Theo thống kê tại Cổng Thông tin Tiêm chủng Covid-19, Hà Nội đến nay đã tiêm được tổng cộng 11.234.510 mũi vaccine cho người dân. Qua đó, 82,44% người trên 18 tuổi sống tại Hà Nội đã hoàn thành 2 mũi vaccine phòng Covid-19. Tỷ lệ này tương đương với TP.HCM (82,62%).
Chỉ số | Hà Nội | TP.HCM |
Trung bình số ca mắc cộng đồng/100.000 dân/tuần | 3,38 | 97,91 |
Tổng số mũi tiêm đã thực hiện | 11.234.410 mũi | 13.822.974 mũi |
Tỷ lệ mũi một | 98,76% | 109,13% |
Tỷ lệ mũi 2 | 82,44% | 82,62% |
Trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, TP.HCM, địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của SARS-CoV-2, đã thí điểm và áp dụng thành công việc tổ chức cách ly F1 tại nhà, thậm chí cho F0 diễn biến nhẹ tự điều theo dõi, điều trị ở nơi cư trú.
Với cùng đặc điểm “đất chật người đông” cũng như tỷ lệ tiêm chủng tương tự TP.HCM, cộng thêm tình hình dịch Covid-19 đang có chiều hướng phức tạp, các chuyên gia nhận định Hà Nội cần nhanh chóng cho người dân cách ly tại nhà.
Việc cần làm ngay
Trao đổi với báo chí ngày 16/11, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết tình hình dịch bệnh trên cả nước và Hà Nội tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca mắc đang gia tăng mạnh.
Từ đây, ông Dũng yêu cầu các địa phương thuộc Hà Nội phải triển khai, diễn tập thí điểm cách ly F1 tại nhà; thí điểm điều trị F0 thể nhẹ và không triệu chứng tại cơ sở y tế phường, xã, thị trấn. UBND thành phố sẽ sớm ban hành quy định về điều kiện cách ly y tế F1 tại nhà.
Trước đó, bà Lã Thị Lan, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho biết đến nay, các quận, huyện trên địa bàn thành phố mới chỉ đang thực hiện cách ly tại nhà đối với các nhóm đối tượng nguy cơ cao gồm trẻ em, người già, người mắc bệnh nền và phụ nữ có thai theo quy định của Bộ Y tế.
Ngoài ra, việc tổ chức cho người dân cách ly tại nhà vẫn chưa có quy định và cần chỉ đạo chính thức từ UBND thành phố.
Người dân tại Hà Nội được khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: Việt Linh. |
Trả lời Zing sáng cùng ngày, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nhận định: “Tổ chức cách ly F1 tại nhà là việc Hà Nội phải làm ngay nếu không có lý do nào khác ngoài vấn đề chuyên môn”.
Theo ông Nga, việc giữ nguyên phương pháp cách ly tập trung như hiện nay sẽ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm chéo cao hơn.
Ông nói: “Qua quan sát thời gian gần đây, chúng ta có thể thấy rõ số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Hà Nội tăng cao phần lớn đến từ các khu cách ly tập trung”.
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cũng nhấn mạnh nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đều đã triển khai cách ly F1 tại nhà để đảm bảo hiệu quả phòng dịch. Nhiều địa phương thậm chí để F0 diễn biến nhẹ, không có triệu chứng tự theo dõi và điều trị ở nơi cư trú. Do đó, Hà Nội cũng nên sớm triển khai việc này, nhất là khi thành phố đã có những thành công nhất định trong việc tiêm chủng vaccine.
“Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Hà Nội cũng cần linh hoạt với từng trường hợp. Những người có đủ điều kiện cơ sở vật chất, phòng riêng, người chăm sóc thì nên cho họ cách ly tại nhà. Ngược lại, những trường hợp không có không gian đảm bảo yêu cầu nên được đưa đi cách ly tập trung”, PGS Nga lưu ý.
Theo ông, hiệu quả của việc triển khai cách ly tại nhà sẽ phụ thuốc rất lớn vào chính quyền địa phương, phương pháp quản lý và giám sát.
Ngoài ra, Hà Nội cũng đã có kế hoạch thành lập các trạm y tế lưu động và dừng việc đưa F0 diễn biến nhẹ, không triệu chứng vào bệnh viện điều trị tập trung. PGS Nga cho rằng đây là chính sách phù hợp, sẽ hỗ trợ tốt cho người dân và giúp những trường hợp F0 yên tâm hơn khi tự theo dõi tại nhà.
Nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung
Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, một trong những nguyên nhân khiến nhiều trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong khu cách ly thời gian qua là họ đã nhiễm virus từ trước nhưng chưa được phát hiện thông qua xét nghiệm lần đầu tiên. Chỉ tới khi được lấy mẫu các lần sau đó tại khu cách ly, những người này mới cho kết quả dương tính.
“Tuy nhiên, tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly là rất rõ ràng và đã xảy ra. Nguyên nhân dễ thấy nhất là chúng ta không đủ điều kiện để đảm bảo an toàn trong khu cách ly tập trung. Tình trạng 4-5 người cách ly trong cùng một phòng vẫn rất phổ biến. Khi đó, một người nhiễm nCoV có thể nhanh chóng lây cho những thành viên còn lại trong phòng”, vị chuyên gia này giải thích.
Tỷ lệ ca nhiễm nCoV trong khu cách ly tập trung tại Hà Nội thời gian qua | ||||||
Nguồn: Sở Y tế Hà Nội | ||||||
Nhãn | 12/11 | 13/11 | 14/11 | 15/11 | 16/11 | |
Tỷ lệ ca nhiễm trong khu cách ly | % | 66 | 52 | 59.7 | 61.6 | 74 |
Người dân tại một ổ dịch trên địa bàn Hà Nội được đưa tới khu cách ly tập trung. Ảnh: Nhật Sinh. |
Ngoài ra, một vấn đề khác cũng mang đến nguy cơ lây nhiễm trong khu cách ly tập trung là khu vực tắm rửa, vệ sinh được các phòng sử dụng chung tại nhiều nơi.
Theo Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, lo ngại về nguy cơ lây nhiễm chéo cũng là một trong những lý do khiến nhiều người dân ngại đi cách ly tập trung, thậm chí có hành vi chống đối, không khai báo y tế.
“Ví dụ trường hợp nhiễm nCoV và từng qua nhà một người bạn chơi. F0 này sẽ có suy nghĩ nếu khai báo y tế, cả gia đình của người bạn kia sẽ phải đi cách ly tập trung. Phía gia đình đó cũng có thể gây áp lực lên F0 để người này không khai báo. Điều này mang đến mối nguy lớn cho cộng đồng”, PGS Hùng đưa ra giả thiết.
Ông đánh giá giải pháp cách ly tập trung chưa thực sự tối ưu, nhất là trong bối cảnh chúng ta cần phát huy tối đa vai trò của người dân trong phòng, chống dịch.