Trẻ tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời mà không được bảo vệ hoàn toàn có thể bị cháy nắng. Ảnh: Babyarabia. |
Chúng ta đều biết tầm quan trọng của việc chống nắng cho trẻ em (và người lớn). Dù đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa, em bé của bạn vẫn có thể bị cháy nắng. Trẻ nhỏ đặc biệt dễ bị tổn thương do tác hại của tia UV.
Tiến sĩ Debra M. Langlois, trợ lý giáo sư nhi khoa tại Đại học Michigan (Mỹ), cho biết trẻ có làn da mỏng manh và nhạy cảm. Nếu trẻ bị cháy nắng, đừng hoảng sợ.
Điều trị cháy nắng cho bé
Theo tạp chí Parents, các vết bỏng nắng có nhiều mức độ khác nhau, từ gây khó chịu nhẹ và mẩn đỏ đến đau, bong tróc và phồng rộp da. Cơn đau do cháy nắng thường kéo dài khoảng 48 giờ. Thực hiện theo các bước sau để giữ cho em bé của bạn thoải mái và ngăn ngừa thiệt hại:
Làm mát da
Tiến sĩ Alan Greene, bác sĩ nhi khoa ở Portola Valley, California (Mỹ), cho biết cha mẹ nên làm mát da cho con bằng cách chườm mát hoặc tắm nước ấm (có thể thêm một ít muối nở làm dịu hoặc bột tắm yến mạch).
Giữ ẩm
Tiến sĩ Greene cho biết tổn thương vẫn tiếp tục khi da trẻ bị khô. Chúng ta có thể chống lại tình trạng khô da bằng cách thoa kem dưỡng ẩm dịu nhẹ, không chứa cồn. Lô hội rất phổ biến để chữa cháy nắng, nhưng một số trẻ bị dị ứng với chúng. Do đó, tốt nhất bạn nên bỏ qua bước này nếu không chắc chắn.
Tiến sĩ Greene cũng gợi ý kem dưỡng ẩm có chứa vitamin E. Thoa kem dưỡng ẩm vài lần một ngày, đặc biệt là sau khi tắm và trước khi đi ngủ.
Sử dụng thuốc giảm đau, khi cần thiết
Nếu em bé bị cháy nắng đặc biệt nghiêm trọng kèm theo viêm da, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa về việc uống một liều ibuprofen (dành cho bé từ 6 tháng tuổi trở lên) để giảm sưng tấy và giảm đau.
Tiến sĩ Greene giải thích: "Ibuprofen hoạt động tốt nhất khi cơn đau do viêm (mô đỏ, mềm, nóng hoặc sưng). Nó có tác dụng chống viêm nên sẽ chấm dứt cơn đau tại vị trí viêm".
Acetaminophen cũng có thể có tác dụng, nhưng nó không giúp giảm viêm mà chỉ giảm đau.
Giúp trẻ thoải mái
Cha mẹ nên giữ trẻ tránh xa ánh nắng mặt trời cho đến khi tình trạng cháy nắng của trẻ tốt hơn. Hydrat hóa cũng rất quan trọng đối với quá trình chữa bệnh của bé. Mặc cho trẻ những loại vải mềm và nhiều lớp nhẹ không gây kích ứng da.
Ngoài ra, cha mẹ tuyệt đối không làm vỡ bất kỳ vết phồng rộp nào trên da bé, vì điều đó có thể làm hỏng da và để lại sẹo.
Bôi kem chống nắng cho trẻ mỗi 2 tiếng/lần để ngừa cháy nắng. Ảnh: Madeformums. |
Khi nào cần gọi bác sĩ?
Thông thường, cháy nắng ở trẻ không phải là vấn đề lớn, bạn nên gọi cho bác sĩ nếu con bạn dưới một tuổi. Ngoài ra, hãy cho bác sĩ biết nếu chúng bị nổi mụn nước, cảm thấy yếu hoặc ốm, kêu đau mắt hoặc vết bỏng có vẻ bị nhiễm trùng.
Các triệu chứng của vết bỏng bị nhiễm trùng bao gồm chảy mủ, vệt đỏ dữ dội và xấu đi sau 48 giờ. Mặc dù điều này rất hiếm khi xảy ra, bạn nên gọi cấp cứu nếu con bị ngất xỉu, mất phương hướng, không thể đứng dậy hoặc bạn gặp khó khăn khi đánh thức trẻ.
Ngăn ngừa cháy nắng cho bé
Các triệu chứng của cháy nắng - đau, phồng rộp và bong tróc - thường đi kèm với quấy khóc và chảy nước mắt. Tiến sĩ Adena Rosenblatt, bác sĩ da liễu nhi khoa tại Bệnh viện Nhi đồng Comer, Đại học Chicago (Mỹ), nhận định đó không phải là tất cả. Cháy nắng làm tăng nguy cơ ung thư da. Hầu hết tổn thương do ánh nắng mặt trời gây ra là khi họ 18 tuổi.
Để ngăn ngừa cháy nắng, hãy để bé tránh ánh nắng trực tiếp bất cứ khi nào có thể - đặc biệt là từ 10h đến 16h. Học viện Nhi khoa Mỹ khuyến nghị thoa kem chống nắng cho trẻ sơ sinh trên 6 tháng tuổi và bôi ngay cho trẻ nhỏ hơn ở những vùng tiếp xúc nếu chúng phải ở ngoài nắng.
Các lựa chọn tốt nhất là kem chống nắng vật lý dựa trên khoáng chất với hoạt chất kẽm oxit hoặc titan dioxit. Thoa lại kem chống nắng 2 giờ/lần hoặc sau khi bơi, đổ mồ hôi. Đồng thời, cha mẹ cần tìm hiểu xem có thuốc nào của bé làm tăng độ nhạy cảm với ánh nắng mặt trời hay không (ví dụ một số loại thuốc kháng sinh).
Bất cứ khi nào đi ra ngoài, bạn cũng nên cho trẻ mặc quần áo chống nắng như quần nhẹ, áo dài tay và mũ rộng vành. Tìm bóng râm bất cứ khi nào có thể để tận hưởng không khí trong lành mà không phải tiếp xúc các tia có hại của mặt trời.
Làm thế nào để tránh cho con bạn không bị bỏng, điện giật? Biện pháp nào giúp bảo vệ đường ruột của trẻ? Hay trẻ nhỏ có bị đau nhức xương như người lớn hay không?... Đây là những băn khoăn phổ biến mà mọi cha mẹ đều quan tâm.
Cuốn sách Bác sĩ tốt nhất của nhà mình của tác giả Trần Quốc Khánh sẽ giải đáp những thắc mắc đó. Ngoài ra, cuốn sách tập hợp những lời khuyên, chia sẻ kinh nghiệm để phòng ngừa các bệnh thường gặp. Ở đó, nhiều kiến thức y học được bác sĩ Khánh lồng ghép những câu chuyện từ đời thực.