Ai cũng đều cho rằng thời gian mang thai là 9 tháng 10 ngày, tuy nhiên đây không phải là con số hoàn toàn chính xác. Bởi thời gian mang thai còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như thời gian trưởng thành của thai nhi, thời gian chu kỳ kinh nguyệt của người mẹ... vì vậy ngày dự sinh của mỗi người cũng không giống nhau.
Tuy nhiên, việc biết được thời gian dự sinh cơ bản sẽ giúp các mẹ chuẩn bị tốt tâm lý để chào đón bé yêu.
Công thức tính ngày dự sinh
Ngày dự sinh thường được ước tính dựa trên chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng của phụ nữ (LMP). Thông thường tuổi thai của bé là 280 ngày tính từ ngày đầu tiên của chu kỳ LMP.
Công thức này sẽ được tính như sau:
- Xác định ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng, rồi cộng với 280 ngày
- Xác định độ dài trung bình của chu kỳ kinh thông thường của bạn.
+ Chiều dài chu kỳ trung bình là 28 ngày
+ Nếu chu kỳ kinh của bạn <28 ngày, ngày dự sinh sẽ trừ đi bấy nhiêu ngày.
+ Nếu chu kỳ kinh của bạn >28 ngày, ngày dự sinh sẽ cộng thêm bấy nhiêu ngày.
Ví dụ: Ngày đầu tiên của chu kỳ kinh cuối của bạn là ngày 1/1
- Cộng thêm 280 sẽ ra ngày 8/10
+ Nếu chu kỳ kinh của bạn là 28 ngày, ngày dự sinh sẽ là 8/10
+ Nếu chu kỳ kinh của bạn là 26 ngày, ngày dự sinh sẽ trừ đi 2 ngày, là ngày 6/10
+ Nếu chu kỳ kinh của bạn là 30 ngày, ngày dự sinh sẽ cộng thêm 2 ngày, là ngày 10/10
Ngày dự sinh là điểm tham chiếu
Thông thường, trẻ sinh ra trong khoảng thời gian 37-42 tuần là vừa phải. Nếu trẻ sinh ra trước 37 tuần là sinh non, trong khi sau 42 tuần là sinh muộn. Các bác sĩ có thể sẽ phải can thiệp mổ trong những trường hợp này.
Dấu hiệu nhận biết bạn chuẩn bị sinh
Đi tiểu thường xuyên hơn: Khi bạn sắp sinh, đầu em bé sẽ tụt xuống thấp hơn, gây áp lực lên xương chậu và bàng quang, khiến bạn buồn tiểu và đi tiểu nhiều hơn.
Các cơn co thắt mạnh và thường xuyên: Gần tới ngày sinh, các cơn co thắt xảy ra nhiều, diễn ra liên tiếp 5-10 phút một lần trong vòng 1-2 giờ. Các cơn co thắt này sẽ đẩy em bé xuống gần hơn với cổ tử cung để sẵn sàng chào đời. Khi đó, bạn nên tới bệnh viện ngay vì tử cung bắt đầu mở và em bé sắp chào đời.
Chảy máu, dịch âm đạo: Do tử cung mở rộng, chất nhầy màu nâu hoặc đỏ chảy xuống nhiều hơn. Chúng cũng làm cho cổ tử cung mềm và mỏng hơn cho em bé dễ ra ngoài.
Rò rỉ hoặc vỡ ối: Thai nhi phát triển trong tử cung phụ nữ được bao quanh bởi nước ối. Khi túi chất lỏng bảo vệ này vỡ ra, em bé có nguy cơ bị nhiễm trùng. Vì vậy, các bác sĩ khuyên bạn nên sinh con trong vòng 24-48 tiếng sau khi vỡ ối.