Zing trích dịch bài đăng trên The Jakarta Post, đề cập tới câu chuyện của người dân Indonesia trong những ngày cách ly xã hội để ngăn ngừa sự lây lan của dịch Covid-19. Một số sợ bị nhiễm virus. Số khác quen biết ai đó đã chết vì căn bệnh này. Một số không thể đến thăm người thân hoặc bạn bè đang mắc bệnh. Tất cả gây ra cảm giác lo lắng và chán nản.
Ở nhà cách ly xã hội là mấu chốt để hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong khi nhiều người Indonesia thích ứng tốt với việc tự cô lập ở nhà, số khác lại cảm thấy đây là điều quá khó khăn.
Indiana Malia (27 tuổi) - phóng viên một cổng thông tin địa phương ở Jakarta - đã quá quen với việc di chuyển và làm việc bên ngoài cho đến tháng trước, khi cơ quan của cô yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà theo khuyến cáo của chính phủ.
Đối với cô, 3 tuần vừa qua thật sự khó khăn khi phải sinh hoạt, làm việc trong ngôi nhà nhỏ thuê ở Tây Jakarta.
“Cảm giác căng thẳng đến nỗi hôm trước, tôi phát hiện mình bắt đầu nói chuyện với những con mèo hoang trong khu phố”, Indiana nói.
Là một phóng viên, Indiana cần theo dõi những diễn biến mới nhất của dịch Covid-19. Nhưng dòng tin tức cập nhật từng phút, cộng với khả năng di chuyển hạn chế đã ảnh hưởng đến sức khỏe của cô.
“Nhưng tôi có thể làm gì. Đó là công việc của tôi”, Indiana nói.
Cô chia sẻ thêm: “Vào cuối tuần, tôi dẹp mọi thứ liên quan đến công việc và đại dịch. Tôi chỉ đơn giản tận hưởng thời gian nghỉ ngơi và đắm chìm vào loạt phim truyền hình Hàn Quốc”.
Một hành khách đơn độc trên chuyến tàu điện ngầm ở Jakarta hôm 9/4. Các ghế ngồi được đánh dấu nhằm duy trì khoảng cách an toàn giữa người với người trong đại dịch. Ảnh: The Jakarta Post. |
Anna Surti Ariani - chủ tịch Hiệp hội các nhà tâm lý học lâm sàng Indonesia (IPK) tại Jakarta - cho biết người hướng ngoại và hướng nội có xu hướng phản ứng khác nhau với sự tự cô lập trong thời gian dài.
“Một số yếu tố nhất định, chẳng hạn thói quen trong cuộc sống và công việc, môi trường xung quanh và sự giao tiếp trong gia đình, đóng vai trò quan trọng trong việc xác định mức độ tổn thương tâm lý mà một người gặp phải khi cách ly xã hội”, bà cho biết.
IPK phát hiện nhiều người cảm thấy căng thẳng vì không được duy trì những thói quen hàng ngày như mang giày, trang điểm hoặc đi chơi với bạn bè.
“Người dân ở Jakarta đặc biệt lo lắng hơn. Một số sợ bị nhiễm virus. Số khác quen biết ai đó đã chết vì căn bệnh này. Một số không thể đến thăm bạn bè hoặc thành viên gia đình đang mắc bệnh. Tất cả gây ra cảm giác lo lắng và chán nản”.
Jakarta hiện là tâm dịch Covid-19 ở Indonesia với 1.369 ca nhiễm được xác nhận và 106 trường hợp tử vong tính đến chiều 7/4.
Cũng trong ngày 7/4, Bộ Y tế đã phê duyệt đề xuất của chính quyền Jakarta về việc thực hiện cách ly xã hội quy mô lớn (PSBB) tại thủ đô. Đây cũng là khu vực tiên phong áp dụng biện pháp này để ngăn chặn dịch bệnh.
“Thật khó để làm việc ở nhà mỗi ngày”
Không chỉ cư dân Jakarta, nhiều người sống ở các khu vực khác trên khắp Indonesia cũng cảm thấy quá tải và mất kết nối khi tự cô lập từ cuối tháng 3.
Chris Nugraheni (26 tuổi) - giáo viên ở thành phố Semarang, Trung Java - nói rằng việc không thể lên lớp dạy học sinh, cũng như sống xa chồng và gia đình khiến cô cảm thấy cô đơn hơn giữa đại dịch.
Chồng của Chris sống và làm việc tại thành phố Pasuruan, Đông Java, trong khi hầu hết thành viên trong gia đình cô sống ở thị trấn Sleman, Yogyakarta.
Mặc dù ngày nào cũng liên lạc với người thân, Chris nói rằng cô bắt đầu có cảm giác ức chế, cáu gắt khi phải sống một mình trong căn phòng thuê yên tĩnh ở Semarang giữa lúc dịch bệnh bùng phát.
“Thật khó để làm việc ở nhà mỗi ngày. Tôi không quen dành phần lớn thời gian ngồi trước laptop để chuẩn bị bài giảng trực tuyến cho học sinh. Tôi nhớ cảm giác đứng trên bục giảng. Tôi muốn được gặp trực tiếp mọi người”, cô nói.
Sống trong cảnh tự cô lập còn khó khăn hơn đối với Chris bởi cô đang mang thai con đầu lòng ở tuần thứ 9.
“Tôi cảm thấy mệt mỏi và buồn nôn triền miên. Nhưng vì phải tự chăm sóc bản thân, tôi thường xuyên ra ngoài để mua đồ ăn và thuốc men”.
Hành khách tại một trạm xe buýt ở thủ đô Jakarta hôm 24/3. Ảnh: Reuters. |
Chủ tịch IPK cho biết các nhà tâm lý học ở thủ đô Jakarta đã chứng kiến sự gia tăng về nhu cầu tư vấn sức khỏe tâm thần giữa dịch Covid-19.
Hiệp hội, phối hợp với hơn 80 nhà tâm lý học, tổ chức nhiều buổi tư vấn trực tuyến miễn phí vào các ngày trong tuần cho những ai điền đơn đăng ký qua mạng.
Ứng dụng gọi video được sử dụng để kết nối các nhà tâm lý học và người dân.
“Chỉ riêng tuần trước, chúng tôi đã giúp đỡ 131 người”, bà Anna Surti Ariani cho biết.
Bà khuyên những người bắt đầu cảm thấy chán nản trong quá trình tự cô lập nên bắt đầu xác định những thay đổi nào trong cuộc sống khiến họ bị quá tải.
“Thỉnh thoảng, mọi người nên tránh xa điện thoại di động và mạng xã hội để nghỉ ngơi trước làn sóng tin tức dày đặc. Thay vào đó, họ nên tận hưởng thời gian này để thư giãn”, Anna nói.
Ở Tây Java - tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 chỉ sau Jakarta, chính quyền phối hợp với một nhóm tình nguyện viên, nhà tâm lý học, bác sĩ tâm thần từ Viện Công nghệ Bandung (ITB), Đại học Padjajaran và một số bệnh viện để tư vấn trực tuyến miễn phí cho người dân trong đại dịch.
Bác sĩ tâm thần Teddy Hidayat - phát ngôn viên của nhóm nghiên cứu - cho biết việc can thiệp tâm lý xã hội trong đại dịch rất quan trọng để giảm lo lắng, căng thẳng và duy trì hệ thống miễn dịch mạnh mẽ.
Ông kêu gọi mọi người, trong thời gian cách ly xã hội, giữ liên lạc với gia đình, bạn bè, đặc biệt thông qua các cuộc gọi video hoặc điện thoại. Bởi giao tiếp bằng lời nói giúp mọi người cảm thấy kết nối với người khác nhiều hơn là nhắn tin.