Ung thư tinh hoàn chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong tổng số bệnh ung thư ở nam giới?
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Liên, Khoa ngoại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết ung thư tinh hoàn là bệnh ít gặp, chiếm khoảng 1% ung thư ở nam giới. |
Nhóm đối tượng thường mắc bệnh ung thư tinh hoàn?
Theo bác sĩ Liên, nam giới lứa tuổi từ 25-35 có tỷ lệ mắc bệnh ung thư tinh hoàn cao nhất. |
Nguyên nhân hình thành bệnh ung thư tinh hoàn?
Theo các chuyên gia, hiện nay chưa có kết luận cụ thể về nguyên nhân gây ra bệnh ung thư tinh hoàn. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở nam giới như hiện tượng tinh hoàn lạc chỗ (tinh hoàn ẩn), tinh hoàn phát triển không bình thường, nam giới có hội chứng Klinefelter (một rối loạn nhiễm sẳc thể giới tính có đặc điểm là nồng độ hormone nam thấp, vô sinh, vú to và tinh hoàn nhỏ) và người từng có tiền sử bị ung thư một bên tinh hoàn. |
Triệu chứng đầu tiên của người mới mắc ung thư tinh hoàn?
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, bệnh nhân có thể gặp triệu chứng ban đầu của ung thư tinh hoàn là đau một bên hoặc cả hai bên, sưng hoặc không sưng. Khi sờ vào tinh hoàn cảm giác có khối u hình thành, bìu nặng. |
Ung thư tinh hoàn giai đoạn giữa và cuối có biểu hiện?
Theo Singhealth, các dấu hiệu ở giai đoạn đầu khi mắc bệnh vẫn còn mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với các căn bệnh khác thì ở giai đoạn 2, 3 và cuối triệu chứng rõ ràng hơn. Ngoài đau, sưng và gặp các bất thường ở “cậu nhỏ” thì người bệnh có thể có cảm giác đau bụng bất thường, tràn dịch ở bìu, khối u ở tinh hoàn cũng ngày càng to. |
Nếu 1 tinh hoàn mắc bệnh, tinh hoàn còn lại có bị lây nhiễm?
Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng khoa Tiết niệu, bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, vì không có đường liên lạc trực tiếp về bạch huyết giữa 2 tinh hoàn nên khó có sự di căn ung thư từ tinh hoàn bệnh sang tinh hoàn lành. |
Ung thư tinh hoàn có khả năng di căn đến vùng khác?
Theo TS.BS Hoàng Đức, nếu phát hiện trễ khi ung thư đã di căn đến vùng khác thì sẽ gây ra các triệu chứng bệnh điển hình ở cơ quan đó. Chẳng hạn như ho, khó thở nếu di căn đến phổi; đau bụng, nôn ói khi di căn đến dạ dày; đau nhức xương trong trường hợp di căn đến xương; yếu liệt, nhức đầu hay hôn mê nếu di căn lên não.... |
Thời điểm tốt nhất để kiểm tra tinh hoàn có triệu chứng mắc bệnh hay không?
Theo BS Vũ Minh Viện, Chuyên khoa Nam học và hiếm muộn Hà Nội, nam giới nên thường xuyên kiểm tra tinh hoàn của mình bằng cách kiểm tra vùng tinh hoàn ngay sau khi tắm bằng nước ấm. Vì khi đó, nước ấm làm giãn bìu, da vùng bìu đang mềm giúp dễ phát hiện bất thường ở tinh hoàn. |
Cắt bỏ 1 bên tinh hoàn bệnh có mất khả năng tình dục và sinh sản?
Theo bác sĩ Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội, cách điều trị thông thường của bệnh ung thư tinh hoàn là phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn bị bệnh, hóa trị để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại, để lại tinh hoàn lành, do đó vẫn đảm bảo khả năng tình dục và sinh sản. |