Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cách travel blogger 'sống ảo'

Tranh thủ check-in từ sớm, dùng AI xoá "rác" nhưng vẫn đảm bảo tính chân thực... là cách các travel blogger chụp ảnh đẹp tại các điểm du lịch đông đúc.

"Sống ảo" văn minh là cách giữ hình ảnh đẹp cho bản thân và điểm du lịch. Ảnh: Đặng Thùy Dương.

Travel blogger Đặng Thùy Dương, người có "gia tài" hình ảnh đồ sộ ở nhiều vùng đất mới, cho biết một tấm ảnh tạo được cảm giác "cuồng chân" cho du khách phải đáp ứng đủ về bố cục, màu sắc và chủ thể.

Trước khi đến một địa điểm, cô luôn nghiên cứu về thời tiết, trang phục phù hợp với văn hóa bản địa, khung giờ đẹp, các góc chụp linh hoạt hay hoạt động thú vị có thể kết hợp để tạo ra những bức ảnh đa dạng, đồng thời tối ưu hoá thời gian.

"Tôi từng đến các điểm có góc chụp kinh điển như Cinque Terre (Italy), tháp Eiffel (Pháp) hay hồ Brienz (Thụy Sĩ), hầu hết du khách đều muốn lưu lại hình ảnh, dẫn đến các trường hợp như chen lấn, leo rào, thậm chí là phá hoại mỹ quan", travel blogger này nói.

Chụp ảnh sao cho đúng mực?

Thùy Dương cho biết hình ảnh sau chuyến đi có tầm quan trọng nhất định với một travel blogger. Khi đến điểm chụp ảnh quá đông đúc, cô thường xếp hàng chờ đến lượt, cố gắng chọn những góc chụp vẫn đảm bảo bố cục, nhưng hậu cảnh thưa người để dễ hậu kỳ.

Đi trúng mùa du lịch cao điểm, Thùy Dương sẽ chủ động quản lý lại lịch trình, chọn khung giờ vắng người. Chẳng hạn như tham quan vào sáng sớm để ngược hướng với phần đông du khách, có thêm nhiều thời gian trải nghiệm.

"Trong chuyến đi Nhật Bản một mình năm ngoái, tôi luôn đến đến các điểm tham quan lúc 7-8h, khi các du khách khác chưa bắt đầu lịch trình để chụp được nhiều ảnh đẹp. Sau đó, tôi về nghỉ trưa và chiều lại tiếp tục hành trình", nữ travel blogger cho biết.

Ngoài cư xử đúng mực tại điểm chụp ảnh, Thùy Dương cũng cho rằng cách truyền tải thông tin cũng phải văn minh, không chia sẻ trải nghiệm đi quá thực tế nhằm câu view.

“Du lịch phải mang về trải nghiệm chân thật, hình ảnh chỉ làm khoảnh khắc thêm sống động. Giá trị bền vững mới là quan trọng", cô bày tỏ.

Về phía mình, travel blogger Kỳ Anh nhận định những người có sức ảnh hưởng về du lịch trên mạng xã hội phải đưa thông tin, hình ảnh bám sát thực tế. Đối với các địa điểm liên quan đến văn hoá, lịch sử, tôi tham khảo thông tin từ website/fanpage của tỉnh/khu vực đó, kết hợp cùng thông tin trên Wikipedia.

"Việc chỉnh ảnh quá khác với bên ngoài có thể dẫn đến những hiểu lầm không đáng có, gây trải nghiệm không tốt với du khách. Xuất thân từ môi trường kiến trúc, tôi luôn lấy tính thực tế làm quan điểm để nội dung sản xuất trực quan, sát sao hơn", anh nói.

chup anh du lich anh 3

Kỳ Anh ưu tiên tính thực tế khi sáng tạo nội dung về du lịch. Ảnh: Kỳ Anh.

Những năm gần đây rộ lên phong trào ảnh trên mạng - thực tế. Đối với những điểm chụp ảnh đông người, du khách có thể sử dụng ứng dụng chỉnh ảnh để xóa người hoặc vật thể thừa trong bức ảnh. Riêng Kỳ Anh thường đổi sang chụp phóng sự hoặc khai thác các khía cạnh khác của điểm đến như văn hoá, ẩm thực, kiến trúc, lễ hội...

"Để chụp ảnh 'sống ảo' cho bản thân, tôi cố gắng tìm vị trí trống hoặc xếp hàng đợi nếu góc ảnh thật sự đặc biệt". Travel blogger này cũng cho biết nếu địa điểm chỉ có vài người nhưng thời gian "sống ảo" lâu, anh sẽ ngỏ lời xin chụp nhanh một tấm và rời đi.

"Đặc biệt, khi đến các địa điểm sở hữu nét đẹp văn hoá, tôn giáo thì việc chụp ảnh cần được lưu ý. Nếu địa điểm cấm quay chụp, tôi luôn tuân thủ", Kỳ Anh chia sẻ.

Không "tô hồng" điểm đến

Theo travel blogger Hà Là Lạ, những bức ảnh đẹp mang đến góc nhìn trực quan, nhưng đi kèm với câu chuyện mới truyền tải tốt cảm hứng du lịch. Thông qua bài chia sẻ, du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên, kiến trúc, nắm thông tin về văn hóa của điểm đến.

"Những hình ảnh được chia sẻ bởi người đi trước có thể giúp giảm đi những rào cản tâm lý, khơi dậy trí tò mò và mong muốn khám phá của du khách", nữ travel blogger cho biết.

Mỗi chuyến đi, Hà Là Lạ luôn mang theo máy ảnh, ống kính bên người để ghi lại mọi khoảnh khắc. Cô cho biết một bức ảnh du lịch chân thật đắt giá hơn một bức ảnh chỉnh sửa kĩ càng.

chup anh du lich anh 4

Hà Là Lạ chú trọng hình ảnh mang tính thực tế, ghi lại trên đường đi. Ảnh: Hà Là Lạ.

"Đến bất cứ nơi nào, tôi đều nghiên cứu bố cục, ánh sáng và dành thời gian cảm nhận để 'nuôi' cảm xúc chụp ảnh. Không thể phủ nhận ảnh đẹp là yếu tố làm tròn trịa chuyến đi, đặc biệt là những travel blogger. Tôi không chăm chăm thể hiện những góc đẹp, mà hướng đến việc truyền tải thông tin thật do mình trải nghiệm", Hà Là Lạ nói.

Mặt khác, sự trung thực trong hình ảnh là yếu tố tiên quyết để tạo nên uy tín cho travel blogger nói riêng hay các đơn vị, địa phương, người làm du lịch sở tại nói chung.

"Hình ảnh mang 2 chiều hướng. Video quay flycam hay bức ảnh rực rỡ có thể hút du khách đến, nhưng còn phụ thuộc thời tiết, tư duy của người cầm máy, hậu kỳ... Nếu du khách đến chụp không đẹp sẽ cho rằng hình ảnh quảng bá là gian dối. Do đó, điểm đến nên lan tỏa cùng hình ảnh thật, tránh bóp méo bằng việc xóa, thêm chi tiết", cô chia sẻ.

Trong khi đó, travel blogger Hà Hiển lại không dành thời gian nghiên cứu góc quay, chụp trước chuyến đi để giữ cảm nhận chân thật.

"Nếu biết trước về điểm đến, tôi sợ sẽ đánh mất cảm giác bất ngờ. Khi đến nơi, tôi sẽ tự sáng tạo góc ảnh của riêng mình. Tôi dùng ống kính có dải tiêu cự đa dụng như 24-105 mm, 24-70 mm,135 m... để chụp chi tiết cảnh ở xa, đồng thời mang flycam, thiết bị quay vlog cầm tay để đưa nội dung đến đa nền tảng", nam travel blogger chia sẻ.

Để đưa thông tin chính xác, Hà Hiển thường thu âm và soạn câu chữ sau chuyến đi. Anh cho biết thời gian gần đây Chat GPT đã trở thành công cụ đắc lực giúp anh tra cứu thông tin và lên kịch bản cho video, bài viết một cách nhanh chóng.

Nam travel blogger thường chỉnh lại màu ảnh trước khi đăng tải, vì hình ảnh nhìn bằng mắt thường và thiết bị ghi lại đôi khi không giống nhau. Theo anh, làm hình ảnh trở nên hút mắt và điện ảnh hơn cũng là một cách cảm nhận r về điểm đến.

"Đôi lúc khi đặt chân đến bối cảnh đặc biệt, tôi sẽ chỉnh màu để phù hợp với cảm xúc của nơi đó. Như chuyến đi Hong Kong hồi tháng 9, tôi chỉnh ảnh như những thước phim Hong Kong thập niên 80-90 để tạo ấn tượng", Hà Hiển chia sẻ.

63 tỉnh thành trong nước chứa đựng vô số điểm đến đa dạng về văn hóa, độc đáo về lịch sử. Znews giới thiệu tới bạn đọc những trang sách về hành trình khám phá Việt Nam.

> Xem thêm: Tủ sách du lịch Việt Nam

Khách Việt thuê 7 nhiếp ảnh gia cho chuyến du lịch qua 5 nước

Để có những bức ảnh đúng ý, Yến Nguyễn không ngần ngại chi hơn hàng chục triệu đồng thuê 7 nhiếp ảnh gia trong chuyến du lịch một mình tại 5 quốc gia ở châu Âu.

Du khách đội nắng, lội bùn, lỡ cả chuyến xe vì mải mê 'sống ảo'

Để có ảnh đẹp, nhiều du khách sẵn sàng dậy sớm, xếp hàng dưới nắng. Trong khi đó, số khác lại cho rằng việc "chạy KPI" chụp ảnh khiến họ ngao ngán khi bắt đầu chuyến đi mới.

Trúc Hồ - Linh Huỳnh

Bạn có thể quan tâm