Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cách phòng ngừa cúm cho phụ nữ mang thai

Phụ nữ khi mang thai dễ bị lây nhiễm cúm và thường nặng hơn người bình thường vì đây là thời điểm khả năng miễn dịch giảm sút.

Hệ miễn dịch bị suy giảm khi mang thai khiến bà bầu dễ bị ốm hơn. Ảnh: Smartparents.

Cảm cúm trong thai kỳ là căn bệnh nghiêm trọng nhưng có thể điều trị được. Những người mang thai có nhiều khả năng phải nhập viện vì bệnh cúm hơn người bình thường. Khi được chẩn đoán sớm, các phương pháp điều trị an toàn cho thai kỳ có thể giúp giảm các triệu chứng và rút ngắn thời gian bệnh.

Triệu chứng cúm khi mang thai

Theo Cleveland Clinic, cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến, chủ yếu xảy ra vào mùa đông. Bệnh do virus dễ dàng truyền từ người này sang người khác gây ra. Khi một người nào đó bị cúm ho, hắt hơi hoặc nói, virus sẽ lây lan trong không khí và trên các bề mặt.

Cảm cúm khi mang thai có nhiều khả năng gây bệnh nặng hơn so với bệnh cúm ở người không mang thai. Những người mang thai bị cúm cũng dễ phải nhập viện điều trị hơn. Điều này là do mang thai cản trở hoạt động của hệ thống miễn dịch, vốn là cơ quan bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật. Sự kìm hãm này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng, bao gồm cả cúm.

Những người mang thai không được tiêm phòng cúm có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với những người mang thai đã được tiêm phòng. Các nghiên cứu cho thấy rằng vaccine cúm làm giảm 50% nguy cơ nhiễm cúm ở người mang thai.

Virus cúm lây nhiễm vào phổi, mũi và cổ họng, gây ra các triệu chứng hô hấp tương tự cảm lạnh. Bệnh cúm có khả năng lây lan bắt đầu từ một ngày trước khi các triệu chứng bắt đầu và từ 5 đến 7 ngày sau khi cảm thấy mệt mỏi. Điều đó có nghĩa là bạn có thể lây bệnh cúm cho người khác trước khi biết mình bị bệnh.

Các triệu chứng phổ biến nhất của bệnh cúm khi mang thai bao gồm: Ớn lạnh, ho khan, đau đầu, ăn mất ngon, nghẹt mũi, đau cơ, sổ mũi, viêm họng, khởi phát đột ngột sốt vừa đến cao, mệt mỏi.

Điều trị cúm khi mang thai

Khi được chẩn đoán sớm, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus cho bạn. Mặc dù thuốc kháng virus không chữa khỏi bệnh cúm, chúng có thể ngăn các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn. Các loại thuốc an toàn cho phụ nữ mang thai bao gồm oseltamivir (Tamiflu), acetaminophen (Tylenol), dextromethorphan (Robitussin hoặc Delsym), guaifenesin (Mucinex) hoặc thuốc giảm ho.

Các triệu chứng cúm có thể kéo dài một tuần hoặc hơn. Bạn cần đảm bảo nghỉ ngơi và uống nhiều nước để tránh mất nước.

Ngua cum o ba bau anh 1

Tiêm phòng là cách phòng tránh ngăn ngừa cúm hiệu quả cho phụ nữ mang thai. Ảnh: Theconversation.

Làm thế nào để ngăn ngừa bệnh cúm trong thai kỳ?

Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh cúm khi mang thai là chủng ngừa cúm, lý tưởng nhất là trước khi mùa cúm bắt đầu. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo người mang thai nên chủng ngừa cúm bất kỳ lúc nào trong thai kỳ.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh sự an toàn của việc tiêm phòng cúm cho người mang thai. Ngoài ra, việc tiêm vaccine cúm giúp giảm nguy cơ nhập viện vì căn bệnh này ở phụ nữ mang thai khoảng 40%. Các nghiên cứu cũng chỉ ra vaccine cúm giúp bảo vệ cả em bé sau khi được sinh ra vì kháng thể vaccine (protein trong máu giúp chống lại virus trong cơ thể người mẹ) được truyền sang con trong khi mang thai.

Sau khi sinh, việc cho con bú vẫn tiếp tục tạo kháng thể cho bé. Biện pháp bảo vệ này rất quan trọng vì trẻ sơ sinh không thể tiêm phòng cúm cho đến khi được ít nhất 6 tháng tuổi.

Những người mang thai cũng nên tuân theo các phương pháp phòng ngừa cúm nói chung:

- Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh.

- Tránh chạm vào mắt hoặc mũi.

- Làm sạch bề mặt tại nhà thường xuyên bằng chất khử trùng.

- Luôn che miệng và mũi, đặc biệt khi đi ra ngoài, chỗ công cộng.

- Rửa tay thường xuyên.

- Tập thể dục đều đặn.

- Bổ sung những thực phẩm có lợi cho hệ miễn dịch như chất đạm, hoa quả giàu vitamin...

Đang ốm có nên tiêm vaccine cúm hay không?

Trong sự gia tăng nhanh của số ca mắc cúm thời gian gần đây, việc tiêm vaccine vẫn là giải pháp được các chuyên gia y tế chú trọng.

Phương Mai

Bạn có thể quan tâm