1. Về vẻ ngoài khi còn sống, cua và ghẹ có thể phân biệt thế nào?
Cua và ghẹ có nhiều loại, nhìn chung đều có vỏ cứng, có càng, nhiều chân, trông khá giống nhau, trừ một số loại quá đặc trưng. Theo kinh nghiệm của các bà nội trợ, nhìn vẻ ngoài khi còn sống, bạn có thể lưu ý một số điểm để phân biệt chúng. Cua thường có màu xám rêu, xanh đen hay vàng đồng, càng phình to, còn ghẹ thường có màu rêu pha lẫn đốm hoa trắng, càng nhỏ nhưng dài hơn. Mai cua thường có hình oval khá tròn, khá vun, trong khi mai ghẹ cũng hình oval nhưng khá dài, khá dẹt, thuôn nhọn về hai đầu. Ảnh: Đảo Hải Sản & Seamart. |
2. Về vẻ ngoài khi đã chín, cua và ghẹ có thể phân biệt thế nào?
Khi đã qua chế biến, ví dụ như luộc chín, cua và ghẹ cũng có thể phân biệt qua vẻ ngoài. Theo kinh nghiệm của người nội trợ, cua khi chín sẽ có màu cam sậm rất đẹp mắt, vỏ trơn láng, còn ghẹ sẽ chuyển màu cam nhạt có đốm trắng, vỏ sần sùi hơn. Ảnh: Foursquare & VNCooking. |
3. Thịt cua và thịt ghẹ khi đã gỡ (bóc) vỏ có thể phân biệt thế nào?
Theo kinh nghiệm của các bà nội trợ, bạn vẫn có thể phân biệt được thịt cua và thịt ghẹ sau khi đã gỡ (bóc) vỏ, dù chúng rất giống nhau. Thịt cua thường có sớ khá to, vị ngọt thanh, mùi nhẹ. Thịt ghẹ thường có sớ nhỏ, vị ít ngọt hơn, mùi nồng rất đặc trưng. Ngoài ra, về giá cả, nhìn chung cua đắt hơn ghẹ. Ảnh: Camona. |
4. Được dựng tượng lớn tại công viên văn hóa - du lịch của địa phương, cua là đặc sản trứ danh ở tỉnh nào?
Cua là đặc sản trứ danh của Cà Mau, được dựng tượng lớn tại vòng xoay trong công viên văn hóa - du lịch Mũi Cà Mau. Người ta cho rằng vùng đất này 3 mặt giáp biển, độ mặn cao quanh năm, cùng với hệ sinh thái rừng ngập mặn đem lại nguồn thức ăn phong phú, nên cua Cà Mau có chất lượng cao, thịt chắc, vị ngọt đặc trưng. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình. |
5. Đâu là một loại cua Cà Mau hút khách sành ăn?
Cua cốm Cà Mau còn được gọi là cua hai da, vì khi sắp đến ngày lột xác để lớn, lớp vỏ ngoài cùng của chúng bong ra sẽ để lộ lớp vỏ non mềm. Đây là đặc sản nổi tiếng của Cà Mau hút khách sành ăn, bởi cua rất chắc thịt, đầy gạch, hương vị đặc biệt thơm ngon. Ảnh: Hoàng Long Seafood. |
6. Phú Yên có đặc sản ghẹ nổi tiếng nào?
Nằm về phía bắc tỉnh Phú Yên, giáp với tỉnh Bình Định, thị xã Sông Cầu có đường bờ biển dài, nhiều đầm, vịnh, thích hợp để nuôi trồng thủy hải sản. Nơi đây có đặc sản ghẹ Sông Cầu nổi tiếng, thường to cỡ nắm tay, có màu xanh thẫm, càng và yếm lốm đốm trắng, ít bị xốp. Ảnh: HuaNabi Ngn. |
7. Ghẹ Hàm Ninh là đặc sản ở đâu?
Ghẹ Hàm Ninh là đặc sản du khách không nên bỏ qua khi đến Phú Quốc (Kiên Giang), hòn đảo lớn nhất nước. Những con ghẹ ở đây nhỏ nhưng chắc thịt, có thể luộc, chấm muối tiêu chanh, rang muối, rang me… Theo tư vấn của các thực khách từng thưởng thức, nếu thích ăn gạch ghẹ, bạn nên chọn con cái, còn muốn ăn nhiều thịt thì nên chọn ghẹ đực. Ảnh: Vika. |