Tôi được biết theo dõi tình trạng hô hấp, nhịp thở có thể xác định mức độ nhẹ, nặng ở bệnh nhân Covid-19. Vậy tôi có thể theo dõi như thế nào để phân biệt dấu hiệu bệnh nặng?
Bảo Anh - TP.HCM.
Bộ Y tế
Theo tài liệu Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 (cập nhật lần thứ 7) ban hành cùng Quyết định số 4689/QĐ-BYT được ban hành ngày 6/10 của Bộ Y tế, tình trạng hô hấp bất thường của bệnh nhân Covid-19 được phân chia theo từng mức độ. Cụ thể:
- Mức độ nhẹ: Nhịp thở <20 lần/phút, SpO2 >96% khi thở khí trời.
- Mức độ trung bình: Có dấu hiệu viêm phổi với khó thở, thở nhanh 20-25 lần/phút, phổi có ran nổ và không có dấu hiệu suy hô hấp nặng, SpO2 94-96% khi thở khí phòng. Người bệnh có thể khó thở khi gắng sức (đi lại trong nhà, lên cầu thang).
- Mức độ nặng: Có dấu hiệu viêm phổi kèm theo một trong các dấu hiệu sau: nhịp thở >25 lần/phút; khó thở nặng, co kéo cơ hô hấp phụ; SpO2 <94% khi thở khí phòng, cần cung cấp oxy hoặc thở máy dòng cao hoặc thở không xâm nhập.
- Mức độ nguy kịch: Có dấu hiệu viêm phổi kèm theo một trong các dấu hiệu sau: nhịp thở >25 lần/phút; khó thở nặng, co kéo cơ hô hấp phụ; SpO2 <94% khi thở khí phòng; tím tái, cần hỗ trợ hô hấp ngay với đặt ống nội khí quản thở máy xâm lấn.
Trong tài liệu Hướng dẫn tạm thời về quản lý người mắc Covid-19 tại nhà được ban hành ngày 21/8, Bộ Y tế hướng dẫn cách đo nhịp thở cho F0.
Người bệnh nằm thư giãn tối thiểu 5-10 phút, sau đó nhờ người khác đếm số lần lồng ngực phồng lên xẹp xuống. Nếu không có người giúp đỡ, F0 có thể đặt điện thoại tự quay trong 3-5 phút (quay từ cằm xuống đến bụng), sau đó xem lại hoặc gửi cho bác sĩ.
Người lớn và trẻ lớn (>15 tuổi) có nhịp thở bình thường là 16-20 lần/phút. Trên 25 hoặc dưới 15 lần/phút, bạn phải báo y tế.
Trẻ em thường có nhịp thở nhanh hơn người lớn, cụ thể: Mới sinh (30-50 lần/phút); 0-5 tháng tuổi (25-40 lần/phút); 6 tháng-5 tuổi (20-30 lần/phút); 6-10 tuổi (15-30 lần/phút); 11-20 tuổi (12-30 lần/phút).