Trẻ tăng động bị rối loạn tâm thần phức tạp, có thể ảnh hưởng đến sự thành công của trẻ ở trường và các mối quan hệ cộng đồng.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị tăng động
– Tăng vận động: Trẻ mắc tăng động giảm chú ý thường không thể ngồi im, múa tay múa chân, chạy nhảy liên tục, đang làm việc này chuyển ngay sang việc khác. Trẻ sẽ cố gắng đứng lên và chạy xung quanh, hoặc khi buộc phải ngồi xuống, chúng thường liên tục ngọ nguậy hoặc vặn vẹo trong ghế.
– Giảm chú ý: Bé khó tập trung trong học tập, làm việc, sinh hoạt, kể cả lúc vui chơi. Bé dễ bị phân tâm bởi các kích thích xung quanh, không để ý nghe người khác nói chuyện, khó tập trung làm bài tập, hay để quên và làm thất lạc đồ đạc.
– Xáo trộn tình cảm: Trẻ tăng động giảm chú ý có thể khó mà kiềm chế được cảm xúc – cả tốt và xấu. Trẻ có thể bùng phát các cơn thịnh nộ hoặc giận giữ ở những thời điểm không phù hợp.
– Không hoàn thành nhiệm vụ: Trẻ bị tăng động giảm chú ý có thể thích thú với rất nhiều thứ, nhưng không theo những thứ đó đến tận cùng. Thường thì trẻ sẽ bắt đầu một dự án, hay một công việc, hoặc bài tập về nhà, nhưng bỏ dở giữa chừng và quay sang thứ khác thu hút sự chú ý của chúng.
– Mơ màng: Trẻ mắc tăng động giảm chú ý thường được mô tả điển hình là hay huyên náo, ồn ào, nhưng có những trường hợp không phải thế. Một dạng khác của chứng này thì yên tĩnh hơn và ít liên quan đến bạn bè. Trẻ có thể nhìn lơ đãng ra ngoài trời, như đang mơ màng, và bỏ qua những điều đang diễn ra quanh mình.
Trẻ bị tăng động gặp khó khăn trong việc chú ý , khó tập trung trong học tập. |
Những rối loạn hành vi khác đi kèm theo là: rối loạn giấc ngủ (thường là trẻ rất khó đi vào giấc ngủ), rối loạn lo âu… Các rối loạn này có thể nhiều hay ít tùy thuộc vào từng trẻ và môi trường xung quanh tác động đến trẻ.
Điều quan trọng cần nhớ là trẻ bị tăng động giảm chú ý không hề kém thông minh so với các bạn khác. Vấn đề là, chúng gặp khó khăn để lắng nghe các lời hướng dẫn rằng cần lập kế hoạch hay thực hiện một kế hoạch, dẫn tới những lỗi do lơ đễnh.
Ngoài ra, một dấu hiệu thường gặp của trẻ bị tăng động là không có khả năng nhận biết được nhu cầu và mong muốn của người khác. Trẻ có thể cắt ngang lời người khác khi họ đang nói chuyện và rất khó khăn khi chờ đến lượt, chẳng hạn như trong hoạt động trong lớp và khi chơi đùa với các bạn.
“Thủ phạm” khiến trẻ bị tăng động
Đây là một rối loạn có tỷ lệ mắc khá cao, trẻ không tập trung và hiếu động thường được chẩn đoán phát hiện ở lứa tuổi từ 4-6, hay gặp nhất ở độ tuổi từ 8-11. Tỷ lệ trẻ trai mắc bệnh so với trẻ gái là 3/1. Theo nghiên cứu hiện nay, “thủ phạm” xem là nguyên nhân khiên trẻ bị tăng động có thể là do:
Do người mẹ tiếp xúc với một số độc chất trong thời kỳ mang thai: thuốc lá, rượu, ma túy, vì những chất này làm giảm sản xuất dopamine ở trẻ em; hoặc các độc chất trong môi trường như dioxine, hydrocarbure benzen… cũng làm tăng nguy cơ sinh ra trẻ bị tăng động. Vì vậy, một chế độ dinh dưỡng khi mang thai là vô cùng cần thiết.
Phụ nữ mang thai hạn cần chế đồ uống chứa cồn. |
Tai biến lúc sinh như trẻ sinh non tháng, thiếu oxy lúc sinh làm ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của trẻ.
Do di truyền: đa số trẻ em mắc ADHD thì trong gia đình của bé có ít nhất 1 thành viên mắc chứng này. Hơn nữa, 1/3 số người đàn ông bị chứng ADHD khi còn nhỏ thì con họ sau này cũng mắc phải chứng này.
Nguyên nhân tâm lý: lo lắng, rối loạn tâm thần, bị cưỡng bức, lạm dụng tình dục, gặp khó khăn trong học tập, lục đục trong gia đình.
Các nguyên nhân khác: chấn thương đầu, nhiễm khuẩn hệ thần kinh trung ương hoặc có rối loạn giấc ngủ (ngủ nhiều quá hoặc khó ngủ)…
Cần làm gì khi trẻ bị tăng động?
Trẻ bị tăng động cần được quan tâm đúng mức và can thiệp sớm. Trên 30% trẻ vẫn có các triệu chứng của ADHD đến tuổi trưởng thành, có nhiều khó khăn về nghề nghiệp, giảm hiệu quả lao động, dễ bị kích thích và gây hấn với người xung quanh, tính tình ngang bướng, cục cằn, lập dị…
Việc phát hiện, điều trị và can thiệp sớm rối loạn tăng động ở trẻ là rất cần thiết, cần áp dụng liệu pháp tâm lý kết hợp với cả giáo dục một cách phù hợp nhất khi trẻ bị tăng động:
Tập vận động: nhằm giúp trẻ lập kế hoạch vận động phù hợp, làm chủ vận động và trương lực cơ, một số bài tập tăng sự tập trung chú ý…
Liệu pháp hành vi nhận thức: giải thích cho trẻ hiểu việc cần làm, chia nhỏ nhiệm vụ thành các bước và hướng dẫn trẻ cách làm, khen thưởng khi trẻ tiến bộ để củng cố hành vi tốt; huấn luyện nếp sống và các kỹ năng xã hội.
Chơi trị liệu phù hợp: giúp trẻ giải tỏa căng thẳng, luyện tính kiên trì, học cách tổ chức và ứng xử với bạn trong khi chơi… Không nên chơi những trò chơi dễ kích thích tinh thần hay ngoài tầm kiểm soát của trẻ.
Xoa bóp (massage): đặc biệt có lợi giúp thư giãn đối với những thanh thiếu niên bị chứng ADHD. Trẻ được điều trị bằng phương pháp massage thư giãn sẽ trầm tĩnh hơn, ngủ ngon hơn, tránh được những cơn ác mộng khi ngủ, cải thiện được hành vi, biết lắng nghe, vâng lời cha mẹ hơn.
Nên phòng tránh không cho trẻ bị chấn thương vào đầu hay bị nhiễm khuẩn thần kinh trung ương, đặc biệt không cho trẻ tiếp xúc với kim loại nặng (chì).
Mặt khác, người mẹ khi mang thai cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh tiếp xúc với những chất độc trong môi trường. Duy trì trạng thái tâm lý tốt khi mang thai, tránh căng thẳng không đáng có.