Trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh mạn tính là đối tượng có nguy cơ gặp biến chứng nếu mắc cúm. Ảnh: iStock. |
Bác sĩ Nima Majlesi, Giám đốc Khoa Chất độc Y tế tại Bệnh viện Đại học Staten Island, cho biết: "Cúm là bệnh về đường hô hấp do virus lây lan nhanh chóng và dễ dàng. Mùa này, bệnh cúm đặc biệt tàn khốc về số lượng bệnh nhân mà nó ảnh hưởng".
Tiến sĩ Javeed Siddiqu, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, đồng sáng lập và Giám đốc Y tế tại TeleMed2U, khuyến cáo người dân không lơ là khi bước vào mùa bệnh hô hấp với số lượng ca mắc bệnh hô hấp tăng cao.
Theo các chuyên gia, thực hiện các biện pháp phòng ngừa an toàn là chìa khóa để giữ gìn sức khỏe và với một mùa cúm khó khăn sắp tới, cộng đồng y tế đang kêu gọi mọi người tự chăm sóc bản thân.
Sean Marchese, y tá tại Trung tâm Ung thư trung biểu mô, nói thêm thực hiện các bước như đeo khẩu trang, rửa tay và tránh tiếp xúc không cần thiết giúp giảm ca mắc nặng phải nhập viện, giúp những trường hợp nghiêm trọng có cơ hội được điều trị tại bệnh viện.
Eat This, Not That! Health đã trao đổi với các chuyên gia về những điều cần biết, việc cần làm để phòng tránh cúm.
Những điều cần biết về cúm
Tiến sĩ Kate Burke, Phó chủ tịch, cố vấn y tế cấp cao của PatientLikeMe, cho biết bất cứ ai cũng có thể bị cúm, kể cả người khỏe mạnh. Các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến bệnh cúm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng một số người có nguy cơ cao trải qua biến chứng nghiêm trọng liên quan đến cúm nếu bị bệnh, bao gồm người từ 65 tuổi trở lên, người mắc một số bệnh mạn tính (chẳng hạn hen suyễn, tiểu đường hoặc bệnh tim), phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi.
Mùa đông là thời điểm nhiều người bị cúm. Ảnh: Shutterstock. |
Cúm là căn bệnh nguy hiểm tiềm ẩn có thể dẫn đến nhập viện, thậm chí tử vong. Mỗi mùa cúm đều khác nhau và cách nó ảnh hưởng đến các cá nhân cũng khác nhau. Trong các mùa cúm điển hình, hàng triệu người bị cúm mỗi năm, hàng trăm nghìn người phải nhập viện và hàng nghìn đến hàng chục nghìn người chết vì các nguyên nhân liên quan đến cúm.
Tiêm vaccine cúm mùa hàng năm là cách tốt nhất để giúp giảm nguy cơ mắc bệnh cúm và biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra. Tiêm phòng đã được chứng minh có nhiều lợi ích, bao gồm giảm nguy cơ mắc bệnh cúm, nhập viện và thậm chí giảm nguy cơ tử vong do cúm.
Mặc dù một số người tiêm vaccine cúm vẫn có thể bị cúm, theo các nghiên cứu, tiêm chủng giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Hiện tại, các bệnh viện ở Mỹ đang tiếp nhận số bệnh nhân mắc bệnh hô hấp cao lịch sử. Nguyên nhân đến từ cúm, virus hợp bào hô hấp (RSV) và Covid-19. Do đó, bệnh nhân nên nắm được các triệu chứng mắc bệnh nhiễm trùng hô hấp và cố gắng ở nhà đến khi khỏi bệnh.
Cúm có thể gây ra bệnh nặng
Tiến sĩ Kate Burke nói thêm các triệu chứng của Covid-19 và bệnh cúm có thể giống nhau và điều quan trọng là người bệnh phải lưu ý cả những điểm giống và khác nhau giữa hai loại virus. Cúm có thể khiến bạn cảm thấy mệt, không thể làm việc trong vài ngày hay gây ra triệu chứng nghiêm trọng hơn.
Các biến chứng của bệnh cúm có thể bao gồm viêm phổi do vi khuẩn, nhiễm trùng tai, nhiễm trùng xoang và làm trầm trọng thêm các tình trạng bệnh mạn tính, chẳng hạn suy tim sung huyết, hen suyễn hoặc tiểu đường.
Tiến sĩ Majlesi cảnh báo người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính hay có hệ miễn dịch yếu thường dễ chuyển biến nghiêm trọng khi bị cúm. Tiến sĩ Evelyn Huang, bác sĩ nội trú cấp cứu tại Bệnh viện Northwestern Memorial, cho biết cúm là một bệnh về đường hô hấp và thường lây lan qua các giọt hô hấp (như ho hoặc hắt hơi).
Các triệu chứng có thể bao gồm sốt, ho, sổ mũi, đau nhức cơ thể, mệt mỏi, nặng hơn là khó thở, đau ngực, sốt, ho không thuyên giảm. Bà khuyên trong trường hợp bệnh nghiêm trọng, người dân nên đến gặp bác sĩ.
Cách để vượt qua cúm nhanh chóng
Tiến sĩ Nima Majlesi đưa ra các lời khuyên để bệnh nhân cúm nhanh chóng hồi phục. Ông cho hay 3-4 ngày đầu tiên của bệnh là khoảng thời gian dễ lây lan nhất, mặc dù một số bệnh nhân có thể lây nhiễm lâu hơn tùy thuộc vào hệ thống miễn dịch cơ bản của họ.
Bệnh nhân cúm thuộc nhóm nguy cơ cao nên dùng thuốc kháng virus càng sớm càng tốt. Ảnh: Shutterstock. |
Nghỉ ngơi và uống đủ nước là biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả. Một số bệnh nhân có thể phù hợp để dùng oseltamivir dù dữ liệu về hiệu quả của thuốc còn hạn chế. Dữ liệu hiện tại cho thấy oseltamivir có thể giảm thời gian mắc bệnh nếu dùng trong vòng 48 giờ kể từ khi mắc bệnh.
Tuy nhiên, CDC khuyến nghị người được xác định hoặc nghi ngờ mắc cúm nên điều trị bằng thuốc kháng virus càng sớm càng tốt nếu họ phải nhập viện, có triệu chứng nghiêm trọng, bệnh diễn biến phức tạp hoặc nằm trong nhóm nguy cơ cao gặp biến chứng.
Cách phòng tránh cúm
Tiến sĩ Majlesi khuyên người dân thực hiện việc vệ sinh tay sạch sẽ, đeo khẩu trang và tiêm phòng cúm hàng năm để tránh bị nhiễm virus cúm. Trong khi đó, tiến sĩ Burke khẳng định cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và những người thân khỏi bệnh cúm là tiêm vaccine cúm vào mỗi mùa cúm.
“Cúm là bệnh truyền nhiễm về đường hô hấp có thể dẫn đến bệnh nặng, nhập viện hoặc thậm chí tử vong và CDC khuyến nghị tất cả người dân từ 6 tháng tuổi trở lên nên tiêm vaccine cúm hàng năm”, tiến sĩ Burke nhắc lại.
Tiến sĩ Evelyn Huang cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm phòng. Ngoài ra, bà lưu ý mọi người vệ sinh, khử khuẩn tốt, đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người và tự cách ly khi mắc cúm hoặc tiếp xúc với người bị cúm.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.