Tại Bệnh viên Nhi Trung ương, 50% số trẻ đến khám hàng ngày liên quan đến tai mũi họng. Theo bác sĩ, phần lớn trẻ viêm họng ban đầu là do vi rút mà không phải từ vi khuẩn nên cách điều trị kháng sinh không phải lựa chọn ban đầu.
Chăm sóc triệu chứng, nâng cao thể trạng, vệ sinh mũi họng sẽ hiệu quả hơn. Trừ khi trẻ ngạt mũi kéo dài, trở thành môi trường cho vi khuẩn phát triển, sẽ dẫn đến nhiễm khuẩn. Trong trường hợp này, bác sĩ mới kê kháng sinh phù hợp cho trẻ.
Trong chương trình Cuộc sống thường ngày (VTV1), TS.BS Nguyễn Tuyết Xương, Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết: "Khi trẻ không có những biểu hiện nguy hiểm như nôn, co giật, sốt mà vẫn ăn uống được thì hoàn toàn có thể chăm sóc tại nhà.
Nếu sốt trên 38,5 độ, gia đình cần cho trẻ dùng thuốc hạ sốt và uống đủ nước. Nếu sốt nhẹ, phụ huynh có thể dùng khăn chườm nóng để hạ sốt.
Mũi luôn đảm bảo thoáng và trẻ phải thở được bằng mũi. Nếu trẻ không thở được, chúng ta cần hút mũi cho bé hàng ngày. Cha mẹ không nên dùng miệng tự hút, phải sử dụng các máy hút nhỏ.
Việc hút cần đảm bảo không quá mạnh, khiến trẻ chảy máu phản tác dụng, có thể dùng nước biển xịt rửa mũi tùy theo tư thế và tuổi của bé. Với trẻ nhỏ quá, chúng ta để bé ở tư thế nằm nghiêng rồi xịt rửa".
Ho là phản xạ tốt giúp đẩy vi khuẩn, chất đờm ra ngoài, nhưng nhiều cha mẹ đã vội cho con uống siro ho mà không để ý đến việc quan trọng là điều trị nguyên nhân. Vì vậy, siro ho cũng phải uống theo đúng chỉ định.
Bác sĩ Xương cũng cho biết thêm, thuốc ho nếu uống quá nhiều có thể làm ức chế trung tâm hô hấp, một số thuốc gây buồn ngủ khiến trẻ ngủ li bì và bệnh nặng hơn mà chúng ta không biết.
Tâm lý dùng thuốc theo đơn cũ có thể gây hại cho trẻ. Mỗi lần bị ốm là một nguyên nhân, chủng gây bệnh, độ tuổi khác nhau.
Như vậy, dù viêm mũi họng hay bị bệnh nói chung, cha mẹ cũng không tự ý cho con uống kháng sinh. Trẻ có thể không khỏi mà còn nguy cơ kháng thuốc, khi tái phát rất khó điều trị.