Để có phương pháp điều trị đúng, bạn cần phân biệt viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang với viêm da do nguyên nhân khác như viêm da do dị ứng hóa chất, sơn; zona thần kinh, viêm da tiếp xúc do lá cây, viêm da tiếp xúc do mỹ phẩm...
Khác với zona thần kinh có dấu hiệu báo trước như đau nhức dọc theo dây thần kinh ở nửa người, nơi vùng da chuẩn bị nổi thương tổn, tổn thương cơ bản là các mụn nước lõm ở giữa, mọc thành chùm ở một bên cơ thể, còn viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang có thể gặp bất cứ vị trí nào có tiếp xúc, trong đó chủ yếu là vùng da hở.
Lời khuyên của thầy thuốc
Kiến ba khoang rất khó diệt, vì vậy cần trang bị các kiến thức phòng bệnh. Khi vào nhà, kiến sẽ bám vào quần áo, giường chiếu chăn màn... Vì thế, quần áo sau phơi khô cất cần rũ mạnh, trước khi mặc đồ cũng phải rũ mạnh quần áo. Kiểm tra kỹ quần áo, khăn mặt, giường chiếu…trước khi sử dụng.
Giữ vệ sinh sạch sẽ nơi ở và nơi làm việc. Hạn chế bật đèn trong nhà, chỉ bật đèn ban công. Còn nếu bật đèn trong nhà thì nên đóng chặt các cửa, bật điều hòa cho trẻ chơi bên trong. Tránh phơi quần áo, khăn ngoài trời khi có mưa. Có thể dùng thuốc diệt côn trùng để loại bỏ kiến.
Nên mặc quần áo dài tay khi đi ra ngoài chơi buổi tối, nhất là ở những vùng gần đồng ruộng, khu dân cư nhiều ánh đèn, gần công trình đang xây dựng. Khi làm việc trên đồng ruộng, nhất là vào mùa thu hoạch, mùa mưa bão, cần chú ý sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động như: mặc quần áo dài tay, đội mũ, nón, khẩu trang, đi ủng để tránh tiếp xúc với côn trùng.
Nếu phát hiện thấy kiến ba khoang đậu bám trên quần áo, khăn mặt, trên người nên thổi nhẹ hoặc hất cho chúng bay đi, không nên đập chết và chà xát chúng trên da.
Với trường hợp bị kiến ba khoang đốt, phải rửa sạch vết thương nhanh nhất có thể để hạn chế độc tố. Sau đó đi khám và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.