Giống như các bệnh viêm nhiễm khác, sau một đợt tấn công, cơ thể của trẻ sẽ mệt mỏi và cần thời gian phục hồi. Tuy nhiên, trẻ ít triệu chứng khi mắc Covid-19 sẽ phục hồi nhanh hơn.
Ngoài ra, trẻ dưới 12 tuổi phục hồi nhanh hơn trẻ lớn. Một nghiên cứu gần đây tại Anh được dẫn đầu bởi GS Spector, Đại học King College London, cho thấy phần lớn trẻ mắc Covid-19 là nhẹ và nhanh phục hồi nhanh hơn người lớn. Hầu hết triệu chứng thường không kéo dài hơn 28 ngày.
Những triệu chứng kéo dài thường gặp ở trẻ sau khi khỏi bệnh
Chán ăn
Trẻ cũng có thể trải nghiệm mất vị giác như người lớn nhưng không thể mô tả cho bạn biết. Khi mất vị giác, trẻ có thể biếng ăn hoặc ăn uống không ngon. Bé sẽ từ chối ăn cả món thích ăn. Lúc này, bạn vẫn cố gắng duy trì cho bé ăn đúng bữa, tránh bỏ bữa vì sẽ giúp trẻ duy trì cảm giác no, đói. Điều này rất quan trọng để đảm bảo trẻ vẫn ăn đủ dù chưa/không cảm nhận được vị hay mùi thức ăn.
Nếu trẻ mệt không ăn, bạn có thể cho con lượng ăn ít hoặc loại thức ăn dễ nuốt hơn. Ngoài ra, bạn có thể cho trẻ ăn các thực phẩm giàu dinh dưỡng như sữa, sữa chua, bánh ăn dặm hoặc kích thích một số giác quan khác khi ăn như kêu răng rắc khi nhai.
Trẻ ít triệu chứng khi mắc Covid-19 sẽ phục hồi nhanh hơn. Ảnh: Getty Images. |
Việc kích thích các giác quan khác như thính giác qua âm thanh, thị giác thông qua màu sắc, xúc giác qua cấu trúc thức ăn trong lúc này sẽ giúp trẻ cảm nhận được thức ăn đang ăn tốt hơn.
Ho
Ho là triệu chứng dai dẳng và thường gặp sau bệnh viêm nhiễm liên quan đến đường hô hấp. Điều này do cơ quan hô hấp của trẻ sau tổn thương cần thời gian phục hồi mà không thể hết ngay được. Thông thường, cơn ho ở trẻ sẽ giảm dần tần suất và mức độ, không phải điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, ho có thể gây nhiều khó chịu lên trẻ, đặc biệt khi ngủ. Một số cách bạn có thể giúp giảm cơn ho của trẻ tại nhà như:
- Trẻ trên một tuổi có thể dùng mật ong (2,5 ml) để làm dịu cơn ho khi về đêm.
- Trẻ cũng có thể dùng các loại siro ho được chiết xuất từ thảo dược có chứng minh là an toàn và hiệu quả.
- Một số cơn ho đi kèm với nghẹt mũi về đêm có thể làm trẻ khô miệng. Cha mẹ có thể cho trẻ uống thêm một ly nước ấm khoảng 30-80 ml trước khi ngủ và sáng sau khi thức dậy.
Nhức đầu
Trẻ từ 5 tuổi có thể biết và kể bạn nghe về triệu chứng này. Nhức đầu thường đi kèm giảm trí nhớ hay mất tập trung. Đây là những cách giúp trẻ lấy lại trạng thái thư giãn của não bộ:
- Trẻ nên ngủ đủ, uống đủ nước và ăn uống đa dạng.
- Việc học của trẻ không nên quá áp lực ít nhất 4-12 tuần sau bệnh.
- Thường xuyên trò chuyện, đố vui, chơi xếp hình... cùng trẻ.
- Quản lý thời gian sử dụng điện thoại, xem tivi dưới 60 phút/ngày.
Nếu trẻ đau đầu kéo dài và có biểu hiện tăng nặng, gia đình nên cho con đi khám.
Em bé mắc Covid-19 được mẹ đưa đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM). Ảnh: Quỳnh Danh. |
Rối loạn tiêu hóa
Trẻ có thể bị rối loạn tiêu hóa như hay tiêu chảy, đau bụng. Trẻ nên ăn nhiều rau, củ, quả để bổ sung chất xơ. Cha mẹ cần chọn loại ít ngọt và giàu vitamin C. Song song, trẻ cũng nên ăn, uống các loại sữa chua có lợi khuẩn để hỗ trợ đường tiêu hóa.
Khi nào cần đưa trẻ đi khám?
Trẻ cần đến cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe khi có một trong những biểu hiện sau:
- Trẻ thay đổi tính tình, hành vi hay cáu gắt, giảm tập trung.
- Trẻ có biểu hiện như thở mệt, hồi hộp, đánh trống ngực, mệt khi gắng sức, hụt hơi.
- Trẻ xuất hiện dấu hiệu của hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) như sốt 38,5 độ C kèm theo có các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa (nôn, tiêu chảy, đau bụng), phát ban và mệt mỏi.
- Trẻ thường xuyên khát nước đi kèm mệt mỏi và sụt cân.
Bài viết do bác sĩ Anh Nguyễn, thành viên của Hiệp Hội Dinh Dưỡng Lâm sàng Anh Quốc, Chuyên khoa Dinh dưỡng Nhi, ĐH Worcester, cung cấp thông tin.