Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cách phân biệt bệnh sởi và sốt phát ban do virus

Trẻ bị sốt phát ban thông thường sẽ không có viêm kết mạc, viêm đường hô hấp, ban mọc khắp người như sởi.

Triệu chứng sốt ở trẻ cảnh báo bệnh nguy hiểm Nếu thấy trẻ bị sốt, mọc nốt trên da, lưỡi, lở loét trong miệng hay ăn uống kém, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh nguy hiểm.

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương trong 3 tháng (từ tháng 8-10), số bệnh nhi mắc sởi tăng. Trung bình một tháng bệnh viện tiếp nhận từ 20-24 ca nhập viện điều trị nội trú. Các trường hợp mắc sởi chủ yếu là dưới một tuổi và chưa được tiêm phòng vắc xin. Nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng nặng phải thở bằng máy.

benh soi anh 1
Trẻ cần tiêm vắc xin để tránh mắc các bệnh lây nhiễm. Ảnh: Tiến Tuấn.

Ths.BS Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền Nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho hay bệnh sởi là một bệnh cấp tính do virus gây ra. Nếu được chăm sóc tốt, không để bội nhiễm, trẻ sẽ tự khỏi. Bệnh dễ mắc ở trẻ dưới 9 tháng tuổi không được tiêm phòng vắc xin. Nhóm trẻ này khi tiếp xúc với người mắc bệnh, khả năng bị lây bệnh gần như là 100%.

Triệu chứng điển hình khi mắc bệnh sởi

- Sốt rất cao 39 đến 40 độ C trong 2 ngày đầu

- Ngày thứ 3-4 xuất hiện các ban trên da, trình tự mọc của các nốt ban từ sau tai lan ra mặt và lưng, sau 2-3 ngày sẽ lan ra toàn thân. Bệnh nhân sẽ có thêm triệu chứng viêm kết mạc, viêm đỏ, có rỉ mắt, viêm đường hô hấp (ho khan, hắt hơi, sổ mũi).

- Ngày thứ 5 ban bọc khắp toàn thân (từ đầu xuống chân) trẻ đỡ sốt, giảm viêm đường hô hấp.

Bác sĩ Hải cho hay khi trẻ mắc bệnh sởi, hệ miễn dịch sẽ bị suy giảm rất nhanh. Trẻ thường không tử vong vì bệnh sởi mà tử vong do các bệnh nhiễm trùng khác (viêm phổi, tiêu chảy…). Trẻ càng nhỏ biến chứng do bệnh sởi gây ra càng nhiều như viêm phổi, suy hô hấp, viêm đường tiêu hóa,...

Cha mẹ cần sớm nhận biết dấu hiệu trẻ mắc bệnh sởi để điều trị đúng cách. Trong 2 ngày đầu, tất cả bệnh nhi sốt cao do virus thường không có triệu chứng rõ ràng. Đến ngày thứ hai, các triệu chứng sẽ bắt đầu xuất hiện.

“Nếu như trẻ chỉ bị sốt phát ban thông thường sẽ có triệu chứng sốt cao nhưng không có viêm kết mạc, viêm đường hô hấp. Sốt phát ban thông thường sẽ mọc toàn thân chứ không mọc lần lượt như bệnh sởi”, bác sĩ Hải nói.

Cách phòng biến chứng bệnh sởi

Khi chăm sóc trẻ, cha mẹ cần phải đảm bảo cách ly không để nguồn bệnh lây lan và giúp trẻ không bị mắc thêm bệnh lây truyền từ người khác. Virus sởi thường làm suy giảm hệ miễn dịch rất nhanh, nếu trẻ tiếp xúc với người khác đang mắc cúm sẽ khiến bệnh tăng nặng. Do đó, hạn chế tiếp xúc thăm hỏi là cách phòng biến chứng cho trẻ.

Theo bác sĩ Hải, khi chăm sóc bệnh nhi bị sởi tại nhà, cha mẹ cần phải lưu ý:

- Trẻ sốt cao trên 38,5 độ cần uống thuốc hạ sốt.

- Rửa mũi để giảm nguy cơ viêm đường hô hấp.

- Lựa chọn đồ ăn lỏng dễ tiêu, tránh những thức ăn dễ gây dị ứng.

- Tắm rửa vệ sinh cho trẻ hàng ngày.

- Vệ sinh môi trường trẻ sinh sống thoáng và sạch.

Sởi sẽ diễn biến nặng trên một số đối tượng đặc biệt như trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi, trẻ béo phì, mắc bệnh lý suy giảm hệ miễn dịch…

Đối với trẻ chưa đến tuổi để tiêm vắc xin, bác sĩ Hải chia sẻ cách phòng bệnh tốt nhất là tránh tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Cha mẹ sau khi đi làm về cần phải rửa tay bằng xà phòng, nhỏ nước mũi sinh lý mới bế trẻ. Phụ nữ chuẩn bị mang thai nên tiêm phòng vắc xin đầy đủ để có kháng thể cho con.

Theo bác sĩ Hải, trường hợp mắc sởi ác tính thường nhiều, tử vong nhanh trong 2-3 ngày. Diễn biến của sởi ác tính thường rất nhanh ngày đầu trẻ sốt cao, ngày thứ 2 ho rất nhiều, khản tiếng, viêm kết mạc. Vào cuối ngày thứ 2 bệnh có thể diễn biến thành viêm phổi nặng và tử vong rất nhanh.

Hà Nội: Một người tử vong vì bệnh sởi

Ca tử vong được ghi nhận vào đầu tháng 10 vừa qua ở Đan Phượng do dương tính với sởi.

Phạm Loan

Bạn có thể quan tâm