BSCKI Lê Thị Hoài Thanh, chuyên khoa Hô Hấp, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, cho biết: “Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư phổi là loại ung thư thường gặp nhất trên thế giới, với số ca được chẩn đoán trong năm 2012 là 1.825.000 ca, chiếm 13% trong các bệnh ung thư”.
Tại Việt Nam, bệnh được xếp hàng thứ nhất trong tổng số 10 loại ung thư thường gặp ở cả hai giới. Năm 2013, tỷ lệ người mắc bệnh đã tăng gấp 4 lần (20.000 người mắc mới mỗi năm), trong đó có tới 17.000 người tử vong vì ung thư phổi.
Bệnh chia thành 2 loại chính: Ung thư phổi tế bào nhỏ và không phải tế bào nhỏ. Trong đó, 85% bệnh nhân thuộc loại ung thư không tế bào nhỏ. Nếu được phát hiện sớm, cơ hội chữa khỏi cho bệnh nhân ung thư phổi rất cao.
Theo bác sĩ Lê Thị Hoài Thanh, tại Việt Nam, ung thư phổi được xếp hàng thứ nhất trong tổng số 10 loại ung thư thường gặp ở cả hai giới. Ảnh: PV. |
Giai đoạn bệnh đã phát triển thường xuất hiện các triệu chứng sau:
- Hô hấp: Ho khan là triệu chứng hay gặp nhất, ho khạc đờm hoặc lẫn máu, khó thở, hội chứng viêm phế quản phổi cấp hoặc bán cấp
- Chèn ép, xâm lấn: Đau ngực, nói khan, nuốt nghẹn, nấc, hội chứng chèn ép tĩnh mạch chủ trên, hội chứng 3 giảm do tràn dịch màng phổi. Khi xuất hiện các triệu chứng này, bệnh nhân thường đã ở giai đoạn muộn.
- Di căn xa:
+ Hạch: sờ thấy hạch vùng nách, cổ
+ Não: đau đầu, buồn nôn, nôn, đôi khi bệnh nhân xuất hiện liệt.
+ Xương: đau xương ở vị trí di căn, gãy xương bệnh lý.
+ Gan: đau hạ sườn phải, sờ thấy gan to, u vùng hạ sườn phải
+ Da vùng ngực: thấy nốt di căn dưới da vùng ngực.
Nhiều người mắc ung thư phổi hầu như không biểu hiện dấu hiệu và triệu chứng trong quá trình tiến triển. Vì vậy, việc chẩn đoán ung thư cần phải dựa vào các dấu ấn ung thư, các xét nghiệm chất chỉ điểm ung thư phổi như CYFRA 21-1 , SCC, CEA, CYFRA, NSE, ProGRP,... giúp phát hiện sớm bệnh ung thư tiềm ẩn trong cơ thể.
Dấu ấn ung thư hay còn gọi là dấu ấn khối u là những chất hóa học của cơ thể, thường là các protein, được sản xuất bởi bản thân các tế bào ung thư hoặc đôi khi do cơ thể sản xuất ra để đáp ứng với sự phát triển của bệnh.
Do một số dấu ấn ung thư có thể được phát hiện trong các mẫu xét nghiệm của cơ thể như máu và các mô, chúng có thể được sử dụng cùng với các xét nghiệm và kỹ thuật cận lâm sàng khác để phát hiện, chẩn đoán một số loại ung thư. Khoảng hơn 20 dấu ấn ung thư có thể được thực hiện để nhận biết bệnh sớm.
Việc tầm kiểm soát ung thư phổi nói riêng và các loại ung thư nói chung cần được thực hiện định kỳ giúp phát hiện bệnh từ giai đoạn mầm mống, khi chưa có biểu hiện hay triệu chứng nghiêm trọng, hoặc khối u còn rất nhỏ, chưa phát triển hay di căn ra các mô xung quanh.
Chuyên gia này khuyến cáo, người dân nên tiến hành tầm soát ung thư định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm/lần. Người có nguy cơ cao (gia đình có người mắc ung thư, độ tuổi, nghiện thuốc lá…) cần kiểm tra thường xuyên hơn.