Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Bài học khiến cả thế giới chú ý từ khách sạn trong thảm họa ở Đài Loan

Một khách sạn ở miền núi của Đài Loan đã trở thành điểm tạm lánh của hơn 600 người bị cô lập vì động đất ngày 3/4. Đây là cách họ phục vụ cho các nạn nhân.

Sáng 3/4, một trận động đất mạnh 7,4 độ làm rung chuyển thành phố Hoa Liên ở phía Đông Đài Loan (Trung Quốc). Trận động đất có cường độ mạnh nhất trong vòng 25 năm ở Đài Loan đã khiến 176 tòa nhà bị hư hại, hơn 1.000 người bị thương và 17 người thiệt mạng.

Nhà điều hành điện lực Đài Loan - Taipower - cho biết động đất làm hơn 91.000 hộ gia đình trên khắp khu vực mất điện trong khi các tuyến đường bị hư hại dẫn đến nhiều người dân bị mắc kẹt, cô lập và phải tạm sống trong các tòa nhà lân cận.

Khách sạn Silks Hotel Group là một trong những điểm tạm lánh hỗ trợ nhiều người dân nhất khu vực với hơn 600 nạn nhân được chăm sóc. Đặc biệt, cách mà các nhân viên ở đây phục vụ nạn nhân đã trở thành vấn đề gây chú ý sau hơn 4 tháng từ khi động đất xảy ra.

Hỗ trợ 600 người

Silks Hotel Group nằm trên sườn núi ở gần công viên Taroko (Hoa Liên, Đài Loan). Đây là khách sạn được thành lập vào những năm 1990 và đang giữ danh hiệu tập đoàn khách sạn lớn nhất Đài Loan.

Khi trận động đất mạnh nhất trong 25 năm tấn công Hoa Liên, các tuyến đường nối giữa khách sạn và thành phố bị hư hại và không thể sử dụng. Các nhân viên và hàng trăm khách hàng đang lưu trú tại đây bị cô lập suốt bốn ngày.

Chia sẻ trên Nikkei Asia, ông Steven Pan - Giám đốc điều hành Tập đoàn khách sạn - cho biết phản ứng đầu tiên của đội ngũ nhân viên tại đó là liên lạc với người nhà nhân viên và các vị khách đang lưu trú. “Mọi người sẽ an tâm hơn khi biết người thân vẫn an toàn, nhất là khi họ đang bị cô lập”, ông cho biết.

dong dat o Dai Loan anh 1

Nhân viên khách sạn hỗ trợ dọn dẹp bãi đậu xe để tạo không gian cho trực thăng hạ cánh khẩn cấp. Ảnh: Jackie Chao.

Sau đó, các đơn vị ứng phó khẩn cấp của khách sạn lên kế hoạch sử dụng thực phẩm chi tiết nhất có thể để đảm bảo lương thực khi bị cô lập. Họ còn liên lạc với chính phủ và các phương tiện truyền thông để trao đổi thông tin giữa thảm họa. Từ đây, Silks Hotel Group trở thành nơi trú ẩn an toàn cho hơn 100 nhân viên, 300 khách hàng và 100 người bị nạn ở khu vực lân cận.

Không chỉ cung cấp lương thực, nước uống và nơi trú ẩn, ban quản lý Silks Hotel còn liên hệ với bệnh viện Tzu-Chi gần đó để hỗ trợ dịch vụ tư vấn tâm lý cho các nạn nhân đã trải qua thảm họa động đất.

Không lâu sau, một đội tìm kiếm cứu nạn thuộc Cơ quan Cứu hỏa Đài Loan sử dụng trực thăng để tiếp cận khách sạn đang bị cô lập. Họ nhanh chóng thiết lập một trung tâm hỗ trợ tại chỗ để cứu những người bị thương.

Các nhân viên khách sạn còn hỗ trợ những đối tượng ưu tiên bằng cách cho họ ra khỏi nơi bị cô lập bằng trực thăng của đội cứu hộ. Thời điểm đông người nhất, đơn vị này hỗ trợ đến hơn 600 nạn nhân của cuộc động đất lịch sử.

“Thương người như thể thương thân”

Theo Chủ tịch Steven Pan, triết lý phục vụ “thương người như thể thương thân” được đào tạo cho nhân viên đã giúp khách sạn và hơn 600 người vượt qua thảm họa.

“Điều giúp Silks Hotel đứng vững sau trận động đất 7,4 độ là ý thức chia sẻ, thương người như thể thương thân của đội ngũ nhân viên. Đây là tinh thần mà chúng tôi luôn quán triệt cho họ mỗi khi giao việc”, ông chia sẻ.

dong dat o Dai Loan anh 2

Học sinh được sơ tán xuống sân trường sau trận động đất. Nhiều tòa nhà trong khu vực trở thành nơi sơ tán của người dân. Ảnh: Lam Yik Fei / The New York Times.

Chủ tịch Tập đoàn nói thêm cách kỹ năng ứng phó thiên tai và quy trình khẩn cấp được đào tạo nghiêm ngặt cũng giúp khách sạn trở thành nơi an toàn cho người dân.

Hơn 4 tháng từ khi trận động đất chết người diễn ra, Silks Hotel vẫn đóng cửa. Song 200 nhân viên của họ đã được cử đi đào tạo ở các chi nhánh khác. Các quy trình xử lý khủng hoảng, thiên tai sẽ được phổ biến rộng rãi để các khách sạn (nói riêng) và người dân ở những nơi thường gặp thiên tai (nói chung) an toàn trước động đất, sóng thần.

“Chúng tôi quyết định đầu tư nhiều hơn vào con người sau thảm họa ngày 3/4 và mở cửa lại trong mùa thu này. Chắc chắn rằng các nhân viên sẽ phục vụ khách hàng với sự tự tin và lòng trắc ẩn nhiều hơn trước”, ông Pan nói thêm những thảm họa cũng chính là cơ hội để người dân và chính quyền học cách phục hồi và tiếp tục phát triển.

Nhật Bản cũng là khu vực dễ bị tổn thương do động đất, sóng thần. Quốc gia này từ lâu đã hình thành một cơ chế ứng phó thiên tai trong các cơ quan, công ty lẫn người dân.

dong dat o Dai Loan anh 3

Đội cứu hộ khẩn trương hỗ trợ những người bị kẹt trong các tòa nhà bị đổ vì trận động đất 7,4 độ. Ảnh: CNA

Cơ chế này bao gồm các quy trình ứng phó nghiêm ngặt, hệ thống cảnh báo từ sớm và các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng một cách sâu rộng. Theo Nikkei Asia, những nỗ lực này đã giảm thiểu thương vong và thiệt hại từ các trận động đất ở “xứ sở hoa anh đào”, đặc biệt là trận động đất chết người hồi đầu năm nay.

“Trong một thế giới ngày càng bất ổn, chúng ta cần có một xã hội đoàn kết. Và xã hội đoàn kết chỉ được hình thành dựa trên sự giúp đỡ, quan tâm giữa con người với con người”, Chủ tịch Tập đoàn khách sạn lớn nhất Đài Loan chia sẻ.

Chú chó cứu hộ trong động đất Đài Loan khiến nhiều trái tim loạn nhịp

Một chú chó nghiệp vụ ma túy từng mất việc vì quá thân thiện, đang trở thành “ngôi sao” trong đội cứu hộ Đài Loan vì khả năng tìm kiếm người sống sót sau trận động đất mạnh.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.

Đông Tùng

Theo Nikkei Asia

Bạn có thể quan tâm