Theo ABC News, dự luật được đưa vào hạ viện của Quốc hội Tây Ban Nha hôm 7/6, trước một cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra trong những tháng tới.
Dự luật không coi mại dâm là bất hợp pháp nhưng đề xuất phạt 3-6 năm tù và phạt tiền đối với các ma cô (môi giới mại dâm), người mua dâm, gái bao. Những người kiếm tiền bằng cách cố ý cho thuê mặt bằng, căn hộ để hành nghề mại dâm cũng đối mặt án phạt.
"Trong một xã hội dân chủ, phụ nữ không phải để mua cũng không phải để bán", Adriana Lastra, Phó tổng thư ký đảng Xã hội nói trước quốc hội.
Hiện dự luật còn gây nhiều tranh cãi. Một số đảng phái chính trị và các chuyên gia cho rằng Tây Ban Nha nên điều chỉnh hoạt động mại dâm để bảo vệ những người hành nghề không bị các tổ chức buôn người lợi dụng. Việc xem gái mại dâm là nạn nhân của tội phạm không giúp giải quyết vấn đề thực sự.
Tây Ban Nha muốn đàn áp những người môi giới, cung cấp dịch vụ bóc lột gái mại dâm. Ảnh: AFP. |
Tình trạng lấp lửng
Có tới 400.000 phụ nữ làm nghề mại dâm ở Tây Ban Nha. Theo công đoàn Comisiones Obreras hơn 90% là người nhập cư và chỉ 2% là người Tây Ban Nha.
Những người ủng hộ quy định mới xung quanh ngành công nghiệp tình dục cho rằng hầu hết gái mại dâm làm việc dưới hình thức nô lệ và xứng đáng được hưởng các quyền cơ bản.
Nhưng vấn đề là làm thế nào để đối phó với mại dâm đang chia rẽ các nhà hoạt động nữ quyền, nhân viên xã hội và chính phủ trên toàn châu Âu.
Ở Tây Ban Nha, mại dâm không phải là bất hợp pháp, nhưng cũng không phải là hợp pháp. Tại Đức, người bán dâm có các quyền hợp pháp, trong khi ở Thụy Điển, thay vì truy tố gái mại dâm, chính phủ truy nã những người thuê gái mại dâm và khách hàng mua dâm.
Vấn đề này đang là một chủ đề nóng ở Tây Ban Nha vì gắn liền với câu chuyện nhập cư bất hợp pháp của châu Âu, theo DW.
Một điểm đón gái mại dâm nổi tiếng ở Macroni, Madrid. Ảnh: Álvaro García. |
Tại hội nghị ở Tây Ban Nha có tên Quyền của người lao động trong ngành công nghiệp tình dục, Carmen Bravo, người phát ngôn của công đoàn Comisiones Obreras, cho biết mại dâm đã thay đổi hoàn toàn do sự di cư toàn cầu.
Ngày càng có nhiều phụ nữ, không có chồng hoặc bạn đời, nhập cư từ châu Phi hoặc châu Mỹ Latinh đến các nước như Tây Ban Nha. Theo Bravo, nhiều người không có lựa chọn nào khác ngoài hành nghề mại dâm và buộc phải sống như nô lệ.
Khó có số liệu thống kê chính xác nhưng một báo cáo của Liên Hợp Quốc năm 2011 cho biết Tây Ban Nha là thị trường mại dâm lớn thứ 3 trên thế giới, sau Thái Lan và Puerto Rico.
Gái mại dâm xuất hiện trên nhiều con phố trung tâm của hầu hết thành phố ở Tây Ban Nha. Các nhà thổ với quy mô đồ sộ mọc lên ở những khu du lịch nổi tiếng bậc nhất đất nước.
Quảng cáo mại dâm phổ biến từ bãi đậu xe cho đến các trang mạng xã hội. Nhiều khách hàng mua dâm đến từ nước ngoài, có thể là khách du lịch, khách kinh doanh hoặc tài xế xe tải.
Tranh cãi
Mại dâm là câu chuyện nóng tại Tây Ban Nha. Đảng Xã hội của Thủ tướng Pedro Sanchez thậm chí coi đây là vấn đề cần được ưu tiên giải quyết.
Tuy nhiên, chính phủ nước này gần như bế tắc trong việc thống nhất để đưa ra giải pháp chung trong nhiều năm qua.
Rhut Mestre là nhà nghiên cứu pháp lý làm việc với người di cư, phụ nữ và người bán dâm. Không chỉ đơn giản ủng hộ việc hợp pháp hóa toàn bộ ngành công nghiệp tình dục, cô muốn gái mại dâm được trao quyền hợp pháp.
"Tôi không làm việc để điều chỉnh ngành công nghiệp tình dục, tôi làm việc để quyền của những người hành nghề mại dâm được công nhận. Tôi không muốn trao quyền cho chủ sở hữu các câu lạc bộ tình dục".
Các câu lạc bộ tình dục được điều hành bởi những người bóc lột gái mại dâm để kiếm tiền, chẳng hạn như ma cô, và theo Mestre chính phủ không nên công nhận tư cách pháp nhân của những tổ chức này.
Tây Ban Nha được xem là thị trường mại dâm lớn nhất châu Âu. Ảnh: Jenni Farley. |
Tuy nhiên, Silvia Cuerdas thuộc đảng Nữ quyền Tây Ban Nha tin rằng hợp pháp hóa mại dâm cũng giống như hợp pháp hóa lạm dụng tình dục.
"Trong xã hội này, chúng ta đang nói về việc xóa bỏ quấy rối tình dục tại nơi làm việc hoặc tại nhà, vấn đề bạo lực gia đình. Vì vậy, chúng ta không thể hợp pháp hóa một hoạt động, nơi mà tất cả những điều đó xảy ra".
Bà Cuerdas muốn những phụ nữ làm gái mại dâm được cung cấp các lựa chọn công việc tốt hơn và cho rằng những quy định pháp luật ở Thụy Điển, quốc gia truy tố ma cô và người mua dâm, có thể áp dụng tại Tây Ban Nha.
Một số gái mại dâm tại hội nghị Quyền của người lao động trong ngành công nghiệp tình dục đã không đồng ý với quan điểm này.
Carolina, đến từ Ecuador, đã hành nghề mại dâm trên đường phố được 8 năm. Cô muốn làm việc mà không bị cảnh sát can thiệp hay xã hội phân biệt đối xử.
Carolina nói rằng đã đến lúc chính phủ phải hành động để cho cô quyền như những người lao động khác.
Đồng nghiệp của cô, Joanna, cũng tại hội nghị, nhấn mạnh rằng phần lớn gái mại dâm mà cô biết đều kinh doanh theo cách riêng của họ.
Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động nữ quyền cho rằng đây không phải là quan điểm đại diện cho đa số công nhân tình dục. Họ nói rằng nếu những phụ nữ này thực sự có những lựa chọn khác, họ sẽ không làm gái mại dâm.