Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Cách ly F1 tại nhà là hợp lý nhưng phải thật nghiêm'

Theo các chuyên gia, giải pháp cách ly F1 tại nhà là hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện và giám sát chặt người thuộc diện này.

Vừa qua, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đã đề xuất việc thí điểm cho F1 cách ly tại nhà, giám sát bằng công nghệ trong bối cảnh Bắc Giang, Bắc Ninh liên tiếp ghi nhận số lượng lớn ca mắc Covid-19.

Theo các chuyên gia, giải pháp này khá hợp lý trong bối cảnh hiện tại. Tuy nhiên, nếu không đảm bảo thực hiện nghiêm các nguyên tắc phòng dịch, việc này sẽ mang đến nguy cơ lây nhiễm lớn.

Vì sao nên cách ly F1 tại nhà?

Trao đổi với Zing, Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nhận định dịch Covid-19 đang diễn ra khá phức tạp tại các khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh. Do đó, khi xuất hiện F0, các bệnh nhân này có thể lây lan virus sang rất nhiều trường hợp F1.

"Theo quy định của Bộ Y tế hiện nay, tất cả F1 phải được cách ly tập trung. Tuy nhiên, với số lượng F1 quá lớn, chúng ta sẽ đối mặt với nguy cơ quá tải. Bên cạnh việc không đủ chỗ cách ly, các yêu cầu về phục vụ, đồ ăn, sinh hoạt cũng khó để đảm bảo", ông Phu nói.

cach ly F1 tai nha anh 1

PGS Trần Đắc Phu nhận định cách ly F1 tại nhà thời điểm này là hợp lý nhưng cần thực hiện nghiêm. Ảnh: Hoàng Hà.

Ngoài ra, với diễn biến dịch phức tạp cùng số lượng F0, F1 lớn, việc phòng bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn trong khu cách ly tập trung cũng là vấn đề lớn.

Theo vị chuyên gia này, nếu công tác phòng, chống dịch bệnh trong khu cách ly tập trung không tốt khi số lượng tăng nhanh, chúng ta khó có thể đảm bảo an toàn cho người dân. Nguy cơ lây nhiễm chéo lúc này là rất cao.

Do đó, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhận định: "Ở thời điểm này, tôi cho rằng việc để các trường hợp F1 cách ly tại nhà là hợp lý. Tuy nhiên, điều đó phải được thực hiện tuyệt đối nghiêm ngặt".

F1 cách ly tại nhà thế nào?

Theo PGS Trần Đắc Phu, Việt Nam có thể phân loại các trường hợp liên quan ca mắc Covid-19 để đưa ra biện pháp cách ly phù hợp.

"Với những người có nguy cơ cao, tiếp xúc rất gần F0, chúng ta có thể vẫn đưa họ đi cách ly tập trung để đảm đảm bảo an toàn. Trong khi đó, những trường hợp F1 nhưng nguy cơ không quá lớn có thể được cách ly tại nhà nhưng đảm bảo phải thực hiện nghiêm hướng dẫn phòng dịch", vị chuyên gia này cho hay.

Theo ông Phu, nếu người dân không thực hiện nghiêm, việc quản lý không tốt, những trường hợp F1 trở thành F0 có thể nhanh chóng lây cho người nhà và lan ra cộng đồng.

Cụ thể, Bộ Y tế đã có hướng dẫn về việc cách ly y tế tại nhà. Người dân phải đảm bảo tuân thủ việc tiếp xúc, đeo khẩu trang, khử khuẩn..., thậm chí quy định về xử lý rác thải y tế. Ngoài ra, chính quyền địa phương, tổ Covid-19 cộng đồng cũng phải hướng dẫn chi tiết cho người dân, đồng thời kiểm tra, theo dõi những trường hợp cách ly tại nhà.

Ông Phu nhấn mạnh: "Vấn đề đặt ra cho việc cách ly F1 tại nhà là với những trường hợp vi phạm, chính quyền địa phương khi phát hiện phải xử lý nghiêm. Như vậy, chúng ta mới có thể thực hiện tốt giải pháp này".

cach ly F1 tai nha anh 2

Tổ Covid-19 cộng đồng kiểm soát dịch tại TP.HCM. Ảnh: Hoàng Giám.

Đồng quan điểm, Phó giáo sư Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội), cho rằng giải pháp cách ly F1 tại nhà là phù hợp trong bối cảnh các khu cách ly tập trung quá tải. Tuy nhiên, ông cho rằng Việt Nam phải đảm bảo đủ 4 điều kiện khi thực hiện giải pháp này.

Đầu tiên, người được cách ly phải có kiến thức về dịch Covid-19, đồng thời đảm bảo thái độ và thực hành phòng tránh lây nhiễm tốt. Theo ông, so với một năm trước, kiến thức, thái độ và việc thực hành phòng, chống dịch của người dân Việt Nam đã tốt hơn khá nhiều.

Thứ hai, khu vực nhà ở để cách ly phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, đặc biệt là phòng riêng. Hiện nay, nhiều gia đình ở Việt Nam cũng có thể đáp ứng những yêu cầu này.

Thứ ba, PGS Nhung nhấn mạnh về kiến thức, thái độ của người phục vụ. Cụ thể, gia đình, người thân khi phục vụ, hỗ trợ trường hợp phải cách ly cần được phổ biến kỹ về nguyên tắc phòng dịch.

"Chúng ta tuyệt đối không để xảy ra hiện tượng du di, tình cảm khi có người trong gia đình phải cách ly. Một vài phút chủ quan cũng có thể khiến virus nhanh chóng lây lan ra người nhà và cộng đồng", ông Nhung nói.

Thứ tư, chúng ta phải có những phương tiện để đảm bảo kiểm tra, giám sát người cách ly luôn tuân thủ đúng hướng dẫn.

Theo Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Việt Nam có khá nhiều trang thiết bị giám sát, camera hiện đại. Nhờ đó, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm tra được người dân có thực hiện đúng hay không. Ngoài ra, những người xung quanh, hàng xóm cũng có thể trực tiếp giám sát, đảm bảo việc cách ly hiệu quả.

"Nguyên lý của việc phòng dịch là tách được nguồn lây hoặc những người nguy cơ trở thành F0 ra khỏi cộng đồng, từ đó 'chặt đứt' dây chuyền lây nhiễm của virus. Do đó, nếu đảm bảo đủ 4 yếu tố trên, việc cách ly F1 tại nhà có thể đảm bảo an toàn và hỗ trợ tốt cho công tác phòng, chống dịch của cả nước", ông Nhung nói.

Tuy nhiên, các chuyên gia này đều cho rằng trước mắt, Việt Nam vẫn cần tổ chức thí điểm việc cách ly F1 tại nhà trên một số khu vực nhỏ để đảm bảo hiệu quả và mức độ an toàn trước khi đưa ra quy định cụ thể trên cả nước.

Hai nguồn lây có thể khiến dịch Covid-19 bùng phát ở TP.HCM

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhận định hiện tại, số lượng người từ các địa phương có dịch Covid-19 đến thành phố rất đông. Vì vậy, nguồn lây nhiễm trực tiếp này là nguy cơ lớn.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm