Sáng 9/10, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Lương Thế Vinh, đã qua đời sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư gan.
PGS Văn Như Cương phát hiện ung thư gan vào tháng 7/2014 ở giai đoạn muộn. Sau hơn, 3 năm chống đấu với căn bệnh, ông đã qua đời ở tuổi 80.
Theo giáo sư Nguyễn Khánh Trạch, Chủ tịch Hội Nội khoa Việt Nam, mỗi năm, thế giới có thêm 500.000 ca mắc mới và trên 750.000 người tử vong vì ung thư gan. Tại Việt Nam, con số này là khoảng 10.000 ca mắc mới và 22.000 ca tử vong.
Giáo sư Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam cho biết có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh ung thư gan.
- Bệnh nhân viêm gan mạn tính do virus B, C bị tái lại nhiều lần. Những trường hợp này bệnh dễ tiến triển thành xơ gan và chuyển thành ung thư gan.
- Người bị nhiễm dioxin, chất độc hóa học, thuốc trừ sâu,...
- Người tiêu thụ nhiều rượu, bia, hút thuốc lá và ăn các loại thực phẩm mốc có chứa nấm aflatoxin. Loại nấm này là một trong những nguyên nhân gây ra ung thư gan.
Giáo sư Nguyễn Bá Đức khuyến cáo ung thư gan khó có thể phát hiện sớm. Người có những yếu tố nguy cơ cao nên siêu âm gan, xét nghiệm máu, chụp CT. Khi có các biểu hiện lâm sàng như vàng mắt, vàng da, nước tiểu màu sẫm, khó chịu vùng gan, chán ăn,… bệnh đã phát triển ở giai đoạn muộn.
Để phòng tránh căn bệnh này, chuyên gia khuyến cáo:
- Tiêm phòng đầy đủ vắc xin viêm gan B.
- Người bị viêm gan, chức năng gan kém không nên uống rượu bia, thuốc lá.
- Không nên sử dụng thuốc bừa bãi khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Lạm dụng dùng thuốc có thể làm tăng men gan, tổn thương gan và dẫn tới ung thư gan.
- Hạn chế tiếp xúc với những hóa chất độc hại dễ làm tổn thương gan và dẫn tới ung thư.
“Để phát hiện ung thư gan sớm, người dân cần phải tầm soát thường xuyên bằng cách siêu âm kiểm tra chức năng 6 tháng/lần bằng. Ung thư gan thường phát triển trên nền bệnh nhân có bệnh về gan. Vì vậy, người bị viêm gan virus cần đi tầm soát gan định kỳ theo chỉ định của bác sĩ”, giáo sư Đức chia sẻ.