Tình trạng hạn hán đẩy người dân vào cảnh thiếu nước trầm trọng, phải sử dụng nước bẩn trong vũng lầy, TS Đỗ Mạnh Cường, Phó trưởng phòng Sức khỏe môi trường cộng đồng, Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, đã hướng dẫn một số biện pháp xử lý nước đơn giản.
Người dân cần lựa chọn nguồn nước từ giếng đào, giếng khoan để xử lý. Trong trường hợp không có nguồn nước ngầm, phải sử dụng nước ao hồ, sông suối, kênh rạch thì cần lựa chọn những điểm xa bờ và xử lý theo các bước sau đây.
Bước 1: Làm trong nước bằng phèn chua hoặc lọc bằng vải sạch.
Dùng phèn chua với liều lượng 1 g phèn chua (một miếng bằng khoảng nửa đốt ngón tay) cho 20 lít nước. Múc một gáo nước, hoà lượng phèn tương đương thể tích nước cần làm trong cho tan hết, cho vào dụng cụ chứa nước và khuấy đều, chờ khoảng 30 phút cho cặn lắng hết xuống đáy rồi gạn lấy nước trong.
Nếu không có phèn chua thì có thể dùng vải sạch để lọc nước, giữ lại các cặn bẩn, làm vài lần cho đến khi được nước trong (chú ý vải lọc bằng cốt tông để lọc nước đi qua được, cần thay vải khi thấy cặn trên vải lọc nhiều).
Trong trường hợp phải sử dụng nguồn nước bề mặt quá đục hoặc nhiều phù sa cần lọc bỏ bớt phù sa bằng các lớp vải màn trước khi làm trong nước.
Hạn, mặn kỷ lục 100 năm qua gây nên tình trạng thiếu nước trầm trọng tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Ảnh: Lê Quân. |
Bước 2: Khử trùng nước
Sau khi nước đã được làm trong cần tiến hành khử trùng nước. Có thể khử trùng bằng hóa chất hoặc đun sôi.
Khử trùng nước bằng hóa chất:
- Đối với hộ gia đình: Thường khử trùng nước bằng Cloramin B, được đóng gói dưới dạng viên với nhiều hàm lượng khác nhau. Hiện nay phổ biến nhất là viên Cloramin B 0,25 g hoặc viên Aquatabs 67 mg rất tiện lợi cho khử trùng các thể tích nước nhỏ như chum, vại, lu, xô, chậu. Một viên Cloramin B 0,25 g có thể khử trùng được 25 lít nước, một viên Aquatabs 67 mg có thể khử trùng được 20 lít nước trong.
- Đối với nguồn nước cấp cho tập thể hoặc nhiều hộ gia đình sử dụng: Khử trùng bằng hoá chất bột (thường là Cloramin B loại 27% clo hoạt tính, Clorua vôi) và phải do cán bộ y tế chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện.
Để khử trùng, cho viên Cloramin B 0,25 g hoặc viên Aquatabs 67mg vào thùng đựng chừng 20-25 lít nước đã được làm trong, khuấy đều, đậy nắp, chờ 30 phút sau có thể sử dụng làm nước sinh hoạt được.
- Khử trùng bằng hóa chất bột:
Thường được sử dụng khử trùng lượng nước cấp lớn. Lượng bột cần dùng được tính toán trên cơ sở nồng độ yêu cầu là 10mg Cloramine hoạt tính trong l lít nước.
Đối với bột Cloramine B 27%, để khử trùng khoảng 300 lít nước cần tiến hành như sau: Hòa tan 3 g bột Cloramine B 27% (tương đương 1/3 thìa canh) vào một gáo nước rồi đổ vào bể hoặc thùng chứa 300 lít nước đã được làm trong, trộn đều, đậy nắp chờ 30 phút là có thể dùng được.
TS Đỗ Mạnh Cường cho biết ngoài các biện pháp như trên, hộ gia đình có thể sử dụng thêm thiết bị lọc để xử lý nước.
Lưu ý:
- Nước đã được khử trùng có thể sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Tuy nhiên nước này vẫn phải đun sôi rồi mới uống trực tiếp được. Nước sau khi đun sôi không được để quá lâu, nên thường xuyên đun nước mới hàng ngày để uống.
- Không tiến hành khử trùng đồng thời với đánh phèn vì phèn làm mất tác dụng khử trùng của clo.
- Sau khi khử trùng ngửi thấy mùi Clo thì việc khử trùng mới có tác dụng.
- Nếu cho quá nhiều clo nên mở nắp, chờ 30-60 phút cho bớt mùi nồng.
- Trong trường hợp không có hóa chất khử trùng, chỉ ăn uống nước đã đun sôi kỹ, không ăn các loại rau sống rửa bằng nước chưa khử trùng.