Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cách thức trục lợi hàng trăm tỷ từ đất hiếm của Chủ tịch Thái Dương

Trong vụ án khai thác trái phép đất hiếm xảy ra tại Yên Bái, Chủ tịch Công ty Thái Dương Đoàn Văn Huấn thỏa thuận với nhiều bị can khác để ngoài sổ sách hàng nghìn tấn đất hiếm.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra về các sai phạm khai thác đất hiếm tại xã Yên Phú (huyện Văn Yên, Yên Bái), đồng thời đề nghị truy tố 27 bị can. Trong đó, Đoàn Văn Huấn bị đề nghị truy tố cùng lúc về 3 tội danh và cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc cũng bị xác định "dính líu" đến vụ án.

Thu lời bất chính số tiền lớn

Theo kết luận điều tra, Công ty Thái Dương được cấp phép khai thác đất hiếm tại xã Yên Phú. Sau khi được cấp giấy phép, công ty này không thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

Cụ thể, bị can Đoàn Văn Huấn (Chủ tịch Công ty Thái Dương) chỉ đạo cấp dưới tổ chức khai thác trái phép quặng đất hiếm và quặng sắt tại mỏ đất hiếm Yên Phú với tổng giá trị hơn 864 tỷ đồng, thu lời bất chính hơn 736 tỷ đồng.

Ngoài tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên, Đoàn Văn Huấn và nhiều bị can liên quan còn bị đề nghị truy tố về tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".

Nguyen Linh Ngoc,  Tap doan Thai Duong,  Cong ty Thai Duong,  Doanh nghiep Thai Duong,  Doan Van Huan,  Dat hiem Viet Nam,  Cty Hop Thanh Phat,  GD Hop Thanh Phat,  Dang Tran Chi,  Cong ty Duong Lieu anh 1

Bị can Đoàn Văn Huấn - Chủ tịch Công ty Thái Dương (bên trái) và đồng phạm.

Theo đó, khi bán quặng đất hiếm và quặng sắt, Đoàn Văn Huấn và Nguyễn Văn Chính (Công ty Thái Dương) đã thỏa thuận, thống nhất với các bị can Lưu Anh Tuấn, Trương Thị Hiển (Giám đốc và Kế toán Công ty Đất hiếm Việt Nam); Đặng Trần Chí, Phạm Thị Hà (Giám đốc và Kế toán Công ty Hợp Thành Phát) để xuất hóa đơn với giá thấp hơn thực tế nhằm giảm số thuế phải nộp.

Giai đoạn năm 2019-2023, Công ty Thái Dương bán cho Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam hơn 3,5 triệu kilogram quặng đất hiếm hàm lượng TREO 18-20% với số tiền thanh toán hơn 142 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty Thái Dương chỉ xuất 3 hóa đơn và kê khai thuế đối với hơn 765.000 kilogram, trị giá ghi trên hóa đơn chỉ là 10,7 tỷ đồng.

Tương tự, các năm 2020-2022, Công ty Thái Dương xuất 31 hóa đơn bán hơn 24 triệu kilogram quặng sắt cho Công ty Hợp Thành Phát với tổng giá trị hơn 22 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị thanh toán thực tế là gần 30 tỷ đồng.

Không hạch toán và không khai báo thuế

Với cách thức, thủ đoạn nêu trên, Công ty Thái Dương để ngoài sổ sách kế toán, không kê khai thuế tổng số tiền hơn 27 tỷ đồng và gây thiệt hại về thuế hơn 9,6 tỷ đồng.

Lời khai tại quá trình điều tra cho thấy bị can Đoàn Văn Huấn đã trao đổi, thỏa thuận với bị can Lưu Anh Tuấn (Chủ tịch HĐQT Công ty Đất hiếm Việt Nam) về giá mua bán thực tế quặng đất hiếm dao động 38-46 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, 2 công ty chỉ ký hợp đồng, xuất hóa đơn theo giá Nhà nước quy định là 14 triệu đồng/ tấn (chưa VAT).

Số tiền bán quặng ghi trên hóa đơn được chuyển vào tài khoản Công ty Thái Dương, còn khoản tiền chênh lệch thì trả bằng tiền mặt. Bị can Huấn chỉ đạo Nguyễn Văn Chính (Phó tổng giám đốc, kiêm Kế toán trưởng công ty) không hạch toán, không khai báo thuế.

Nguyen Linh Ngoc,  Tap doan Thai Duong,  Cong ty Thai Duong,  Doanh nghiep Thai Duong,  Doan Van Huan,  Dat hiem Viet Nam,  Cty Hop Thanh Phat,  GD Hop Thanh Phat,  Dang Tran Chi,  Cong ty Duong Lieu anh 2

Do giá trị đất hiếm mang lại nên các bị can trong vụ án bất chấp quy định pháp luật.

Sau khi mua quặng sắt, Công ty Hợp Thành Phát đã bán hơn 34.089 tấn trị giá hơn 64 tỷ đồng (chưa VAT) nhưng không xuất hóa đơn, không kê khai báo cáo thuế, che giấu doanh thu, để ngoài sổ kế toán gây thiệt hại hơn 9 tỷ đồng tiền thuế.

Công ty Đất hiếm Việt Nam đã sử dụng quặng đất hiếm trên để chế biến thành “tổng ôxít đất hiếm” (hàm lượng TREO 95-97%). Kết luận điều tra cho thấy ông Tuấn đã chỉ đạo nhân viên khai báo hải quan gian dối là hàng hóa được sản xuất từ một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu nhập khẩu nhằm xuất lậu hơn 474 tấn tổng ôxít đất hiếm có trị giá hơn 379 tỷ đồng để bán cho các công ty nước ngoài với thuế xuất khẩu 0%.

Năm 2022, doanh thu và lợi nhuận của công ty tăng cao do xuất khẩu tổng ôxít đất hiếm với thuế suất 0%, trong khi nguồn nguyên liệu mua vào phần lớn không có hóa đơn. Để hạch toán giảm doanh thu, Tuấn đã chỉ đạo nhân viên liên hệ để lấy 15 hóa đơn trị giá hơn 16 tỷ đồng mua bán hóa chất từ các công ty thường xuyên cung cấp hóa chất cho công ty.

Điều này được hợp thức hóa bằng cách bị can Tuấn ký vào lệnh chuyển tiền từ tài khoản công ty đến tài khoản các công ty theo số tiền ghi trên hóa đơn. Sau khi nhận được tiền, các công ty này giữ lại số tiền thuế và các chi phí liên quan, số còn lại chuyển trả cho Công ty Đất hiếm bằng cách đưa tiền mặt hoặc chuyển khoản vào các tài khoản cá nhân của Công ty Đất hiếm.

Cơ quan điều tra (CQĐT) xác định Công ty Đất hiếm Việt Nam sử dụng 14/15 hóa đơn để kê khai vào chi phí được trừ khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022, gây thiệt hại về thuế hơn 4 tỷ đồng.

Trong vụ án này, bị can Đoàn Văn Huấn bị đề nghị truy tố về 3 tội danh là "Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên"; "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" và "Gây ô nhiễm môi trường".

Liên quan, 7 bị can là cựu lãnh đạo, nhân viên Bộ Tài nguyên và Môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Trong đó, có bị can Nguyễn Linh Ngọc, cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Nguyễn Văn Thuấn, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Hoàng Văn Khoa, cựu Vụ trưởng Vụ Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Hồ Đức Hợp, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái…

Các bị can còn lại bị đề nghị truy tố về các tội "Buôn lậu", "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có", "Gây ô nhiễm môi trường" và "Vi phạm quy định kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".

Sách về Pháp luật

Cuốn sách "Luật Đất đai" năm 2024 gồm 16 chương với 260 điều, được chuẩn bị trên cơ sở kết quả tổng kết đánh giá thực tiễn quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2013, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế phù hợp; đồng thời đã thể chế hóa đầy đủ quan điểm, định hướng đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai.

https://www.anninhthudo.vn/cach-thuc-truc-loi-hang-tram-ty-dong-tu-dat-hiem-cua-chu-tich-cong-ty-thai-duong-post602723.antd

Bùi Lâm/An ninh Thủ đô

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm