Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cách một đại học có tên Oxford ở Anh kiếm bộn tiền từ sinh viên

Đại học Kinh doanh Oxford (Oxford Business College) và nhiều trường tương tự khác ở Anh đã kiếm được hàng triệu USD, chủ yếu nhờ tuyển sinh viên nhập cư.

dai hoc o Anh anh 1

Các nhân viên tuyển sinh đến khu phố của dân nhập cư, gõ cửa hoặc bắt chuyện với mọi người ở trung tâm mua sắm. Họ lăng xê giá trị của chương trình giáo dục tại một trường kinh doanh và đính kèm ưu đãi đáng ngạc nhiên: Học viên mới sẽ được tặng tiền.

Tin tức về cơ hội này đã lan truyền rộng rãi với sự góp sức của các nhóm Facebook và lời truyền miệng. Nhiều gia đình đã ghi danh, qua đó giúp biến một trường dạy nghề gồm 41 học viên trên đỉnh một nhà hàng Trung Quốc thành tổ chức giáo dục vì lợi nhuận, hiện có vài cơ sở và hơn 8.000 sinh viên.

Hồ sơ của ngôi trường ấy, có tên Oxford Business College, cho thấy quá trình chuyển đổi đó đã mang lại hàng triệu USD cho chủ sở hữu. Nhưng dù trong tên có chữ "Oxford", cơ sở giáo dục này không có liên quan tới ngôi trường danh giá của Anh.

Những thay đổi theo hướng thị trường tự do trong nhiều năm đối với giáo dục đại học của Anh đã tạo cơ hội cho các trường vì lợi nhuận như Oxford Business College. Nhưng cách những ngôi trường này kiếm doanh thu tạo ra một số lo ngại, theo New York Times.

"Cứ cho anh ta đỗ"

Thông qua thỏa thuận hợp tác còn không rõ ràng với các trường đại học nhận tài trợ từ chính phủ, các trường vì lợi nhuận như Oxford Business College có thể cấp bằng đại học và nhận được hỗ trợ sinh viên từ chính phủ Anh.

Một số trường được quảng cáo là con đường lấy bằng cấp dễ dàng và là cách kiếm tiền nhanh, dưới dạng khoản vay chính phủ khoảng 16.000 USD/năm để sinh viên trang trải chi phí sinh hoạt.

“Hãy ghi danh vào một trường đại học để nhận được tới 18.500 bảng Anh (23.000 USD), không yêu cầu bằng cấp”, một quảng cáo trên Facebook viết. Hàng chục bài đăng ẩn danh tương tự xuất hiện trên các nhóm Facebook dành cho người Đông Âu ở Anh.

Các chuyên gia giáo dục đại học nhận định sự hợp tác giữa các trường đại học công và các trường vì lợi nhuận như Oxford Business College có thể giúp những sinh viên lớn tuổi và sinh viên ở những khu vực kém phát triển có được sự nghiệp tốt hơn.

Một số sinh viên cho biết trường đại học Oxford Business College mang đến những cơ hội mà họ lẽ ra không thể có. Một cuộc khảo sát sinh viên toàn quốc cho thấy tỷ lệ ủng hộ cao dành cho ngôi trường này.

Theo New York Times, nhiều quan hệ đối tác chỉ mới được xác lập nên rất khó để xác định liệu chúng có giúp sinh viên kiếm được việc làm được trả lương cao hơn sau khi tốt nghiệp hay không. Dữ liệu nhìn chung là chưa rõ ràng.

Nhưng điều hiển hiện ở đây là việc nhiều ngôi trường kiếm ra tiền nhờ tham gia vào một khu vực đang phát triển nhanh trong hệ thống đại học nổi tiếng của nước Anh, nhưng khu vực này hiện chưa được giám sát chặt chẽ. Điều đó khiến hệ thống dễ bị trục lợi, các nhà quản lý nhận định.

dai hoc o Anh anh 2

Con phố nơi một cựu nhân viên tuyển sinh từng đi qua và kêu gọi mọi người ghi danh vào trường Oxford Business College. Ảnh: New York Times.

Oxford Business College có ít nhất ba thỏa thuận hợp tác với các trường đại học công. Đối với mỗi sinh viên mới được nhận theo các thỏa thuận này, cả trường đại học và đối tác đều được hưởng lợi từ học phí sinh viên chi trả.

Điều đó đã tạo ra động lực rất lớn để tuyển sinh. Các nhân viên tuyển sinh cho biết họ được trả tiền dựa trên số sinh viên ghi danh. Thậm chí, một số sinh viên nói tiếng Anh trầy trật cũng vẫn được nhận vào trường, theo nhiều nguồn tin.

Ngay cả những ứng viên đã đạo văn câu trả lời trong các bài kiểm tra đầu vào cũng được trao cơ hội thứ hai hoặc thậm chí được đi bước tiếp theo trong quy trình tuyển sinh.

“Anh ta đã sao chép câu trả lời từ nguồn trực tuyến”, một người phỏng vấn - người chịu trách nhiệm kiểm tra tiếng Anh của sinh viên - viết trong tin nhắn gửi tới người giám sát.

“Cứ để anh ta đỗ”, người giám sát trả lời.

Nhiều sinh viên cho biết họ rất vui khi có cơ hội học các nguyên tắc kinh doanh và cải thiện tiếng Anh. Tuy nhiên, nhiều người khác tự hỏi làm thế nào họ có thể trả các khoản vay và liệu trường có chuẩn bị đầy đủ hành trang để họ có công việc tốt.

Trong câu trả lời bằng văn bản, Oxford Business College cho biết họ cung cấp các cơ hội giáo dục cho một nhóm sinh viên đa dạng. Padmesh Gupta, giám đốc của trường, nói rằng họ có các tiêu chuẩn tuyển sinh chặt chẽ, phù hợp với các đối tác và từ chối 60% số sinh viên nộp đơn.

Trong một bản ghi nhớ vào tháng 10/2022, Văn phòng Sinh viên Anh - cơ quan quản lý giáo dục đại học - khẳng định các thỏa thuận hợp tác đó có nguy cơ bị lợi dụng. Sinh viên cũng có thể bỏ túi các khoản vay để trang trải chi phí sinh hoạt mà không có ý định học tập thực sự.

Oxford Business College còn tặng cho sinh viên của mình một “tấm vé vàng” trị giá 250 bảng (khoảng 310 USD) với mỗi người ghi danh qua lời giới thiệu của sinh viên ấy. Trong khi đó, cách làm này bị cấm ở một số nước, như Mỹ.

Một sinh viên cho biết cô đã giới thiệu hàng chục người, bao gồm cả chồng cô. Người chồng cho biết mình không lên lớp học và chỉ ghi danh để nhận hỗ trợ sinh viên của chính phủ. Bài vở ở trường của anh do vợ làm hộ.

Theo New York Times, mô hình kinh doanh như trên chủ yếu thành công nhờ cách thức nước Anh tài trợ cho giáo dục đại học. Giáo dục đại học từng được miễn phí phần lớn do được chính phủ tài trợ trực tiếp. Điều đó đã dần được thay thế bằng học phí và các khoản vay sinh viên.

Những khoản vay đó bao gồm học phí và chi phí sinh hoạt. Sinh viên chỉ được yêu cầu hoàn trả số tiền đó sau khi kiếm được 34.000 USD/năm.

Lợi nhuận tăng mạnh

Mối quan hệ đối tác với Đại học New Buckinghamshire vào năm 2019 đã thúc đẩy quá trình lột xác của Oxford Business College. Trường New Buckinghamshire lúc này cho biết họ “không thấy có chứng cứ về hành vi sai trái”, nhưng sẽ tạm dừng tuyển sinh thông qua trường đối tác.

Họ cũng sẽ chỉ định nhân viên giám sát các chương trình tuyển dụng và học tập của Oxford Business College.

Trong khi đó, Đại học West London, một đối tác khác, cho biết họ tự tin rằng sinh viên của mình tại Oxford Business College đáp ứng các tiêu chuẩn nhập học tương tự.

Từ nhiều năm trước, trường đại học công và các trường khác ở Anh đã có thể xác lập quan hệ đối tác, còn được gọi là thỏa thuận nhượng quyền thương mại.

Nhưng phải tới gần đây, dạng thỏa thuận ấy mới sinh lời lớn cho các trường cao đẳng và là cứu tinh của các trường đại học, chuyên gia đánh giá.

Lý giải cho hiện tượng ấy, New York Times chỉ ra nguyên nhân nằm ở chỗ viện trợ trực tiếp của chính phủ hầu như đã cạn kiệt và học phí bị áp mức trần theo luật. Do đó, các trường đại học, đặc biệt là những trường không thể thu hút sinh viên quốc tế, phải chật vật tìm doanh thu.

dai hoc o Anh anh 3

Doanh thu của Oxford Business College tăng nhanh. Ảnh: New York Times.

Mark Leach, người sáng lập tổ chức nghiên cứu giáo dục đại học Wonkhe, cho biết: “Thị trường đã trở nên cạnh tranh và khốc liệt hơn rất nhiều”. Ông gọi sự gia tăng gần như không kiểm soát của các trường học vì lợi nhuận thông qua nhượng quyền thương mại là một thất bại chính sách.

Một năm trước khi hai bên ký thỏa thuận hợp tác, Oxford Business College chỉ có khoảng 25.000 bảng trong ngân hàng, trong khi Buckinghamshire hoạt động thua lỗ.

Một năm sau đó, Oxford Business College có trong tay hơn một triệu bảng và Buckinghamshire hoạt động có lãi, nhờ chiến lược tăng trưởng bao gồm nhượng quyền thương mại. Theo những thỏa thuận này, sinh viên theo học Oxford Business College sẽ tốt nghiệp với bằng cấp từ một trường đại học đối tác.

New York Times cho biết rất khó để đánh giá kết quả của một chương trình giáo dục đại học tại Oxford Business College do sinh viên nhập học vào năm 2019 chỉ mới vừa tốt nghiệp.

Ngôi trường này đang hoạt động tốt. Vào năm 2022, họ kiếm được khoảng 6 triệu bảng Anh và có khoảng 15 triệu bảng Anh trong ngân hàng, hồ sơ cho thấy.

Trả lời phỏng vấn, một số sinh viên Oxford Business College nói họ hài lòng với giáo viên và chương trình của trường. Nhưng nhiều người khác cho biết thật khó để phát triển bản thân khi các bạn cùng lớp dường như đi học chỉ vì tiền hoặc thậm chí nói tiếng Anh còn kém.

“Hồi đầu, một số người trong lớp không nói được tiếng Anh. Đây là trường đại học kiểu gì vậy”, Lidia Lei, sinh viên năm ba đến từ Đông Timor, đặt câu hỏi.

Lei chuẩn bị tốt nghiệp năm nay với bằng quản lý kinh doanh của Đại học New Buckinghamshire. Cô đặt câu hỏi liệu trình độ học vấn của mình có xứng đáng với món nợ đó hay không và liệu nó có giúp cô có được sự nghiệp tốt hay không.

Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế

Mục Thế giới giới thiệu cuốn “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.

> Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Tổ chức 'lobby' kinh doanh lớn nhất của Anh ra quyết định đau đớn

Tổ chức vận động hành lang kinh doanh lớn nhất của Anh hôm 2/6 xác nhận kế hoạch cắt giảm nhân viên sau khi các cáo buộc quấy rối tình dục khiến nhiều thành viên bỏ việc.

Người trúng số 2 tỷ USD thuê vệ sĩ bảo vệ 24/7

Người trúng xổ số giàu nhất thế giới đã thuê một đội vệ sĩ gồm ba người để bảo vệ anh ta 24/7.

Vân Đinh

Bạn có thể quan tâm