Cháu P.P.T. (3 tuổi ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) được gia đình đưa vào khoa Nhi (BV Bạch Mai) trong tình trạng nôn, ho liên tục, miệng nồng nặc mùi dầu hỏa vì đã uống một lượng lớn dầu hỏa vào bụng và có dấu hiệu viêm phổi.
Theo người nhà, nguyên nhân là trong khi cháu tự chơi một mình, bố mẹ không để ý nên cháu đã tự tay lấy chai lavie trong đó đựng dầu hỏa uống. Tại khoa, các bác sĩ đã theo dõi, truyền dịch vì bé rất dễ bị hội chứng viêm phổi sau 24-48h uống phải hóa chất.
Trước đó, bé N.T.M. (Nam Định) nhập viện trong tình trạng ói mửa, lừ đừ do uống nhầm thuốc diệt cỏ. Các bác sỹ cho rửa dạ dày để loại bỏ độc chất, cho uống than hoạt tính để hấp thu độc chất còn lại trong đường tiêu hóa, điều trị hỗ trợ bù nước điện giải…Do cha mẹ vô ý để chai thuốc diệt cỏ đựng trong chai trà xanh ngay góc tủ nên bé lấy uống.
Mới đây, tại Nghệ An đã xảy ra một vụ ngộ độc, khiến một trẻ nhỏ tử vong. Nguyên nhân tai nạn được cho là ngộ độc thủy ngân có trong lọ đựng tăm.
Bệnh nhi là cháu Lê Văn Huy (17 tháng tuổi) khi ở nhà cùng với bố, cháu Huy thấy khát nước nên đã tự đi tìm để uống. Lúc này thấy một ít nước trong cốc nên cháu Huy lấy để uống. Loại nước mà cháu Huy uống là dung dịch thủy ngân chảy ra từ hộp đựng tăm bị vỡ trước đó.
Sau khi uống loại dung dịch này được ít phút, cháu Huy có biểu hiện bị ngộ độc rồi hôn mê. Mặc dù đã được gia đình đưa đến bệnh viên cấp cứu tại Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An, sau đó tiếp tục được chuyển ra Hà Nội để điều trị, nhưng do bị nhiễm độc quá nặng cháu Huy đã tử vong.
Lọ tăm chứa nhiều chất độc. |
Về vụ việc này, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Trưởng khoa Nhi Tổng hợp, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), cho biết: “Bằng kinh nghiệm khám chữa bệnh của mình, tôi cho rằng nguyên nhân dẫn đến tử vong của cháu bé chưa chắc đã là ngộ độc thủy ngân”.
Theo BS Thường, thủy ngân là chất dễ bay hơi và chi phí khá đắt đỏ, bởi vậy với việc sản xuất một hộp đựng tăm dù là hình hộp có màu trang trí thì họ cũng sẽ không dùng thủy ngân vì tốn kém. Đó có thể chỉ là chất hóa học tạo màu dùng trang trí.
“Những chất này cũng độc không kém so với thủy ngân, thường có mùi vị rất hắc và sộc, bởi vậy khi trẻ uống phải sẽ gây co thắt thanh môn, khí quản. Đặc biệt khi hít vào sẽ gây ngộ độc, có thể tử vong ngay tại chỗ”.
Tại bệnh viện Xanh Pôn đã cấp cứu cho không ít trường hợp bị tai nạn như trên. Ví dụ điển hình như trường hợp, uống phải nước sôi hay uống phải dầu luyn… những trường hợp này nếu không phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.
Theo BS Thường, tất cả những tai nạn, ngộ độc xảy ra với trẻ nhỏ tại gia đình đều xuất phát từ sự bất cẩn của chính các bậc phụ huynh. Bởi vậy, những gia đình có trẻ nhỏ cần phải rất cẩn trọng khi cất để đồ đạc. Đối với những loại chất lỏng độc hại, thậm chí là những vật dụng dễ hóc cần phải để xa tầm với cả trẻ.
Trong trường hợp trẻ bị hóc dị vật, các bậc phụ huynh cần phải hết sức bình tĩnh để xử lý. “Nhiều phụ huynh khi thấy con bị hóc thường dùng tay móc dị vật hoặc cho ăn miếng thật to để làm trôi dị vật, điều là là vô cùng sai lầm bởi nó đẩy dị vật vào sâu hơn”, BS Thường khuyến cáo.
Theo đó, khi trẻ bị hóc dị vật, cần phải dùng biện pháp Heimlich để sơ cứu cho trẻ ban đầu. Đối với trẻ lớn có thể để trẻ nằm xấp sau đó vỗ lưng để dị vật bật ra ngoài. Còn đối với trẻ nhỏ có thể để nằm xấp trên một cánh tay, tay còn lại vỗ lưng trẻ để đẩy dị vật ra ngoài. Sau khi sơ cứu bước đầu, cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.
Ngoài ra, các bác sỹ còn tư vấn cách xử lý khi uống phải chất độc: Người nhà cần tìm hiểu xem người bệnh đã uống nhầm loại gì, với lượng bao nhiêu. Bởi từng loại thuốc, hóa chất sẽ gây nên biểu hiện lâm sàng và cách xử trí khác nhau.
Khi trẻ uống nhầm axit, xăng dầu, chất tẩy rửa
Với các hóa chất bay hơi, dung dịch tẩy rửa gây ăn mòn mạnh như axit, bazơ hoặc xăng dầu, người lớn không được gây nôn cho trẻ.
Cha mẹ thường nghĩ rằng cần phải cho trẻ nôn ra hết sẽ hết độc nhưng đây là quan niệm sai lầm. Nếu gây nôn, khi hóa chất được đưa ra ngoài cũng là lúc hơi hóa chất có cơ hội tràn vào khí quản lần nữa làm tăng mức độ ngộ độc, gây bỏng thực quản. Trẻ dễ bị viêm phổi là do hơi của các hóa chất này xâm nhập đường hô hấp.
Trước khi tới viện, có thể cho trẻ uống vài ngụm nước lọc nếu hóa chất gây bỏng rát trong cổ họng. Cho trẻ uống từ từ nhằm tránh sặc nước khiến tình hình nghiêm trọng hơn.
Uống nhầm thuốc diệt cỏ
Cần nhanh chóng gây nôn cho trẻ càng sớm càng tốt. Trong vòng 1h đầu uống nước và gây nôn bằng cách móc họng cho bệnh nhân. Nếu có thể, nên cho uống siro ipeca 10-15 ml ở trẻ em, 30 ml ở người lớn để gây nôn. Khi nôn, để bệnh nhân đầu thấp tránh sặc vào phổi. Hoặc đặt người bệnh nằm nghiêng tránh chất nôn, dịch tiết hay nước chảy vào khí quản gây tắc thở.
Sau khi bệnh nhân nôn, có thể cho bệnh nhân uống một trong các thuốc sau làm giảm hấp phụ chất độc vào cơ thể: Than hoạt tính 1 g/kg/lần pha nước cho bệnh nhân uống; hoặc uống đất sét hấp thụ rất tốt paraquat. Sau đó khẩn trương đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Ngộ độc do uống nhầm thuốc
Khi biết con bị ngộ độc thuốc cần giữ trẻ ở tư thế ngồi hoặc đứng để các chất trong dạ dày không trào lên thực quản. Không đặt trẻ ở tư thế nằm. Nếu đang còn tỉnh, bất kể là đã uống nhầm loại gì cũng cần nhanh chóng gây nôn bằng cách móc họng.
Đồng thời, cho trẻ uống nhiều nước ấm rồi lại tiếp tục móc họng gây nôn nhằm rửa sạch dạ dày, giải độc ra khỏi cơ thể, giảm bớt tác hại của thuốc hay hóa chất. Trong trường hợp bé hôn mê, co giật thì không nên gây nôn.
Sau sơ cứu ban đầu, người nhà cần nhanh chóng đưa nạn nhân tới bệnh viện ngay để được các bác sĩ tiếp tục cấp cứu, giải độc. Mang theo vỏ loại thuốc hoặc chai hóa chất mà người bệnh đã uống nhầm để các bác sĩ có hướng xử lý kịp thời và chính xác.
Phòng tránh hậu quả của việc uống nhầm hóa chất
Để các loại thuốc, hóa chất xa tầm tay của trẻ, trong hộp riêng, có khóa.
Không nên đựng hóa chất trong vỏ chai đựng nước uống như lavie, vital… nhằm tránh các nhầm lẫn có thể xảy ra. Các chai, lọ đựng hóa chất nên dán chú thích rõ ràng, đặt xa tầm tay trẻ em.