấn luyện viên sức khỏe, thể chất ở Mỹ, cho biết duy trì thói quen vận động là chìa khóa để trẻ có cân nặng hợp lý. Bên cạnh đó, cha mẹ nên hạn chế thời gian trẻ ngồi một chỗ trước máy tính, máy tính bảng hay điện thoại.
"Mục tiêu điều trị đối với trẻ em ở các độ tuổi khác nhau là không giống nhau. Ví dụ, đối với trẻ nhỏ, mục tiêu là duy trì cân nặng chứ không phải giảm cân vì chúng đang tăng chiều cao. Giảm cân nhanh chóng có thể gây ra những thay đổi trong quá trình trao đổi chất, ảnh hưởng đến sự phát triển và khả năng học tập của trẻ", bà nói.
Tiến sĩ Chybar Virgo cho biết điều trị bệnh béo phì ở trẻ em, thanh thiếu niên nên bắt đầu bằng việc giải quyết vấn đề dinh dưỡng và tập thể dục. Nếu bất chấp những biện pháp đó, tình trạng béo phì vẫn trở nên tồi tệ hơn hoặc trẻ phát triển các vấn đề sức khỏe liên quan đến cân nặng, người lớn có thể đề nghị liệu pháp tăng cường.
Ngoài các thay đổi chế độ ăn uống, cha mẹ nên hạn chế cho con ngồi trước màn hình TV, máy tính, điện thoại, tăng cường vận động để ngăn nguy cơ bị béo phì. Ảnh: Shutterstock. |
Phòng ngừa nguy cơ béo phì ở trẻ
Bà khuyến nghị các gia đình phòng ngừa thừa cân và béo phì ở trẻ em, thanh thiếu niên bằng cách:
• Người lớn dần dần thay đổi thói quen ăn uống, mức độ vận động của gia đình thay vì tập trung vào cân nặng của trẻ.
• Cha mẹ nên làm gương cho con. Cụ thể, phụ huynh cần ăn thực phẩm lành mạnh, tham gia hoạt động thể chất thường xuyên. Lúc đó, trẻ sẽ bắt chước và thực hành thói quen tương tự.
• Gia đình nên khuyến khích trẻ hoạt động thể chất. Trẻ em cần có 60 phút hoạt động thể chất vừa phải hầu hết ngày trong tuần. Ngoài ra, việc vận động thể chất hơn 60 phút/ngày có thể thúc đẩy giảm cân và duy trì cân nặng.
• Phụ huynh hướng dẫn con giảm thời gian ngồi trước màn hình điện thoại, máy tính và TV xuống dưới mức từ một đến hai giờ mỗi ngày.
• Cha mẹ khuyến khích trẻ em và thanh thiếu niên chỉ ăn khi đói và ăn chậm.
• Người lớn không dùng thức ăn làm phần thưởng hoặc cấm trẻ ăn như một hình phạt.
• Gia đình luôn đảm bảo tủ lạnh dự trữ sữa không béo hoặc ít béo, trái cây, rau quả tươi thay vì nước ngọt, đồ ăn nhẹ có nhiều đường và chất béo.
• Cho trẻ ăn ít nhất 5 phần trái cây và rau mỗi ngày.
• Cha mẹ khuyến khích trẻ em và thanh thiếu niên uống nước thay vì đồ uống có thêm đường, chẳng hạn nước ngọt, đồ uống thể thao và nước ép trái cây.
• Gia đình nên ăn cơm cùng nhau. Bữa ăn gia đình có thể tạo thói quen ăn uống lành mạnh hơn.
“Trẻ em thích vận động và vui chơi. Là người lớn, chúng ta phải trở thành tấm gương tốt, làm theo những gì chúng ta nói, khuyến khích trẻ học theo. Cha mẹ không thể có một lối sống ít vận động rồi yêu cầu con hoạt động thường xuyên. Nếu làm vậy, trẻ sẽ cảm thấy bối rối và không tôn trọng cha mẹ nữa”, tiến sĩ Chybar Virgo nói.
Tập thể dục, hoạt động nhẹ đến trung bình là điều cần thiết cho tất cả trẻ em, bất kể cân nặng của trẻ là bao nhiêu. Những trẻ được chẩn đoán mắc bệnh béo phì càng nên tập thể dục. Tuy nhiên, vị chuyên gia khuyên cha mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho con tham gia các hoạt động thể chất cường độ cao để đảm bảo an toàn cho trẻ.
“Khoa học khuyến nghị trẻ vận động ít nhất một giờ mỗi ngày. Trẻ béo phì thực sự có thể cần nhiều hơn. Một đứa trẻ phải mất 40 phút đi bộ nhanh để đốt cháy hết lượng calo trong một hộp nước trái cây”, bà nói.
Sách về nghề y
Tò mò về nghề y, về một nghề nghiệp luôn có tác động đến cuộc đời bạn nhưng luôn đầy những thông tin kỹ thuật khó hiểu? Đây là một số giới thiệu của mục Sức khỏe dành cho bạn:
Ký túc xá - Cá tốc ký: Cuốn sách kể về đời sống của sinh viên Đại học Y Hà Nội, chủ yếu xoay quanh đời sống ký túc xá, nơi tác giả đã trải qua tuổi trẻ cùng 10 thành viên khác trong phòng 110 E2.
Chạy trời không khỏi đau: Tập hợp các ghi chép của tác giả Adam Kay trong 6 năm hành nghề y từ 2004 đến 2010, cuốn sách là bản báo cáo không khoan nhượng về công việc của đội ngũ y tế của Vương quốc Anh đang làm việc ngày đêm nhưng chưa được nhìn nhận và tôn trọng đúng mức.