Hàng loạt công nhân phải nhập viện do ngộ độc methanol. Ảnh minh họa: Olga_kononenko. |
Vừa qua, Bệnh viện Bạch Mai thông tin tính đến ngày 13/3 đã có 37 công nhân làm việc tại một công ty ở tỉnh Bắc Ninh bị nhiễm độc methanol, trong đó, một người tử vong.
Các bệnh nhân là công nhân của Công ty TNHH HSTECH Vina - công ty sản xuất linh kiện điện tử, trong đó có một loại linh kiện bằng kim loại được sản xuất từ công đoạn cắt bằng dao.
Trong công đoạn này, máy có phun cồn ethanol để làm mát dao cắt. Đồng thời, một số linh kiện sau đó không sạch sẽ được các công nhân chấm lau sạch bằng cồn ethanol. Khoảng một tuần cuối tháng 2, công ty chuyển sử dụng sang lô cồn ethanol mới.
Tuy nhiên, kết quả loại cồn công ty sử dụng được một người nhà bệnh nhân gửi tới Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, xét nghiệm lại cho thấy nồng độ methanol là 77,83%, không có ethanol.
Methanol nguy hiểm như thế nào?
Theo TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, trong cuộc sống thường ngày, methanol được gọi với nhiều tên khác nhau và rất dễ bị nhầm lẫn, bỏ qua.
Bác sĩ Nguyên đánh giá mức độ tổn thương não của bệnh nhân ngộ độc methanol. Ảnh: BVCC. |
“Mọi người cần nhận biết biết các tên gọi khác nhau của methanol có thể xuất hiện trên nhiều mặt hàng, vật dụng trong cuộc sống như: Mê-thi-líc, Alcohol methylique, Methyl alcohol, Methyl hydrate, Methyl hydroxide, Wood alcohol, Wood spirit, CH3-OH”, vị chuyên gia cho hay.
TS Nguyên cũng thông tin methanol ở dạng lỏng, trong suốt, không màu, đôi khi được cho thêm chất màu để nhận dạng. Nguồn gốc methanol chủ yếu từ sản xuất công nghiệp.
Methanol cũng được dùng làm dung môi tẩy sơn, véc ni, trong sơn, dung môi công nghiệp, chất tẩy rửa, làm sạch, lau chùi, các loại nhiên liệu thay thế cho động cơ, làm nguyên liệu cho sản xuất nhiều hóa chất, sản phẩm khác nhau.
Ông nhận định: “Methanol là hóa chất rất độc, không được uống, tác dụng sát trùng cũng rất kém. Tuy nhiên, ở Việt Nam, do lượng hóa chất methanol nhiều, lại chưa được kiểm soát tốt, dẫn tới lượng lớn hóa chất methanol bị đưa ra ngoài và vào tay kẻ xấu hoặc nhiều nhà sản xuất không chính đáng”.
Lượng methanol này thậm chí bị đóng chai thành các loại rượu giả, nhiều loại cồn sát trùng, cồn y tế kém chất lượng và có thể nhiều sản phẩm khác bị làm giả. Trên thực tế, các sản phẩm này từng gây tử vong, ngộ độc và di chứng nặng nề cho nhiều người.
Về cách thức methanol xâm nhập vào cơ thể, TS Nguyên cho hay hóa chất này ở dạng lỏng, được hấp thu và gây ngộ độc dễ dàng qua đường tiêu hóa (chủ yếu do uống phải rượu giả, cồn sát trùng giả), qua da (tiếp xúc trực tiếp với dung dịch cồn sát trùng trên da hoặc dùng cồn giả chứa methanol để sát trùng trên diện da rộng hoặc nhiều lần) hoặc qua đường hô hấp (hít phải hơi, không khí chứa cồn methanol với nồng độ vượt ngưỡng cho phép).
“Do methanol được cơ thể chuyển hóa và thải trừ chậm, gây ngộ độc cũng chậm nên khi tiếp xúc mức độ ít nhưng kéo dài hoặc lặp lại (hay gặp trong lao động) sẽ tích lũy dần và gây ngộ độc nhiều ngày sau. Một số trường hợp có thể tiếp xúc với methanol liều cao một lần nhưng không biết và khoảng 1-2 ngày sau mới biểu hiện nhiễm độc”, TS Nguyên thông tin.
Bệnh nhân nhiễm độc methanol cấp tính có thể xuất hiện các triệu chứng như mờ mắt, giảm thị lực, mù, đau đầu, buồn nôn, nôn, rối loạn ý thức, hôn mê, co giật, tổn thương não, nhiễm toan chuyển hóa, sốc, tổn thương đa tạng, tử vong hoặc di chứng mù mắt, giảm thị lực, hôn mê, rối loạn vận động…
Với trường hợp ngộ độc, nhiễm độc mạn tính, bệnh nhân có thể biểu hiện đau đầu, chóng mặt, choáng váng, mất ngủ, viêm kết mạc, nhìn mờ, mù.
“Trên thai nhi, các nghiên cứu trên động vật cho thấy methanol có thể gây dị tật trên xương, tim mạch, tiết niệu và thần kinh trung ương”, TS Nguyên nói.
Cách phòng tránh nhiễm độc methanol
TS Nguyễn Trung Nguyên cho hay các biểu hiện ngộ độc methanol thường khá muộn nên người dân cần chủ động đi khám ngay khi có nghi ngờ. Nhóm người lao động tiếp xúc với methanol cần được khám sức khỏe thường xuyên, trong đó bắt buộc khám đánh giá kỹ về mắt và thần kinh trung ương.
Methanol rất khó nhận biết do có dạng lỏng, trong suốt, nhiều tên gọi. Ảnh minh họa: Smart Parenting. |
Một số phương pháp phòng tránh cơ bản bao gồm:
Với các cơ quan quản lý: Đưa ra biện pháp kiểm soát chặt chẽ hóa chất cồn công nghiệp methanol, tránh rơi vào tay kẻ xấu để tạo ra các sản phẩm giả, không an toàn; tăng cường quản lý về an toàn lao động.
"Các sản phẩm chứa methanol cần có nhãn mác cảnh báo rõ ràng về tên gọi, thành phần cụ thể, tác hại với sức khỏe, biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn khi sử dụng và các sơ cấp cứu", TS Nguyên nhấn mạnh.
Với người sử dụng các sản phẩm methanol:
- Tuân theo đúng các hướng dẫn sử dụng và bảo quản an toàn, đảm bảo điều kiện lao động sản xuất an toàn.
- Methanol xâm nhập vào cơ thể dễ dàng qua da, đường hô hấp, tiêu hóa. Do đó, tất cả loại khẩu trang, mặt nạ phòng độc đơn thuần, găng tay thấm nước đều không có tác dụng ngăn cản hoặc lọc được methanol. Người dân có thể dùng găng nhựa/cao su kín ngăn methanol hấp thu qua da nhưng vẫn có khả năng hít phải methanol qua đường hô hấp.
"Trong môi trường không khí nhiễm methanol mức độ nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, chỉ có trang phục phòng hộ (quần áo liền mũ, găng và giày/ủng) kín hoàn toàn kết hợp hệ thống cung cấp dưỡng khí độc lập bao gồm mặt nạ phòng độc kín được kết nối với nguồn dưỡng khí bơm từ bên ngoài mới có thể đảm bảo an toàn cho người lao động", TS Nguyên cho hay.
Ngoài ra, vị chuyên gia cũng nhấn mạnh trong điều kiện ở Việt Nam hiện nay, chúng ta cần luôn cảnh giác với tất cả loại cồn, sản phẩm được cho là ethanol hoặc gắn nhãn mác là ethanol. Nguyên nhân là các sản phẩm này rất dễ có nguy cơ bị làm giả và chứa methanol.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.