Cứu cánh của nhiều căn bệnh truyền nhiễm và chống nhiễm trùng
Kể từ khi Alexander Fleming phát minh ra penicillin vào năm 1928 và điều trị vết thương cho một người lính bị thương, penicillin đã trở thành cứu cánh để chống lại nhiễm trùng vết thương. Kể từ đó, số người bị tử vong do nhiễm trùng đã giảm nhanh trên toàn thế giới. Không thể phủ nhận, kháng sinh là một thành tựu quan trọng của thế kỷ 20. Kháng sinh đã giúp giảm tỷ lệ tử vong, giảm nhiễm khuẩn. Kháng sinh cũng được dùng để điều trị nhiều căn bệnh như tim mạch, viêm màng não. Nhờ có kháng sinh, tỷ lệ tử vong đã giảm đi rõ rệt.
Kháng sinh đóng vai trò rất quan trọng trong điều trị nhiều ca bệnh phức tạp và được ứng dụng trong phẫu thuật, hóa trị, điều trị trẻ sơ sinh thiếu tháng,…Cho đến nay, mặc dù các thế hệ thuốc kháng sinh mới đang được nghiên cứu, nhưng trên thực tế vẫn chưa được thử nghiệm lâm sàng. Các loại thuốc mà hiện thế giới đang dùng vẫn là các loại thuốc được sử dụng từ thế kỷ 20. Do vậy, việc quản lý sử dụng thuốc kháng sinh một cách hợp lý đã trở thành vấn đề nóng bỏng và cấp bách. Đây cũng là đề tài tranh luận và vấn đề nóng trên toàn thế giới, đòi hỏi các nhà quản lý, dù ở các nước phát triển hay đang phát triển phải nhập cuộc.
Quản lý sử dụng kháng sinh hiệu quả
Tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về quản lý sử dụng kháng sinh do Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế tổ chức ngày 27/11, các bài học kinh nghiệm quý giá về chuyên môn, dịch tễ học, dược học, cũng như quản lý đã được chia sẻ, nhằm mục đích đem lại điều trị kháng sinh hiệu quả nhất để Việt Nam có thể tham khảo từ mô hình của Hoa Kỳ, Đài Loan,…Tại hội thảo, Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng trình bày dự thảo Hướng dẫn quản lý kháng sinh trong bệnh viện. PGS.TS Lê Thị Anh Thư chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chương trình quản lý kháng sinh ở Bệnh viện Chợ Rẫy.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, tình trạng sử dụng kháng sinh tràn lan tại Việt Nam đã dẫn đến tình trạng kháng thuốc và giảm hiệu quả điều trị bệnh. Trước tình trạng này, Nhà nước sẽ đóng vai trò quản lý sử dụng an toàn hiệu quả kháng sinh (trong đó có giá thành, điều trị,…) cũng như vai trò của cán bộ và thầy thuốc trong vấn đề này. Kế hoạch hành động quốc gia về kháng thuốc trong hệ thống khám chữa bệnh sẽ giúp điều trị hiệu quả hơn các căn bệnh truyền nhiễm. Với mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm, an toàn là số một, cần có khuyến cáo cho người dân về an toàn sử dụng thuốc. Mặc dầu kháng sinh có thể điều trị nhiều căn bệnh, nhưng kháng sinh cũng có một số tác dụng phụ và nó chỉ hiệu quả nếu được sử dụng đúng liều, đúng thời gian và đúng với người bệnh. Nếu không được sử dụng đúng, nó còn có thể gây ra các phản ứng ngược và tác dụng phụ không mong muốn.
Kháng sinh mang tính đặc hiệu, sau một thời gian cần thay thế thuốc mới. Chính vì vậy mà cần phải hạn chế sử dụng kháng sinh. Chương trình quản lý kháng sinh của Hiệp hội Hoa Kỳ khuyến cáo: kháng sinh có nhiều tác dụng phụ, độc tính, chưa kể về sự tương tác thuốc với các loại thuốc khác. Vì vậy, để hạn chế tình trạng kháng kháng sinh và tối đa hóa hiệu quả điều trị của kháng sinh, cần áp dụng chương trình quản lý kháng sinh để giảm chi phí sức khỏe và không ảnh hưởng tới chất lượng điều trị bệnh nhân. Hiện nay, trên thế giới, sự nổi lên của các vi khuẩn đa kháng thuốc như vi khuẩn kháng carbapenem, S. aureaus kháng Methicillin, tụ cầu khuẩn kháng vancommycin đã đặt ra nhu cầu đối với các dòng kháng sinh thế hệ mới. Tuy nhiên, các thuốc mới vẫn chưa được FDA (Cục Quản lý dược Hoa Kỳ) chấp thuận. Ngay kể cả các hãng dược phẩm trên thế giới vẫn chưa sẵn sàng thử nghiệm, cải tiến hay sản xuất các kháng sinh thế hệ mới cho nên việc tận dụng và sử dụng hiệu quả, tối ưu các kháng sinh hiện nay vẫn là biện pháp tối ưu.
Theo BS Ying Chin Chuang, Trung tâm Kiểm soát bệnh nhiễm khuẩn Đài Loan, thuốc kháng sinh khi được sử dụng đúng liều, đúng thời điểm có thể cứu sống người bệnh. Tuy nhiên, nếu sử dụng kháng sinh không đúng, có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc thuốc hay xuất hiện vi khuẩn đa kháng. Vì vậy người thầy thuốc khi kê đơn cần nắm rõ các nguyên tắc về dịch tễ học. Liều dùng, tần số hợp lý, sự phối hợp nhiều kháng sinh có thể tăng kiểm soát nhiễm khuẩn, giúp giảm nguy cơ lây lan bệnh sang cộng đồng.
Chiến lược quản lý sử dụng kháng sinh hợp lý vừa có thể góp phần cứu sống người bệnh và giảm chi phí trong chăm sóc điều trị. Do vậy, chiến lược này cần được áp dụng toàn diện từ cấp độ quản lý nhà nước đến trong các bệnh viện và đối với người thầy thuốc cũng như nhận thức của người dân.
Người dân cần làm gì để sử dụng kháng sinh hiệu quả?
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, cần phải nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề an toàn sử dụng thuốc, trong đó có kháng sinh. Tại Việt Nam, kháng sinh được bán tràn lan, ai cũng có thể mua. Thậm chí người dược sĩ chỉ cần học khoá học mấy tháng cũng có thể bán thuốc, rồi ai trong gia đình cũng có thể dễ dàng mua thuốc. Tình trạng này có thể dẫn đến dùng không đúng liều, không đúng bệnh, dẫn tới kháng thuốc và không an toàn khi sử dụng thuốc. Chính vì vậy, người dân cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý kê đơn và sử dụng thuốc của người không có chuyên môn.